Đề xuất sở hữu nhà chung cư theo thời hạn 50 - 70 năm: Trái chiều ý kiến
Mới đây, trong đề cương sửa đổi Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng đã đề xuất quy định thời hạn sử dụng chung cư chỉ từ 50-70 năm thay vì lâu dài như trước. Kể từ khi được công bố, đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ người dân và các chuyên gia bất động sản.
Nói về đề xuất trên, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, theo các quy định hiện hành, thời hạn sử dụng của công trình được xác định theo hồ sơ thiết kế xây dựng công trình hoặc theo thời hạn sử dụng thực tế. Trong khi đó, quy định của pháp luật về dân sự thì quyền sở hữu tài sản chấm dứt khi tài sản bị “tiêu hủy.”
Ông NGUYỄN MẠNH KHỞI – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng: “Chính phủ đã có Nghị định 69 về quy định cải tạo, xây dựng nhà chung cư. Trong đó đều xác định là khi hết niên hạn sử dụng hoặc khi nhà chung cư nguy hiểm cần phải kiểm định chất lượng, đánh giá để phá dỡ, xây dựng lại thì căn cứ vào niên hạn sử dụng của công trình. Bởi vì khi hết niên hạn sử dụng thì cái nhà chung cư đó phải phá để bảo đảm an toàn…”.
Đề xuất này của Bộ Xây dựng hiện đang gây nhiều tranh cãi, đặc biệt là người dân đang sử hữu, sinh sống tại các căn hộ chung cư.
Anh TRẦN TRUNG THÀNH – Khu Đô thị ECOPACK, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên: “Mình vẫn muốn sở hữu lâu dài, tức là vượt quá thời hạn 50 năm. Bởi vì thực ra mà nói thì cái tài sản nhà cửa đối với người Việt Nam mình nhiều khi nó là một tài sản để để thừa kế... Cho nên là mình nghĩ có thể là một thách thức và có thể nhiều người sẽ khó có thể chấp nhận được …”.
Đồng thuận với phương án cấp sổ hồng có liên hạn sử dụng như đề xuất của Bộ Xây dựng, thế nhưng điều gì sẽ xảy ra sau khi sổ hồng hết thời hạn cũng nên được làm rõ
Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG – Văn phòng luật sư Chính Pháp: “Để nhà nước có thể dễ dàng trong việc cải tạo, trong việc xây lại các tòa nhà chung cư, giúp người dân có cơ hội tiếp cận tốt hơn đối với nhà ở là nhà chung cư thì cái việc quy định nhà ở 50 năm – 70 năm là hợp lý. Theo tôi, khi hết tuổi thọ đó, cần có những chính sách phù hợp để làm sao mà khi nhà nước phá đi, xây lại thì sẽ dành quyền ưu tiên mua tiếp cho những người đang sử dụng hoặc có những chính sách hỗ trợ về nhà ở…”.
Ông NGUYỄN THẾ ĐIỆP - Phó Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội: “50 năm hay 70 năm là do chất lượng công trình, có thể là hơn. Nhưng sau khi cải tạo thì chúng ta cũng phải có một cơ chế làm sao để người dân tiếp tục được tiếp cận, được mua hoặc như thế nào đó và chúng ta cũng phải đưa ra được lộ trình rất rõ ràng, đưa ra một công thức rất rõ ràng để người dân hiểu được vấn đề đó”.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, tâm lý của người Việt từ trước đến nay vẫn muốn sở hữu đất lâu dài, dù là đất nền hay nhà chung cư. Vì vậy, đề xuất mới đây của Bộ Xây dựng hiện đang tiếp tục nhận được nhiều ý kiến quan tâm từ người dân và các doanh nghiệp.
Thực hiện : Trần Tiến - Ninh Tùng