Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Sáng 4/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại biểu Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ và kỹ sư nữ khu vực châu Á-Thái Bình Dương APNN 2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ và kỹ sư nữ khu vực châu Á-Thái Bình Dương APNN 2024. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ và kỹ sư nữ khu vực châu Á-Thái Bình Dương APNN 2024. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Cùng tham dự có GS, TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hội Nữ trí thức Việt Nam; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga; GS, TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam; bà Sarah Matilde Catherine Peers, Chủ tịch Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ quốc tế (INWES).

Theo các báo cáo, sau 13 năm hoạt động, Hội Nữ trí thức Việt Nam ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Hội Nữ trí thức Việt Nam đã tập hợp, thu hút được gần 6.000 hội viên phát triển hội viên ở 12 tỉnh/thành phố, 31 viện nghiên cứu, các trường đại học, các cơ quan Chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.

Hội đã có nhiều hoạt động phong phú, phát huy thế mạnh, tích cực thực hiện công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội, đóng góp ý kiến về các chính sách kinh tế-xã hội và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ Việt Nam nói chung và nữ trí thức nói riêng; phát huy thế mạnh, nâng cao vai trò của nữ trí thức trong nghiên cứu khoa học, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước; tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện, nhân đạo; đẩy mạnh quan hệ, hợp tác quốc tế…

Trong đó, năm 2018, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đăng cai, tổ chức thành công Hội nghị thường niên Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Năm nay, Hội nghị thường niên với chủ đề "Vai trò của phụ nữ trong khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế vì phát triển bền vững" do Hội Nữ trí thức Việt Nam đăng cai, tổ chức đã thành công tốt đẹp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt tay các đại biểu tham dự buổi gặp mặt. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt tay các đại biểu tham dự buổi gặp mặt. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Đặc biệt, Hội nghị Mạng lưới khu vực năm 2024 do Hội Nữ trí thức Việt Nam đăng cai tổ chức tại Thủ đô Hà Nội là một minh chứng sinh động cho sự chủ động hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ của đội ngũ nữ trí thức Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức thường niên luân phiên giữa các nước, khẳng định sự quan tâm của các quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm tạo ra một diễn đàn chung cho các nhà khoa học tiêu biểu. Đây là sự kiện không chỉ để kết nối và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, mà còn góp phần khẳng định vai trò quan trọng của các nhà khoa học, kỹ sư nữ trong việc giải quyết những vấn đề cấp bách của nhân loại, đóng góp vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới.

Đặc biệt, Hội nghị Mạng lưới khu vực năm 2024 do Hội Nữ trí thức Việt Nam đăng cai tổ chức tại Thủ đô Hà Nội là một minh chứng sinh động cho sự chủ động hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ của đội ngũ nữ trí thức Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam luôn coi trọng trí thức, coi “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp”.

Trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam kiên trì mục tiêu phát triển bền vững, xác định khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Đồng thời, luôn đề cao vai trò của phụ nữ, nỗ lực không ngừng thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển đội ngũ nhà khoa học nữ, tạo điều kiện tốt nhất cho phụ nữ phát triển tài năng, đóng góp cho đất nước, khu vực và thế giới.

Các đại biểu tham dự buổi gặp mặt. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Các đại biểu tham dự buổi gặp mặt. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Qua gần 40 năm tiến hành đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhờ có sự chung tay, đồng lòng của toàn dân tộc và bạn bè quốc tế; trong đó có những đóng góp quan trọng của đội ngũ trí thức nói chung, các nữ trí thức nói riêng, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử, trong đó có sự đóng góp của nữ khoa học trí thức Việt Nam. Các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới luôn được chú trọng thực hiện. Năm 2023, Việt Nam đã có 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đề ra cho năm 2025. Chỉ số bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022.

Lãnh đạo Hội Nữ trí thức Việt Nam phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Lãnh đạo Hội Nữ trí thức Việt Nam phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động lên mọi mặt của đời sống xã hội; thế giới đang đối diện với nhiều thách thức lớn như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên và bất bình đẳng xã hội… Đây là những vấn đề vừa mang tính toàn cầu, vừa mang tính toàn dân, không chỉ đòi hỏi những giải pháp kỹ thuật mà còn cần sự hợp tác chặt chẽ, nỗ lực lớn từ các quốc gia, cộng đồng, và đặc biệt là từ giới khoa học. Chính các nhà khoa học, kỹ sư nữ - với trí tuệ và sự nhạy bén - đang và sẽ tiếp tục đóng góp vào việc tìm ra những giải pháp sáng tạo, hiệu quả để vượt qua các thách thức này.

Lãnh đạo Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ quốc tế (INWES phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Lãnh đạo Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ quốc tế (INWES phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Qua báo cáo, Thủ tướng rất vui mừng được biết thời gian qua, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nữ trí thức. Hội đã tạo các diễn đàn khoa học cho nữ trí thức được thể hiện sự sáng tạo, tâm huyết và lòng đam mê nghiên cứu khoa học; đóng góp tích cực trong xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Cụ thể như: 264 công trình, nghiên cứu, báo cáo khoa học được đăng tải; trên 130 sản phẩm KHCN của 26 nhà khoa học nữ được giới thiệu trong triển lãm “Thành tựu Khoa học và Công nghệ của Nữ trí thức Việt Nam”; hơn 200 sản phẩm trên Sàn giao dịch trực tiếp, trực tuyến về công nghệ, sản phẩm khoa học, công nghệ,…

Hội là nơi hội tụ các cá nhân được tôn vinh trong nước và quốc tế, được nhận các giải thưởng khoa học như: Giải thưởng Nhà nước về Khoa học-công nghệ, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Vifotex, giải thưởng Kovalevskaia, Loreal-UNESCO và các giải quốc tế khác… dành cho các nhà khoa học nữ. Ví dụ như Anh hùng lao động, PGS, TS Nguyễn Thị Trâm, người đã tạo ra hàng chục giống lúa lai năng suất cao và chất lượng. Là Anh hùng lao động, GS, TS Huỳnh Thị Phương Liên, người đã làm nên những kỳ tích cho y học nước nhà như sản xuất vaccine viêm não Nhật Bản bất hoạt, là loại vaccine thế hệ 1 thành công. Sản phẩm thuốc Trinh nữ hoàng cung của TS, Dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã xuất khẩu sang Mỹ và các nước châu Âu… Hội đã hỗ trợ hiệu quả các nữ trí thức khởi nghiệp, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có giá trị; tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội bền vững.

Có thể khẳng định rằng, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã từng bước thể hiện vai trò hạt nhân tập hợp đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của đội ngũ nữ trí thức, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam cũng như cho hoạt động của Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa chúc mừng các nữ đại biểu. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa chúc mừng các nữ đại biểu. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Hướng tới kỷ nguyên phát triển mới, Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững; góp phần giải quyết những vấn đề quan trọng về biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, nâng cao năng suất lao động… Đổi mới để bứt phá, vượt qua chính mình - Sáng tạo để vươn xa, bay cao trong bầu trời kỷ nguyên số và phát triển xanh của nhân loại. Việt Nam nỗ lực bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong tiến trình đổi mới sáng tạo của nhân loại.

Chính phủ Việt Nam đề cao và thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ hiện đại; tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức, trong đó có nữ trí thức, phát huy tối đa năng lực, tâm huyết của mình thông qua việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu khoa học và công nghệ; khuyến khích sự sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và đời sống... Đẩy mạnh phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao; tạo điều kiện thuận lợi cho các nữ trí thức, các nhà khoa học nữ tham gia các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Nhân dịp này, Thủ tướng trân trọng cảm ơn và mong muốn Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ quốc tế tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam; đồng thời kết nối, tạo điều kiện để nữ trí thức Việt Nam tiếp cận, học hỏi và có cơ hội làm việc, trao đổi, hợp tác với các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp công nghệ cao các nước trên thế giới; hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản trị, xây dựng thể chế chính sách.

Thủ tướng nhấn mạnh, phụ nữ có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của mỗi gia đình, mỗi xã hội, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Phụ nữ vừa là những người mẹ, người vợ, vừa là người lao động, doanh nhân, những kỹ sư, nhà khoa học, đóng vai trò trung tâm, là chủ thể trong xây dựng và phát triển nền kinh tế chăm sóc; thúc đẩy sự mạnh mẽ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững ở mỗi quốc gia, khu vực và trên thế giới.

Càng phấn khởi, vui mừng về những kết quả quan trọng đã đạt được, chúng ta càng mong muốn có được ngày càng nhiều thành quả thiết thực, ý nghĩa hơn nữa của Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ quốc tế nói chung, của Hội Nữ trí thức Việt Nam nói riêng, đóng góp ngày càng lớn cho phát triển đất nước và xây dựng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như cho một thế giới hòa bình, công bằng, nhân văn, nhân ái, văn minh và phát triển bền vững.

tin: thanh giang; ảnh: trần hải

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-gap-mat-cac-nha-khoa-hoc-va-ky-su-nu-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong-post834816.html