Đề xuất 'kìm' giá xăng dầu đến hết quý II/2023 để giữ chi phí logistics
Theo Hiệp hội Logistics Việt Nam, chi phí logistics tăng sẽ tác động đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt, do đó cần hỗ trợ hết quý II/2023.
Chi phí vận tải chiếm khoảng 60% chi phí logistics
Ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam cho biết, với hoạt động vận tải, chi phí nhiên liệu là chi phí lớn, chiếm tỉ trọng từ 30-40% chi phí khai thác tàu. Nếu tính đầy đủ chi phí logistics thì chi phí vận tải chiếm khoảng 60%.
Do vậy, giá dầu và giá nhiên liệu tăng mạnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá thành, cũng như sức cạnh tranh của logistics Việt Nam và tác động đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Cho nên, giá dầu đã tạo nên một sức ép lớn cho ngành logistics nói chung và ngành hàng hải nói riêng.
Tuy nhiên, không phải nói rằng cứ tăng giá dầu là có thể được áp tăng giá logistics cho khách hàng, bởi vì, trong logistics, thực tế chúng ta thường có những hợp đồng ràng buộc giá dài hạn.
Do đó, doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh các phương án làm sao để không tăng giá quá nhiều so với hợp đồng đã cam kết, với mong muốn không điều chỉnh quá nhiều lần gây nên sự xáo trộn trong các ngành sản xuất.
Hiện các doanh nghiệp logistics đang nỗ lực điều chỉnh phương án cung cấp dịch vụ, tìm ra cách thức giảm các chi phí khác bên cạnh chi phí về nhiên liệu.
Ví dụ, mở rộng thêm các tuyến đường, tăng việc sử dụng hàm lượng công nghệ trong chuỗi logistics, hay là tính toán phương án giảm tối đa thời gian phải chờ đợi… nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng liên tục, đảm bảo cước tổng thể không thay đổi.
Phải kìm giá xăng dầu đến hết quý II/2023
Để thực hiện được các mục tiêu đó, nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cao điểm những tháng cuối năm, đại diện Hiệp hội Logistics Việt Nam cũng đã có những kiến nghị cụ thể.
Đó là, trong thời gian tới, tiếp tục bình ổn giá nhiên liệu trong nước thông qua giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường.
Cùng đó, cơ quan quản lý cần tiếp tục thực hiện các biện pháp giảm thuế và ổn định giá xăng dầu đến hết quý II/2023 để giúp doanh nghiệp khôi phục và ổn định sản xuất.
“Có như vậy mới tạo ra được một cơ chế, một khung cho các doanh nghiệp chủ động tính toán phương án của mình”, ông Trung nói.
TS. Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho rằng, cần tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu hiện nay.
Trong đó, cần ưu tiên cân nhắc giảm thuế VAT với mặt hàng xăng dầu tới hết năm 2022 và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu với xăng dầu như kinh nghiệm của các nước đã áp dụng.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho biết, dự báo từ các chuyên gia quốc tế cho thấy, giá dầu có thể giảm về vùng 60-70 USD/thùng, tuy nhiên, lúc này, các nước xuất khẩu dầu mỏ như nhóm OPEC+, đặc biệt là Nga sẽ có những động thái cứng rắn để hỗ trợ giá.
Do đó, mốc giao dịch được ở báo ở ngưỡng 60-90 USD/thùng trong quý IV năm nay.
Còn với kịch bản tiêu cực, giá dầu có thể lên mức 150 USD/thùng nếu xuất khẩu dầu của Nga giảm mạnh (đánh giá của Ngân hàng Mỹ (BoA) và Morgan Stanley), ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư – KH&ĐT) thông tin.