Đề xuất nghiên cứu, thiết lập lại Quy hoạch xi măng để bổ sung vào Luật Quy hoạch
Dư thừa công suất sản xuất xi măng, Bộ Xây dựng đề xuất nghiên cứu, thiết lập lại Quy hoạch xi măng để bổ sung vào Luật Quy hoạch trong thời gian tới.
Theo Bộ Xây dựng, những năm gần đây, hoạt động sản xuất xi măng suy giảm do tác động của nhiều yếu tố bất lợi cùng với việc thị trường bất động sản chưa phục hồi.
Nêu rõ thêm PGS.TS. Lương Đức Long - Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam bày tỏ: Yếu tố bất khả kháng liên quan đến giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất xi măng mặc dù đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao.
“2 năm qua, tiêu thụ xi măng ở trong nước đã tăng trưởng âm. Hiệp hội Xi măng Việt Nam, Bộ Xây dựng từ năm ngoái đến nay đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ có giải pháp gỡ khó cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng, mục tiêu để tăng lượng tiêu thụ”- Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho hay.
Cụ thể, tổng sản lượng sản xuất xi măng và clinker cả năm 2023 chỉ đạt 92,9 triệu tấn, dây chuyền hoạt động trung bình toàn ngành chỉ đạt 75% tổng công suất thiết kế. Tổng sản lượng tiêu thụ năm 2023 đạt 87,8 triệu tấn, bằng 88% so với năm 2022.
Trong khi đó, quy mô công suất ngành hiện quá lớn, vượt 120 triệu tấn/năm, lại đang ở trong thế khó chưa từng thấy, khi cung lớn mà nhu cầu tiêu dùng trong nước lẫn xuất khẩu đều thu hẹp. Tiêu thụ xi măng nội địa năm 2023 thấp chưa từng thấy, đạt chưa nổi 60 triệu tấn, kênh xuất khẩu cũng giảm về quanh 30 triệu tấn.
Tổng mức đầu tư ngành xi măng Việt Nam ước tính theo giá trị hiện đã lên đến 500.000 tỷ đồng (tương đương 20 tỷ USD), với tổng công suất đạt 122 triệu tấn/năm, nhưng có thể sản xuất vượt số này nhờ tăng tỷ lệ phụ gia.
Bộ Xây dựng chỉ ra, áp lực dư thừa công suất sản xuất clinker trong nước rất lớn, trên 50 triệu tấn, trong khi tốc độ xây dựng lại rất chậm, dẫn đến áp lực nợ xấu ngành xi măng đang và sẽ trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Nếu không có giải pháp hỗ trợ của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp xi măng sẽ phá sản.
Bộ Xây dựng lý giải, năm 2017, Luật Quy hoạch có hiệu lực đã bãi bỏ các Quy hoạch sản xuất, trong đó có sản phẩm xi , từ đó việc đầu tư các dự án sản xuất xi măng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng dư thừa công suất sản xuất xi măng trên toàn quốc có hiện tượng tăng cao, dẫn đến khó kiểm soát tình hình cung cầu xi măng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Do đó, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính giao Bộ Xây dựng nghiên cứu đề xuất thiết lập lại Quy hoạch lĩnh vực xi măng để bổ sung vào Luật Quy hoạch sửa đổi trong thời gian tới.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng tổ chức tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội rà soát lại cơ chế, chính sách về phát triển ngành xi măng; tăng cường năng lực dự báo các yếu tố tác động trong và ngoài nước để có các phương án chủ động ứng phó một cách kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xi măng, sắt thép, ổn định sản xuất và mở rộng thị trường.
Thủ tướng chỉ đạo tăng cường sử dụng công nghệ gia cố đất bằng xi măng trong xây dựng đường bộ để nâng cao chất lượng, tuổi thọ đường, đồng thời sử dụng nguồn xi măng trong nước; tăng cường sử dụng đường bê tông xi măng cho xây dựng đường nông thôn, miền núi và đường tại những vùng thường xuyên ngập lụt; giảm nhập khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước.
Các doanh nghiệp cần đầu tư sử dụng rác thải để thay thế nhiên liệu đốt, sử dụng phế thải công nghiệp để thay thế nguyên liệu tài nguyên thiên nhiên để giảm chi phí nguyên, nhiên liệu trong sản xuất, hạ giá thành sản phẩm; đầu tư các trạm nghiền xi măng tại các vùng thuận tiện về giao thông, cảng biển, có nguồn khoáng sản phụ gia làm xi măng, có nguồn phát thải tro, xỉ, thạch cao…
Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng để xây dựng, ban hành chính sách ưu đãi cụ thể đối với các nhà máy sản xuất xi măng và các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng khác khi sử dụng các loại nhiên liệu thay thế từ rác thải và sử dụng các nguyên liệu thay thế là phế thải của các ngành công nghiệp như tro xỉ, thạch cao nhân tạo… trong sản xuất xi măng; quy định chặt chẽ trách nhiệm của chủ nguồn thải về chi trả chi phí vận chuyển và xử lý rác thải, tro xỉ, thạch cao,… để làm nhiên liệu, nguyên liệu trong sản xuất xi măng và sản xuất vật liệu xây dựng khác.
Chính phủ cũng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu đề xuất thiết lập lại Quy hoạch lĩnh vực xi măng để bổ sung vào Luật Quy hoạch (sửa đổi) trong thời gian tới; nghiên cứu thực hiện biện pháp về phòng vệ thương mại, chống bán phá giá đối với các sản phẩm gạch ốp lát, sứ vệ sinh và kính xây dựng nhập khẩu, đảm bảo phù hợp với những quy định trong tự do thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Theo Bộ Xây dựng, trong 10 năm gần đây, tổng năng lực sản xuất các vật liệu xây dựng chủ lực của Việt Nam đã tăng trưởng đạt khoảng 120 triệu tấn xi măng, 830 triệu m² gạch ốp lát, 26 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 330 triệu m² kính xây dựng, 20 tỷ viên gạch đất sét nung, 12 tỷ viên gạch không nung (quy tiêu chuẩn).
Chất lượng vật liệu xây dựng Việt Nam đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Trình độ công nghệ, tổ chức sản xuất, kinh doanh, môi trường của ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam đứng tốp đầu trong các nước ASEAN. Tổng giá trị doanh thu hàng năm của ngành vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép ước đạt gần 47 tỷ USD (chiếm khoảng 11 % GDP quốc gia).
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành vật liệu xây dựng nước ta gặp nhiều khó khăn, sản lượng tiêu thụ và doanh thu đều giảm sút, dẫn đến đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, mất việc làm của nhiều người lao động, tác động đến phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.