Đến 6 giờ sáng 14/6, thế giới có tổng số 176,6 triệu ca nhiễm Covid-19
Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 288.000 ca bệnh Covid-19 và 8.255 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã là 176,6 triệu ca, trong đó trên 3,81 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (67.290 ca), Brazil (35.768 ca) và Colombia (28.519 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới cũng là Ấn Độ (3.819 ca), Brazil (1.043 ca) và Colombia (586 ca).
Như vậy, số ca mắc mới ở Ấn Độ liên tục có xu hướng giảm và ở dưới mức 100.000 ca/ngày trong 7 ngày liên tiếp. Tuy nhiên, số ca tử vong ở nước này vẫn ở mức trên 3.000 ca/ngày.
Xét về tổng số ca từ đầu đại dịch, quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với trên 615.000 ca tử vong trong tổng số 34,3 triệu ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 374.226 ca tử vong trong số 29,5 triệu ca nhiễm. Brazil đứng thứ 3 với 487.401 ca tử vong trong số 17,4 triệu bệnh nhân.
Ấn Độ ghi nhận dưới 100.000 ca trong ngày thứ 7 liên tiếp
Bộ Y tế Ấn Độ đã ghi nhận 67.290 ca mắc mới Covid-19 và 3.819 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Đây là ngày thứ 7 liên tiếp quốc gia Nam Á này ghi nhận số ca mắc mới theo ngày ở dưới mức 100.000 ca/ngày.
Như vậy tính đến nay, Ấn Độ đã ghi nhận tổng cộng trên 29,5 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 374.226 ca tử vong, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ về số ca nhiễm. So với giai đoạn đỉnh dịch có hơn 400.000 ca mắc/ngày hồi tháng 4 và tháng 5, con số mắc mới theo ngày đã giảm đáng kể. Hiện chỉ còn trên 1 triệu ca dương tính trong khi có tới trên 28 triệu ca phục hồi và ra viện.
Số ca nhiễm mới tại Indonesia tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 2
Indonesia lại ghi nhận số ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua cao nhất kể từ cuối tháng 2. Theo thống kê của Bộ Y tế nước này, với 9.868 ca mắc mới, Indonesia hiện có tổng cộng 1.901.490 ca mắc, cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Do số ca mắc mới tăng cao trở lại trong những ngày qua, giới chức nước này đã kêu gọi tăng cường chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Tổng thống Joko Widodo đã yêu cầu đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng nhằm đáp ứng chỉ tiêu 700.000 liều/ngày trong tháng 6 này và 1 triệu liều/ngày trong tháng 7. Nhà lãnh đạo Indonesia cũng kêu gọi người đứng đầu các khu vực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng nhằm đáp ứng mục tiêu quốc gia.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin đặt mục tiêu tiêm chủng 1 triệu liều mỗi ngày trong tháng 6. Tuy nhiên, con số này sau đó đã được điều chỉnh phụ thuộc vào lượng vaccine nhận được. Hiện ước tính Indonesia đã mua tổng cộng 426 triệu liều vaccine, trong đó 90 triệu liều nhận trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6, số còn lại dự kiến sẽ nhận từ tháng 7 đến tháng 12 năm nay.
Cho đến nay, đã có 20.158.937 người được tiêm ít nhất một liều vaccine, trong đó có 11.568.443 người đã tiêm đủ cả hai liều, tương đương 6,37% trong nhóm hơn 181 triệu người mục tiêu tiêm phòng.
Cuba ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục trong vòng 1 tháng
Bộ Y tế Cuba (Minsap) thông báo trong 24 giờ qua, nước này có thêm 1.470 ca mắc Covid-19 mới, con số ghi nhận theo ngày cao nhất trong vòng 1 tháng qua, đồng thời là con số cao kỷ lục thứ 2 kể từ đầu mùa dịch, nâng tổng số ca dương tính với Covid-19 trên toàn đảo quốc Caribe lên 157.780 trường hợp, trong đó số ca tử vong là 1.087 người.
Báo cáo cập nhật tình hình dịch bệnh hàng ngày của Minsap cho biết thêm, thủ đô La Habana vẫn là địa phương có số người nhiễm bệnh cao nhất cả nước với tỷ lệ 310,7 ca/10.000 người dân. Giới chức y tế thành phố La Habana đã bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 trong khuôn khổ chương trình “nghiên cứu can thiệp y tế” hai loại vaccine do chính nước này phát triển là Abdala và Soberana 02 tại 7 quận của thành phố. Chính quyền thủ đô cũng đặt mục tiêu tiêm phòng đầy đủ cho 2,2 triệu dân thành phố vào cuối tháng 7.
Ngoài ra, một số tỉnh khác của Cuba như Pinar de Rio, Matanzas, Santiago de Cuba và huyện đảo đặc biệt Isla de la Juventud cũng đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng hàng loạt tương tự.
Theo số liệu chính thức của Minsap, tới nay trên toàn Cuba đã có hơn 1 triệu người trên tổng số hơn 11 triệu dân được tiêm ít nhất một liều vaccine. Đầu tuần qua, cơ quan y tế Cuba thông báo bắt đầu quá trình thử nghiệm lâm sàng hai loại vaccine Soberana 02 và Soberana Plus đối với trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên.
Theo TTXVN