Sắp xếp điểm trường, lớp học: Động lực nâng cao chất lượng giáo dục

Nhằm tập trung cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng dạy học, trong thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh và các huyện, thành phố đã tiến hành rà soát, sắp xếp lại các điểm trường nhỏ, lẻ ở các thôn bản. Việc sắp xếp trường, lớp học được thực hiện một cách linh hoạt, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn ở các địa phương đã góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục.

Học sinh được học tập trong môi trường đầy đủ hơn

Trước đây, hầu hết các điểm lẻ ở các thôn của trường Mầm non Kim Bình (Chiêm Hóa) có cơ sở vật chất thiếu thốn, nên khó nâng cao chất lượng dạy học. Do vậy, nhà trường đã từng bước dồn, ghép các điểm trường lẻ về điểm trường chính, điểm trường trung tâm. Từ hơn chục điểm trường sau khi sắp xếp lại nhà trường chỉ còn 3 điểm trường gồm: 1 trường chính và 2 điểm trường tại thôn Tông Đình và Khuân Nhự, nhà trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Cô giáo Hoàng Thị Dâu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc sắp xếp các điểm trường hợp lý đã giúp trường tập trung cơ sở vật chất, bố trí giáo viên dạy học phù hợp hơn, tạo động lực để nâng cao chất lượng giáo dục. Trường đã duy trì được thành quả phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi và duy trì danh hiệu trường chuẩn quốc gia. Hiện nay tỷ lệ huy động trẻ từ 3 đến 5 tuổi đến trường luôn đạt 100%, tỷ lệ huy động trẻ dưới 3 tuổi đạt 51%, trẻ được nuôi dạy trong môi trường đầy đủ, cơ sở vật chất khang trang. Cô Dâu cũng cho rằng, việc dồn ghép điểm trường đã giúp nhà trường chủ động trong việc sắp xếp đội ngũ giáo viên đứng lớp, cơ sở vật chất được đầu tư đáp ứng được yêu cầu dạy trẻ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trẻ học múa tại Trường Mầm non Sơn Nam (Sơn Dương).

Trẻ học múa tại Trường Mầm non Sơn Nam (Sơn Dương).

Hiện nay, hệ thống đường giao thông nông thôn được bê tông hóa trải dài khắp các ngõ, xóm trên địa bàn tỉnh đã giúp việc đi lại của người dân dễ dàng hơn. Đây cũng chính là lý do giúp việc sắp xếp các điểm trường diễn ra thuận lợi hơn. Các huyện, thành phố đã rà soát số học sinh, các điểm trường lẻ để từ đó dồn ghép, sắp xếp lại cho hợp lý.

Đồng chí Chẩu Bình Yên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Sơn cho biết: Từ năm 2021 đến nay, huyện Yên Sơn đã giảm được 46 điểm trường lẻ. Đồng thời thực hiện sáp nhập 6 trường có quy mô nhỏ thành 3 trường liêp cấp Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS. Nhờ việc sắp xếp đã giúp tăng số lượng học sinh trên lớp, tiết kiệm được biên chế, tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày và tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường. Hiện nay, toàn huyện có hơn 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, tỷ lệ huy động trẻ dưới 36 tháng tuổi đi nhà trẻ đạt trên 52% (vượt kế hoạch được giao). Việc dồn ghép, sắp xếp các điểm trường hợp lý đã giúp các trường thuận lợi hơn khi tổ chức các hoạt động chung, chất lượng cơ sở vật chất đảm bảo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.

Khi thực hiện việc dồn ghép các điểm trường nhỏ, lẻ về điểm trường chính đã có những ý kiến băn khoăn của phụ huynh vì không muốn ngại đưa con đi học xa. Do vậy, trong quá trình triển khai thực hiện dồn ghép, sắp xếp trường, lớp học thì việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân là hết sức cần thiết. Chị Phùng Thị Nụ ở thôn Cao Đá, xã Sơn Nam (Sơn Dương) cho biết, gia đình chị có con đang học lớp 4 tuổi trường Mầm non Sơn Nam. Từ nhà chị đến trường là hơn 6 km, ngày trước đưa con đi học xa đường xấu nên ngại nhưng giờ đường đẹp toàn bê tông, có cầu bắc qua suối thuận lợi nên việc chuyển các con về điểm trường chính học là hợp lý và phụ huynh rất đồng tình vì học tập tại điểm trường chính khang trang, sạch đẹp, các con được nuôi dưỡng và dạy dỗ đầy đủ sẽ phát triển toàn diện hơn.

Tiếp tục sắp xếp, nâng cao chất lượng dạy và học

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh đã sắp xếp giảm được 48 điểm trường lẻ. Việc sắp xếp, ghép các điểm trường lẻ về điểm trường chính đã giúp các cơ sở giáo dục tập trung cơ sở vật chất, bố trí đội ngũ giáo viên dạy học phù hợp, học sinh học tập ở trường chính với điều kiện đầy đủ hơn đã tạo động lực để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả; chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn từng bước được nâng lên; chất lượng giải và số lượng học sinh tham dự và đoạt giải tại các cuộc thi, kỳ thi cấp khu vực và quốc gia ngày càng tăng. Năm học 2023 - 2024 là năm học thứ 2 liên tiếp tỉnh Tuyên Quang có dự án được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn tham gia Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế tổ chức tại Hoa Kỳ. Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2024, tỉnh Tuyên Quang có 55 thí đoạt giải ở tất cả các môn thi, tăng 35 giải so với năm học trước; xếp thứ 25/63 tỉnh/thành phố, xếp thứ 5/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc về số lượng giải, có 1 thí sinh được triệu tập tham dự kỳ thi chọn đội tuyển dự thi Olympic quốc tế. Kết quả điểm trung bình tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của tỉnh Tuyên Quang tiếp tục tăng so với kỳ thi năm trước, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố, xếp thứ 3/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc…

Trường Tiểu học Minh Cầm, xã Đội Bình (Yên Sơn) được đầu tư xây dựng khang trang để đón học sinh tại điểm trường lẻ Đồng Hưng về học tập và là động lực để nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục.

Trường Tiểu học Minh Cầm, xã Đội Bình (Yên Sơn) được đầu tư xây dựng khang trang để đón học sinh tại điểm trường lẻ Đồng Hưng về học tập và là động lực để nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên hiện nay, việc sắp xếp các điểm trường lẻ về điểm trường chính cũng đang gặp phải những khó khăn. Một số điểm trường lẻ ở xa trung tâm, đường đi lại còn khó khăn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tại điểm trường chính chưa đáp ứng được để chuyển học sinh ở điểm trường lẻ về, một số phụ huynh ngại đưa con đến các điểm trường chính. Do vậy, đến nay toàn tỉnh vẫn còn 687 điểm trường lẻ, trong đó mầm non 434 điểm, tiểu học 250 điểm và THCS còn 3 điểm.

Nhằm phát huy những kết quả đạt được, ngành Giáo dục tỉnh đang tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố thực hiện hiệu quả Kế hoạch sắp xếp lại trường, điểm trường, lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch số 119) của UBND tỉnh. Theo định hướng sắp xếp sẽ thực hiện dồn ghép các điểm trường mầm non về trường chính hoặc điểm lẻ lân cận khi đảm bảo điều kiện thuận lợi về giao thông và khoảng cách đi lại; khuyến khích đưa 100% học sinh lớp 3, 4, 5 về trường chính để đảm bảo thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018. Đồng thời sáp nhập trường tiểu học và THCS khi quy mô các trường đảm bảo quy định tối thiểu về số lớp hoặc sáp nhập khi được đánh giá có hướng phát triển tốt hơn, đảm bảo số học sinh/ lớp theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Việc hoàn thiện và sớm triển khai kế hoạch sắp xếp lại trường, điểm trường, lớp học trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới sẽ là một giải pháp quan trọng, tạo động lực để ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nâng cao chất lượng dạy và học trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/sap-xep-diem-truong-lop-hoc-dong-luc-nang-cao-chat-luong-giao-duc-200628.html