Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Thạnh Trị

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách mà Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) triển khai thực hiện đã đáp ứng nhu cầu vốn vay giải quyết việc làm, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà ở xã hội...

Tuân Tức là xã nông thôn mới của huyện Thạnh Trị và cũng là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đồng chí Liêu Sơn Nhì - Bí thư Đảng ủy xã Tuân Tức cho biết: “Đa số người dân sống bằng nghề nông nghiệp. Thời gian qua, các vấn đề cơ bản nhất đối với hộ nghèo về nhà ở, đất sản xuất, khám, chữa bệnh, học tập... và các chính sách về an sinh xã hội khác đã được giải quyết kịp thời, đúng đối tượng, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Các chính sách giảm nghèo đã giúp người nghèo có việc làm, phát triển sản xuất, tạo thu nhập ổn định để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn”.

Lãnh đạo huyện Thạnh Trị và NHCSXH trong lần kiểm tra và tặng quà cho các hộ vay vốn trên địa bàn xã Tuân Tức. Ảnh: QUANG BÌNH

Lãnh đạo huyện Thạnh Trị và NHCSXH trong lần kiểm tra và tặng quà cho các hộ vay vốn trên địa bàn xã Tuân Tức. Ảnh: QUANG BÌNH

Là một trong những hộ được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thạnh Trị cho vay vốn từ Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, bà Nguyễn Kim Huê, ở ấp Trung Thống, xã Tuân Tức phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi là hộ mới thoát nghèo nên đời sống cũng còn khá khó khăn, thiếu vốn trong chăn nuôi nên vừa qua, được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho vay 70 triệu đồng để phát triển sản xuất. Có vốn trong tay, gia đình tôi đầu tư chăn nuôi bò và cố gắng làm ăn để thoát nghèo bền vững”.

Cũng được vay vốn ưu đãi từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, ông Lâm Thái Phong, ngụ ấp Trung Hòa bộc bạch: “Trước đây, cuộc sống gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn nên được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho vay 40 triệu đồng từ Chương trình cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cùng với số vốn của gia đình nên tôi mới cất được căn nhà khá kiên cố để an cư lạc nghiệp. Mới đây, gia đình tôi tiếp tục được vay 20 triệu đồng từ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để đầu tư xây dựng các công trình đúng theo tiêu chuẩn. Giờ đây khi nhà cửa đã ổn định, gia đình tôi sẽ chí thú làm ăn, vượt qua khó khăn”.

Thời gian qua, việc triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Thạnh Trị đã làm thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, từ việc không dám vay vốn, nay đã mạnh dạn vay vốn và mở rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Theo đồng chí Lâm Ngọc Lợi - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thạnh Trị, tính đến hết tháng 9/2024, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng trên địa bàn huyện đạt trên 349,5 tỷ đồng, với hơn 7 nghìn lượt khách hàng vay vốn; tổng dư nợ đạt hơn 587,5 tỷ đồng. Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tạo việc làm cho hơn 1.500 lao động nông thôn; hỗ trợ chi phí cho 21 lao động đi lao động nước ngoài; xây dựng trên 2.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt, sức khỏe cho người dân; xây dựng trên 60 căn nhà cho hộ nghèo... Các chương trình tín dụng chính sách còn giúp người dân tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa... góp phần nâng cao đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho người dân.

“Để bảo đảm nguồn vốn đến đúng đối tượng, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện nghiêm túc việc giao dịch tại xã theo lịch cố định. Tại mỗi điểm giao dịch đều có hộp thư góp ý để người dân đến giao dịch phản ánh kịp thời những vướng mắc về thủ tục và thái độ của cán bộ tín dụng chính sách. Qua đó, đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ thuận lợi, tiết giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương trong việc thực hiện tín dụng chính sách. Các tổ chức chính trị - xã hội đã thường xuyên tăng cường kiểm soát, giám sát hiệu quả sử dụng vốn vay và thanh toán nợ, lãi đúng thời hạn; không để xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng vốn vay, ngăn ngừa tiêu cực, góp phần hạn chế “tín dụng đen” ở nông thôn”, đồng chí Lâm Ngọc Lợi cho biết thêm.

Với những giải pháp tích cực, hiệu quả, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thạnh Trị đã thực hiện tốt các chương trình cho vay theo quy định, bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ở địa phương. Đồng chí Lê Thanh Chúc - Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Thạnh Trị nhận xét: “Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống và có tác động mạnh mẽ, tích cực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 8,92% (năm 2021) xuống 1,87% (năm 2023). Để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện Thạnh Trị mong muốn thời gian tới, NHCSXH Việt Nam tiếp tục quan tâm, triển khai các chương trình tín dụng cho nhân dân trên địa bàn huyện”.

QUANG BÌNH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/ngan-hang-chinh-sach-xa-hoi/202410/hieu-qua-nguon-von-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-tren-ia-ban-huyen-thanh-tri-5ee141c/