Đề xuất sau khi HS hoàn tất thi tốt nghiệp mới công bố kết quả trúng tuyển sớm

Nhiều em học sinh khi biết mình chắc chắn đỗ đại học đã nảy sinh tâm lý chểnh mảng, học tập cầm chừng.

Luật Giáo dục đại học đã trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học. Các trường căn cứ trên quy chế tuyển sinh hiện hành để xây dựng đề án tuyển sinh phù hợp với mục tiêu, định hướng đào tạo của đơn vị.

Từ chỗ chỉ có một kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội vào năm 2015, đến nay, đến mùa tuyển sinh năm 2024 vừa qua, ghi nhận trên cả nước có khoảng 10 đơn vị tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh đầu vào.

 Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội tại điểm thi Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tháng 4/2023. Ảnh: VNU

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội tại điểm thi Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tháng 4/2023. Ảnh: VNU

Biết trúng tuyển đại học sớm, nhiều học sinh có tâm lý học cầm chừng

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một chuyên gia giáo dục đại học nhận định, ưu điểm dễ thấy nhất của các kỳ thi riêng hiện nay chính là tạo thêm cơ hội cho thí sinh trúng tuyển đại học; đồng thời, cũng giúp các trường chủ động hơn trong việc lựa chọn thí sinh phù hợp. Tuy nhiên, những mặt trái của các kỳ thi này cũng đã xuất hiện, bao gồm vấn đề xuất hiện các “lò” luyện thi tràn lan, gia tăng áp lực cho thí sinh, gây tốn kém, phiền hà cho người học, gia đình và xã hội.

Theo chuyên gia, Nhà nước giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học là cần thiết và hợp lý, nhưng không có nghĩa các trường “thích làm gì thì làm”.

Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nêu rõ: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”. Như vậy, mục tiêu chung là hướng đến kỳ thi chung gọn nhẹ, thuận tiện, giảm áp lực, tốn kém cho người học và cho phụ huynh.

Trong khi đó, hiện nay, các kỳ thi riêng chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và trung tâm một số tỉnh thành, nên thí sinh khu vực vùng sâu, vùng xa không có điều kiện đi lại sẽ không có cơ hội tham gia. Chưa kể, ngoài lệ phí thi, thí sinh còn phải chi các khoản khác như chi phí di chuyển, tiền học ôn luyện.

“Sự xuất hiện kỳ thi riêng dẫn tới xu hướng ngày càng nhiều cơ sở giáo dục đại học chủ trương giảm chỉ tiêu dành cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tăng chỉ tiêu cho kỳ thi riêng. Điều này dẫn đến điểm chuẩn đối với phương thức xét bằng kết quả thi tốt nghiệp cũng ngày càng tăng cao, khiến những thí sinh vùng khó khăn lại càng khó tiếp cận với giáo dục đại học.

Vì vậy, chỉ nên cho phép một số cơ sở giáo dục đại học uy tín, có đủ nguồn lực để tổ chức kỳ thi riêng, tránh tình trạng các kỳ thi riêng “trăm hoa đua nở” gây phiền hà, tốn kém cho người học và lãng phí nguồn lực xã hội”, vị chuyên gia nêu ý kiến.

 Ảnh minh họa: DN

Ảnh minh họa: DN

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) đánh giá, các kỳ thi riêng đã mở ra nhiều cơ hội cho thí sinh để xét tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có các trường top đầu.

Tuy nhiên, điều này cũng có những mặt trái nhất định khi học sinh phải phân bổ thêm thời gian để ôn luyện phục vụ cho các kỳ thi riêng, bên cạnh việc học ở trường.

Ngoài ra, việc biết kết quả trúng tuyển đại học từ sớm (thông qua các phương thức xét tuyển sớm như xét bằng học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, kết quả các kỳ thi riêng) cũng phần nào ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học ở trường.

Theo thầy Bình, nhiều em học sinh khi biết mình đã đỗ đại học đã nảy sinh tâm lý chểnh mảng, học cầm chừng. Đa số các em chỉ học và tham gia kỳ thi tốt nghiệp với tâm thế chỉ cần đủ điểm đỗ là được. Điều này đặt ra những khó khăn nhất định cho nhà trường và các thầy cô giáo trong việc đảm bảo chất lượng dạy và học.

Và vì vậy, điều này cũng dẫn tới một thực tế là điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông những năm gần đây không còn phản ánh hết thực chất về chất lượng dạy và học của các cơ sở giáo dục, các địa phương.

“Theo tôi, để thực hiện được các mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặt ra, nhất là mục tiêu đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh, việc tính toán lại thời gian công bố kết quả trúng tuyển sớm là cần thiết.

Thời điểm phù hợp nhất có lẽ là sau khi học sinh hoàn tất kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, lúc này các trường mới nên công bố kết quả trúng tuyển sớm (thông qua học bạ, kết quả các kỳ thi riêng, chứng chỉ ngoại ngữ,...)”, thầy Bình đề xuất.

Đưa môn học mới vào tổ hợp xét tuyển đại học từ 2025

Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, Phó giáo sư, Tiến sĩ Tô Văn Phương - Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Nha Trang cho biết đơn vị này chưa có dự định tổ chức, bởi việc tổ chức kỳ thi riêng có nhiều vấn đề phức tạp, đặc biệt khâu tổ chức, làm đề thi,...

“Việc tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh với một trường đại học có nguồn lực vừa phải sẽ đặt ra rất nhiều thách thức. Hơn nữa, tình trạng các kỳ thi riêng “trăm hoa đua nở” cũng gây khó khăn cho thí sinh”, Phó giáo sư Phương nhìn nhận.

Theo đó, chia sẻ phương hướng tuyển sinh đại học từ năm 2025, vị Trưởng phòng Đào tạo cho biết nhà trường dự kiến xét tuyển theo phương thức kết hợp kết quả học tập trung học phổ thông và kết quả đánh giá năng lực học tập đại học.

Phó giáo sư Phương nhấn mạnh, một số thông tin báo chí đăng tải trước đó, cho rằng nhà trường không còn sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông để tuyển sinh đại học là chưa chính xác. Theo đó, kết quả đánh giá năng lực học tập có thể là kết quả từ kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

“Định dạng, cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố hoàn toàn phù hợp với định hướng tuyển sinh của trường, thể hiện mục tiêu đánh giá năng lực học tập của học sinh. Đây là một cơ sở tốt cho các cơ sở giáo dục đại học xét tuyển đầu vào. Vì vậy, kết quả kỳ thi này vẫn được nhà trường sử dụng để xét tuyển thí sinh”, Phó giáo sư Phương chia sẻ.

Bên cạnh đó, vị Trưởng phòng Đào tạo cũng cho biết, Trường Đại học Nha Trang là một trong những cơ sở giáo dục đại học đầu tiên đưa môn Tin học vào tổ hợp xét tuyển đại học. Cụ thể, bên cạnh một số môn truyền thống (như Toán, Ngữ văn, tiếng Anh), Tin học được đưa vào tổ hợp xét tuyển nhằm đánh giá năng lực học tập đại học của học sinh ở các ngành/chuyên ngành: Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin quản lý.

“Với những ngành liên quan tới công nghệ thông tin,Tin học là môn học quan trọng cung cấp những kiến thức nền tảng để đảm bảo học sinh có thể học tập tốt hơn ở bậc đại học. Đây cũng là căn cứ để thí sinh đưa ra lựa chọn môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp ở bậc phổ thông, theo tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông mới”, Phó giáo sư Phương chia sẻ.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/de-xuat-sau-khi-hs-hoan-tat-thi-tot-nghiep-moi-cong-bo-ket-qua-trung-tuyen-som-post246422.gd