Đêm trung thu... lạc điệu ở Trạm Tấu

Tôi khá bất ngờ khi xem hình ảnh đón trung thu ở một trường học vùng cao Tây Bắc. Tôi đã có lần vào đây, một nơi xa xôi, khó khăn của miền núi phía Bắc.

Ấn tượng của tôi khi ấy là một cuộc sống rất yên bình, chậm rãi và bọn trẻ thì vô cùng hồn nhiên, trong trẻo. Những ngôi nhà gỗ cũ lúp xúp dưới tán rừng cây Pơ Mu, xa xa là nhấp nhô thửa ruộng bậc thang vàng óng, tiếng trẻ con cười đùa ê a rộn vang núi rừng...

Trẻ em vùng cao rước đèn chơi trung thu.

Trẻ em vùng cao rước đèn chơi trung thu.

Trở lại với chương trình đón trung thu vừa rồi tại trường học đó, một buổi lễ tưng bừng, nhiều hoa quà, nhạc nhẽo với các nhân vật "nổi tiếng" trên mạng xã hội. Như nhiều chương trình thiện nguyện mà tôi biết, đều có phần nhà tài trợ lên trao quà trung thu cho các em nhỏ. Chỉ có điều tôi không hiểu chính quyền và các thầy cô nghĩ gì khi trên phông sân khấu là “hiên ngang” tên của nhiều nhân vật rất “xã hội”, nổi đình nổi đám trên các nền tảng Fakebook, Tiktok...

Họ nổi tiếng không phải bởi thành tựu đóng góp cho cộng đồng, cũng chẳng phải tài năng nghệ thuật xuất chúng, càng không nổi tiếng do trình độ học vấn, năng lực chuyên môn gì... Họ nổi do những video đầy màu sắc “xã hội” ngập tràn trên internet. Có người đứng lên sân khấu trao quà từng vào tù ra tội, hình săm kín người, thường xuyên xuất hiện trong các video khoe tiền, vàng, đồ hiệu, thậm chí nói tục, chửi bậy, thể hiện bản lĩnh giang hồ... Vậy mà giờ đây họ diện những bộ trang phục đắt tiền, thậm chí hóa trang thành nhân vật nước ngoài để lên bục tặng quà, hát hò trong tiếng vỗ tay vang dội của người lớn và bọn trẻ. Tôi không hiểu đằng sau những túi quà trung thu ấy, bọn trẻ ở vùng cao sẽ tiếp nhận được ảnh hưởng tích cực gì, sẽ hướng tâm hồn mình đến những “thần tượng” ra sao cho lối sống của chúng sau này?

Bản thân tôi từng là một đứa trẻ thuộc thế hệ 8x đời đầu sinh ra lớn lên ở tỉnh biên giới miền Tây Bắc. Tuổi thơ của chúng tôi cũng khó khăn, thiếu thốn đủ đằng và không có đoàn từ thiện nào đến trao quà mỗi khi trung thu hay khai giảng năm học mớ cả. Một tuổi thơ đúng nghĩa của trẻ em vùng cao khi điện có theo giờ, tivi phải đi xem nhờ, trường học dột nát tạm bợ, quần áo vá trước vá sau, dép đứt hàn chi chít, sân chơi chỉ là ngoài sông suối, ngoài rừng ngoài ruộng... Thế nhưng những chiếc đèn ông sao dán giấy tự làm, những xâu hạt bưởi tự phơi, những chiếc bánh nướng 500 đồng chia thành 8 phần... vẫn trọn vẹn trung thu trong ký ức thật đẹp.

Dăm mười năm trở lại đây, mạng xã hội phát triển, từ thiện thành phong trào thì trẻ em vùng cao có thêm cơ hội đón nhận tình cảm, vật chất từ miền xuôi. Thế nhưng đằng sau chiếc cặp sách mới, bộ quần áo đồng phục thơm mùi hồ, những gói bánh kẹo đủ màu sắc... được cho tặng thì có lẽ cũng không ít gam màu tối cũng đã lem vào tuổi thơ bọn trẻ. Chẳng đâu xa, ngay đêm trung thu vừa rồi, các cháu thiếu niên ở Bắc Quang, Hà Giang đã lao 2 xe máy vào nhau gây ra vụ tai nạn thảm khốc. Những đứa trẻ tuổi 13, 14,... đã dừng cuộc đời lại rất sớm. Người lớn chúng ta thấy mình có lỗi trong đó không, khi đã ít nhiều để những văn hóa lai căng, lệch lạc, đua đòi... thông qua cách này hay cách khác ngấm vào bọn trẻ từ quá sớm ? Phải chăng chúng ta phải nhớ kỹ rằng, người lớn ngoài việc cố gắng đáp ứng những nhu cầu vật chất của con trẻ thì còn một việc quan trọng nữa cũng đừng quên. Đó là: LÀM GƯƠNG !

Hoàng Trường Giang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dem-trung-thu-lac-dieu-o-tram-tau-275758.html