Đề xuất tuổi nghỉ hưu tối đa của công nhân nữ là 58

Trước thềm Kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIV, Tổng liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam (VN) đã đưa ra các đề xuất, góp ý về một số nội dung quan trọng trong dự thảo Bộ luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi. Dự kiến, bộ luật sẽ được cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp này.

XÁC ĐỊNH “MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU” TRÊN CƠ SỞ “MỨC SỐNG TỐI THIỂU”

Theo phân tích của TLĐLĐ Việt Nam, xu hướng tăng tuổi nghỉ hưu cơ bản diễn ra ở các nước thiếu lao động (LĐ), không như VN đang ở thời kỳ dân số vàng, tình hình thiếu việc làm và thất nghiệp ở mức 2%/ năm, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi là 1,46%. Mỗi năm trung bình có khoảng 1,2 triệu người bước vào thị trường LĐ.

Cho rằng VN cũng đồng thời bước vào thời kỳ già hóa dân số, TLĐLĐ đề nghị cân nhắc kỹ quy định tuổi nghỉ hưu, phải tính toán đến nhu cầu có việc làm của lực lượng lao động trẻ (trong bối cảnh giảm biên chế) và nguyện vọng của một bộ phận người lao động (NLĐ) lớn tuổi không còn muốn tiếp tục làm việc.

Nữ công nhân làm việc trong một công ty (ảnh minh họa)

Nữ công nhân làm việc trong một công ty (ảnh minh họa)

Có một thực tế nữa được TLĐLĐ chỉ ra là nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là những DN sử dụng nguồn nhân công trực tiếp, không muốn sử dụng LĐ lớn tuổi đối với các công việc trực tiếp sản xuất (SX). Sức khỏe của người dân cũng chưa tốt, trung bình 1 người cao tuổi mắc 3 bệnh và phải chịu gánh nặng bệnh tật kép, trong khi tính chất công việc, môi trường làm việc, điều kiện an toàn, vệ sinh LĐ chậm được cải thiện.

Từ những lý lẽ trên, TLĐLĐ đồng ý với việc xem xét để tăng tuổi nghỉ hưu trong lần sửa đổi BLLĐ này, nhưng yêu cầu mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải quan tâm đến các yếu tố: đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn. Theo đó, cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân, LĐ trực tiếp trong khu vực SX, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật. Giao Chính phủ quy định chi tiết theo hướng xem xét để không tăng hoặc có lộ trình tăng chậm hơn và có chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường LĐ.

Tổng liên đoàn Lao động đề xuất NLĐ suy giảm sức khỏe, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có quyền nghỉ hưu sớm hơn đến 10 năm so với quy định. Công thức tăng tuổi nghỉ hưu theo đề nghị của TLĐLĐ như sau: công chức (tăng tất cả), viên chức (tăng một bộ phận lớn), công nhân LĐ (chỉ tăng một bộ phận nhỏ và mức tăng đối với LĐ nữ chỉ nên là 58).

Liên quan đến tiền lương, TLĐLĐ Việt Nam đề nghị bổ sung vào dự thảo BLLĐ sửa đổi quy định giao Chính phủ là cơ quan có trách nhiệm xác định “mức sống tối thiểu” và thời điểm công bố mức sống này làm căn cứ quan trọng để Hội đồng tiền lương quốc gia xác định mức lương tối thiểu hàng năm.

Vẫn theo yêu cầu của TLĐLĐ, nên bỏ căn cứ xác định mức lương tối thiểu vùng là “khả năng chi trả của DN”. Lý do, đây là yếu tố khó hiểu, khó định lượng, gây khó khăn cho Hội đồng tiền lương quốc gia khi xác định.

TĂNG THÊM 3 NGÀY NGHỈ

Về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi, TLĐLĐ Việt Nam đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường của NLĐ từ “48 giờ trong 1 tuần” xuống “44 giờ trong 1 tuần” và giữ nguyên phương án 2 điều 105 để đưa vào dự thảo BLLĐ (sửa đổi) xin ý kiến Quốc hội.

Tổ chức này kiến nghị tăng thêm 3 ngày nghỉ trong năm, bởi số ngày nghỉ lễ, Tết trong năm rất thấp. “Lao động trong nhiều ngành kinh tế chủ yếu là LĐ di cư, địa hình đất nước ta lại trải dài theo hình chữ S nên việc tăng thêm mỗi năm ít nhất 3 ngày nghỉ là cần thiết” - TLĐLĐ Việt Nam lập luận.

Trên cơ sở đó, TLĐLĐ đề xuất 2 phương án: phương án 1 là nghỉ Quốc khánh 4 ngày từ 2 đến 5-9 hàng năm (tăng thêm 3 ngày so với quy định hiện hành); phương án này ngoài mang lại lợi ích chung cho tất cả mọi người, theo TLĐLĐ Việt Nam còn giúp các gia đình trẻ có thời gian, điều kiện chuẩn bị cho con bước vào năm học mới, bố mẹ đưa con đến trường trong ngày khai giảng năm học. Phương án 2 là nghỉ 1 ngày vào ngày Gia đình Việt Nam 28-6 và 2 ngày thêm vào ngày nghỉ Tết dương lịch.

“Việc tăng thêm 3 ngày nghỉ lễ giúp NLĐ có thêm một số ngày nghỉ trong năm để NLĐ được nghỉ ngơi, tái tạo sức LĐ, vừa có thêm thời gian chăm lo gia đình và góp phần kích thích các ngành dịch vụ phát triển” - TLĐLĐ Việt Nam lý giải.

Nêu căn cứ đưa ra đề xuất trên, TLĐLĐ Việt Nam dẫn các số liệu khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy VN thuộc nhóm nước có thời giờ làm việc cao nhất thế giới và khu vực. Khảo sát thời gian nghỉ phép ở 155 nước cũng cho thấy trừ 6 quốc gia không có quy định thì VN nằm trong nhóm nước có số ngày nghỉ phép năm khởi điểm ít nhất thế giới (12 ngày), ngang bằng với 8 nước, nhiều hơn 31 nước và ít hơn 110 nước.

Còn giờ làm việc trung bình năm (giờ làm việc thực tế) thì VN là nước thuộc nhóm có số giờ làm việc thực tế cao nhất thế giới, xếp thứ 3/64 quốc gia được tổng hợp với số giờ làm việc trung bình năm là 2.339,55. Trong 11 nước tham gia Hiệp định CPTPP, Việt Nam cũng là nước có số giờ làm việc thực tế cao nhất (1 nước chưa có dữ liệu là Brunei).

Ngoài căn cứ trên, TLĐLĐ Việt Nam cũng đưa ra các cơ sở thực tiễn và cơ sở chính trị - pháp lý khác.

Hải Triều

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/de-xuat-tuoi-nghi-huu-toi-da-cua-cong-nhan-nu-la-58_81112.html