Đề xuất tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp

Người có thu nhập bình quân đầu người/tháng dưới 2,25 triệu đồng ở khu vực nông thôn; dưới 3 triệu đồng ở khu vực thành thị được xác định là người có thu nhập thấp, theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội...

Tiêu chí xác định người có thu nhập thấp để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Ảnh minh họa.

Tiêu chí xác định người có thu nhập thấp để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Ảnh minh họa.

Đề xuất được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nêu trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025, hiện đang được xây dựng. Trong đó, có bổ sung quy định tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp.

CHƯA CÓ CĂN CỨ ĐỂ HỖ TRỢ ĐÀO TẠO NGHỀ CHO NGƯỜI CÓ THU NHẬP THẤP

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Chương trình đã xác định nguồn vốn cho cả giai đoạn 2021-2025 và hằng năm, để hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng, trong đó có đối tượng là người lao động có thu nhập thấp.

Tuy nhiên hiện nay, đối tượng người lao động có thu nhập thấp chưa có văn bản xác định cụ thể, nên 48 địa phương đã được phân bổ kinh phí từ Chương trình nhưng không thể thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động có thu nhập thấp.

Theo báo cáo của 73 cơ quan Bộ, ngành, địa phương, tính đến ngày 30/6/2024, có khoảng 167.980 lượt người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề. Riêng đối tượng người lao động có thu nhập thấp chưa được hỗ trợ triển khai, do chưa có văn bản xác định cụ thể.

Vì vậy, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc xác định người lao động có thu nhập thấp để có căn cứ, cơ sở thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng này là hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, có 29 địa phương có văn bản kiến nghị; nhiều địa phương phản ánh, kiến nghị, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định cụ thể về đối tượng người lao động có thu nhập thấp, để các địa phương có căn cứ, cơ sở triển khai thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng này.

TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH NGƯỜI CÓ THU NHẬP THẤP

Tại dự thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung điểm c1 vào khoản 2 Điều 3 Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định về tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gia đoạn 2021-2025.

Cụ thể, người lao động không thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo được xác định là người lao động có thu nhập thấp khi thuộc hộ gia đình: Khu vực nông thôn: có thu nhập bình quân đầu người/tháng dưới 2,25 triệu đồng; khu vực thành thị: có thu nhập bình quân đầu người/tháng dưới 3 triệu đồng.

Xác định người có thu nhập thấp để thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề. Ảnh minh họa.

Xác định người có thu nhập thấp để thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề. Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2023, thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn là 4,17 triệu đồng/người/tháng; thu nhập bình quân ở khu vực thành thị là 6,26 triệu đồng/người/tháng.

Mức chuẩn thu nhập bình quân đầu người của hộ để làm căn cứ xác định người lao động có thu nhập thấp dự kiến của chính sách chỉ bằng 48-54% mức thu nhập bình quân năm 2023.

Kết quả sơ bộ khảo sát mức sống dân cư năm 2024 của Tổng cục Thống kê, cũng cho thấy thu nhập bình quân đầu người một tháng trong kỳ 9 tháng năm nay ước đạt gần 5,4 triệu đồng/người/tháng, trong đó thành thị đạt gần 6,7 triệu đồng/người/tháng, và nông thôn là gần 4,7 triệu đồng/người/tháng.

So với năm 2023, thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2024 tăng 7,8%, cao hơn mức tăng thu nhập năm 2023 so với 2022 (tăng 6,2%).

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định giao cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát, xác định người lao động có thu nhập thấp theo quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025, và thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trong khả năng bố trí ngân sách của trung ương và địa phương. Việc này bảo đảm đúng mục tiêu, tiết kiệm hiệu quả theo đúng quy định.

Quy định này sẽ đảm bảo việc hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng thuộc Chương trình, mà không làm phát sinh thêm ngân sách đã được phê duyệt.

Tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp chỉ áp dụng đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Quy trình rà soát, xác định người lao động có thu nhập thấp áp dụng theo quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 – 2025.

Cùng với đó, tổ chức rà soát, xác định người lao động có thu nhập thấp và thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề được áp dụng từ năm 2024 cho đến hết năm 2025, thời điểm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 kết thúc, không áp dụng các tiêu chí này để thực hiện hỗ trợ cho các năm từ 2021 đến năm 2023.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tính toán, đề xuất trên nếu được thông qua sẽ góp phần thực hiện mục tiêu hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho khoảng 1 triệu người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương.

Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 (bổ sung quy định tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp) dự kiến trình Chính phủ vào quý 1/2025.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/de-xuat-tieu-chi-xac-dinh-nguoi-lao-dong-co-thu-nhap-thap.htm