Đề xuất hỗ trợ thân nhân của lực lượng quân nhân thường trực đóng BHYT
Chiều 31/10, góp ý về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), đại biểu Quốc hội đã thảo luận và tranh luận sôi nổi về nội dung liên quan đến đề xuất hỗ trợ thân nhân của lực lượng quân dân thường trực đóng BHYT.
Theo đó, góp ý vào Dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Phan Văn Xựng (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung quy định về BHYT cho thân nhân của dân quân thường trực, bởi đây là lực lượng thường trực làm nhiệm vụ tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng; phòng chống dịch bệnh nguy hiểm; cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy, khắc phục sự cố, thảm họa ở các khu vực nguy hiểm đến tính mạng...
"Thực tiễn, trong thời gian chống dịch Covid-19, dân quân là lực lượng nòng cốt, quan trọng trong chống dịch. Riêng trong chống dịch, TP Hồ Chí Minh có hơn 36.000 đồng chí tham gia" - đại biểu nêu.
Thực tế tại các địa phương, đối tượng dân quân thường trực đang được hưởng các chế độ chính sách như các hạ sĩ quan tại ngũ, nhưng thân nhân của họ chưa được mua thẻ BHYT bằng ngân sách Nhà nước. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về BHYT cho thân nhân của dân quân thường trực.
Chung quan điểm này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) cũng đề nghị bổ sung thêm nhóm đối tượng thân nhân của lực lượng quân nhân thường trực vào nhóm được hỗ trợ mua BHYT để họ yên tâm làm nhiệm vụ.
Tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng hơn về việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT...
Với đề xuất mở rộng thêm phạm vi đối tượng được hỗ trợ mua BHYT thân nhân của dân quân thường trực, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, trước đây lực lượng dân quân thường trực không có chế độ. Sau khi có Luật Dân quân tự vệ thì đối với lực lượng dân quân tự vệ đã có chế độ, bồi dưỡng hàng tháng và đã có đóng bảo hiểm xã hội. Do đó, việc thêm thân nhân của đối tượng dân quân tự vệ được hưởng bảo hiểm xã hội là không hợp lý.
Tranh luận với về nội dung này, đại biểu Quốc hội Trần Đức Thuận (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) cho rằng, Đảng, Nhà nước luôn xác định lực lượng vũ trang bao gồm Quân đội, Công an và Dân quân tự vệ và có nhiều quy định trú trọng xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ, có chính sách quan tâm tới lực lượng này.
Do đó, đại biểu Trần Đức Thuận đề nghị các đại biểu Quốc hội cân nhắc, ủng hộ Dự thảo luật bổ sung đối tượng là thân nhân của dân quân thường trực được Nhà nước mua BHYT.
Phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng) cho biết, theo Luật Dân quân tự vệ 2019, dân quân thường trực là lực lượng thường trực làm nhiệm vụ tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, có yêu cầu rất cao, đòi hỏi huy động kịp thời, nhằm ứng phó với các tình thế có thể xảy ra ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện môi trường khắc nghiệt, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của dân quân thường trực.
“Ví dụ đặc biệt như khi ứng phó với cơn bão số 3 vừa qua, lực lượng dân quân tự vệ đã sát cánh với lực lượng công an và các lực lượng chức năng để thực hiện các nhiệm vụ, để lại hình ảnh rất đẹp, xúc động trong lòng mọi người”- đại biểu Tô Ái Vang nhấn mạnh.
Trên cơ sở quan điểm BHYT, bảo hiểm xã hội là chính sách an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết 28 -NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, đại biểu bày tỏ mong muốn Quốc hội, Chính phủ xem xét mở rộng thêm một số đối tượng, trong đó đặc biệt quan tâm đến đối tượng là thân nhân của lực lượng dân quân tự vệ để bảo đảm tính tương quan giữa các lực lượng có tính chất hoạt động tương đồng.