Đề xuất giảm nhiều sắc thuế để hạ nhiệt giá dầu

Tại tọa đàm 'Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển', do Báo Đầu tư tổ chức ngày 8/9, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nhiều chuyên gia cho rằng, cần tính đến phương án giảm thêm các loại thuế để tránh những tác động xấu với nền kinh tế.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, giá dầu thế giới kể từ cuối năm 2021 đến nay đã tăng liên tục.

Ông Tuấn Anh dự báo giá dầu thế giới thời gian tới sẽ duy trì ở mức cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Điều này cũng tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam.

“Từ năm 2015, Việt Nam là nước nhập khẩu năng lượng với mức nhập khẩu tăng 30,2%/năm đối với dầu thô và 51,2%/năm đối với than trong giai đoạn 2016-2020”, ông Tuấn Anh nói.

Để giảm áp lực lạm phát do giá dầu, TS Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, cần tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu hiện nay.

Trong đó, cần ưu tiên cân nhắc giảm thuế VAT với mặt hàng xăng dầu tới hết năm 2022 và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu với xăng dầu như kinh nghiệm của các nước đã áp dụng.

Ông Lê Quang Trung Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam cho biết, với hoạt động vận tải, chi phí nhiên liệu là chi phí lớn, chiếm tỉ trọng từ 30 - 40% chi phí khai thác tàu. Ông Trung kiến nghị, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong việc bình ổn giá nhiên liệu trong nước thông qua giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Cùng đó, cơ quan quản lý cần tiếp tục thực hiện các biện pháp giảm thuế và ổn định giá xăng dầu đến hết quý II/2023 để giúp doanh nghiệp khôi phục và ổn định sản xuất.

Trao đổi với PV Tiền Phong bên lề tọa đàm ‘Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển’, do Báo Đầu tư tổ chức ngày 8/9, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, để giúp giảm tác động của giá dầu cho nền kinh tế, Chính phủ và Quốc hội cần nhanh chóng tiếp tục giảm Thuế Bảo vệ môi trường, đồng thời rà soát các sắc thuế có thể giảm để hỗ trợ chặn đà tăng giá tác động của giá dầu.

Ông Bảo cho rằng, năm 2022 là một năm dị biệt với các doanh nghiệp ngành xăng dầu khi biên độ tăng giảm giá của giá xăng dầu thế giới trong ngày lên đến 5-7 USD, thậm chí tới 10 USD trong tháng 5, kéo theo ảnh hưởng đến tồn kho, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, việc áp dụng cách tính chi phí định mức, tính giá xăng dầu hiện nay cũng có điểm bất cập. Trong quy định hiện hành, nhiều loại chi phí của doanh nghiệp 6 tháng vẫn giữ nguyên, trong khi thị trường biến động, đặc biệt chi phí vận chuyển thay đổi hàng ngày với biên độ rất lớn. Việc áp dụng cách tính cứng về giá trong Nghị định 83 và 95 như vậy không còn phù hợp với diễn biến thị trường hiện nay, kéo theo giá không phản ánh kịp diễn biến của giá thế giới dù đã rút thời gian điều chỉnh giá xuống còn 10 ngày/kỳ điều chỉnh.

“Ngay trong tính chi phí định mức 1.300 đồng/lít được xây dựng và áp dụng cho doanh nghiệp từ năm 2014 đến nay cũng là điều bất cập khi doanh nghiệp không được tính đủ. Với chi phí vận chuyển cùng phụ phí bị tăng lên như hiện nay, kết cấu tính chi phí của doanh nghiệp xăng dầu bị tính thiếu từ 300 – 400 đồng/lít và doanh nghiệp chỉ được ghi nhận thực tế chi phí định mức khoảng 900 đồng/lít. Bán hàng bị lỗ, chi phí bị tính thiếu như vậy dẫn đến doanh nghiệp chỉ đảm bảo nhập đủ sản lượng được quy định. Việc thiếu, bán nhỏ giọt vì thế cũng xảy ra", ông Bảo nói.

Quỹ Bình ổn giá không còn tác dụng giảm sốc?

Về việc Quỹ Bình ổn giá xăng dầu liên tục bị âm kéo theo sự lệch pha với giá thế giới khi điều hành khiến nhiều chuyên gia đề xuất nên bỏ quỹ này. Theo ông Bảo, quỹ thực chất chỉ như "cái van" điều tiết giúp hỗ trợ hạ nhiệt khi thị trường có sự tăng sốc chứ không thể giữ được giá xăng dầu. Trong khi rất nhiều tháng nay quỹ bị âm nặng nên không còn tác dụng đỡ sốc cho thị trường kéo theo sự lệch pha hoàn toàn với thế giới.

“Đây là thời điểm tốt nhất, theo đánh giá của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, để chuyển xăng dầu sang theo cơ chế thị trường và Quỹ Bình ổn không nên tồn tại”, ông Bảo nói.

Về việc điều hành chi, sử dụng quỹ, theo ông Bảo, trước đây, Nghị định 84 của Chính phủ đã có quy định rất rõ về việc sử dụng và trích quỹ trong trường hợp nào và tỷ lệ sử dụng quỹ ra sao trong trường hợp doanh nghiệp tăng giá bán. Tuy nhiên, đến Nghị định 83 rồi 95 về sau này, các quy định cụ thể đó không còn nữa.

“Cơ quan quản lý là đơn vị quyết mức chi cụ thể của mỗi kỳ điều chỉnh giá. Bây giờ người ta không rõ là vì sao lại chi 500 đồng với xăng rồi lại 400 đồng với dầu. Không ai hiểu căn cứ vào đâu cơ quan quản lý tính và đưa ra mức trích quỹ như vậy”.

Phạm Tuyên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/de-xuat-giam-nhieu-sac-thue-de-ha-nhiet-gia-dau-post1468096.tpo