Đến hạn chót, hàng loạt trung tâm đào tạo lái xe vẫn chưa thể lắp đặt cabin tập lái

Dù chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là đến hạn cuối phải trang bị cabin tập lái theo Thông tư 04 ngày 22/04/2022/TT- BGTVT, tuy vậy, hiện vẫn chưa có một đơn vị nào mua thiết bị theo quy định.

Thông tư 04 ngày 22/04/2022/TT- BGTVT quy định các trung tâm đào tạo phải lắp đặt thiết bị Cabin tập lái để học viên học từ ngày 01/01/2023 tất cả các cơ sở đào tạo trên cả nước phải trang bị Cabin tập lái để đưa vào công tác giảng dạy, trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Cục Đường bộ Việt Nam.

Lý giải về việc đến hạn nhưng chưa trung tâm nào có thể lắp đặt cabin tập lái, ông Lưu Quang Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe Sao Bắc Việt(Hà Nội) cho biết: Thời gian qua, riêng khoản đầu tư thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe viết và gọi tắt là (DAT) đã lên đến gần 3 tỷ đồng, chưa kể các khoản đầu tư mua sắm thiết bị mô phỏng để đáp ứng yêu cầu đào tạo và thi bằng lái theo quy định mới, nên việc thêm khoản tiền đầu tư cho cabin tập lái là rất khó khăn. Việc đầu tư không chỉ cabin tập lái mà còn phải tốn kém rất nhiều chi phí kèm theo khác như: Trang bị phòng học, đất đai xây dựng, điện nước, bố trí giáo viên vận hành vvv..

"Mỗi khóa lưu lượng học viên của trung tâm gần 1.000 học viên, như vậy cần khoảng 8-10 cabin học lái, mỗi cabin theo báo giá cũng tầm 400-500 triệu thì cũng ngót 5 tỷ" - Ông Lưu Quang Vinh cho biết thêm.

ông Lưu Quang Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe Sao Bắc Việt(Hà Nội) trả lời phỏng vấn PV báo Pháp Luật Việt Nam

ông Lưu Quang Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe Sao Bắc Việt(Hà Nội) trả lời phỏng vấn PV báo Pháp Luật Việt Nam

Tương tự như vậy là một trong những Trung tâm sát hạch lái xe lớn của Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Trung tâm sát hạch và cấp giấy phép lái xe ôtô Đức Thịnh (huyện Đông Anh) cho biết: Trong những năm qua, thành phố đã chỉ đạo phải kiểm soát chặt chẽ, nghiêm túc khâu sát hạch đầu ra nên tỷ lệ học viên vượt qua các kỳ sát hạch luôn bảo đảm tính chính xác, khách quan.

Việc trang bị phần mềm và cabin học lái vào quy trình đào tạo là một giải pháp để đổi mới công tác sát hạch lý thuyết và thực hành, song cần có lộ trình thí điểm, kiểm chứng và rút kinh nghiệm trước khi áp dụng đại trà. Cần thiết có thể cho phép lùi thời điểm áp dụng thêm 2 năm để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn,” ông Hải nói.

Đưa ra con số mỗi bộ cabin có giá 400-500 triệu đồng, số tiền mà hàng trăm cơ sở đào tạo sát hạch trên toàn quốc bỏ ra sẽ rất lớn, theo ông Hải, Trung tâm sẽ phải đầu tư tới 10-15 tỷ đồng cho khoảng 20-30 cabin học lái để đào tạo lưu lượng bình quân khoảng 1.000 học viên/tháng. Đây là số vốn lớn trong bối cảnh các trung tâm đào tạo vừa trải qua ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

Ngoài ra, ông Hải cũng cho biết thêm, đầu tư cabin học lái chi phí sẽ rất tốn kém, trung tâm phải đầu tư thêm rất nhiều hạng mục kèm theo như: Phòng học, đất đai xây dựng, giáo viên phụ trách vận hành giảng dạy theo quy định, mỗi cabin phải có 2 giáo viên quản lý , học phí đào tạo lái xe chắc chắn sẽ tăng song cũng cần phải tính toán mức thu hợp lý để không ảnh hưởng nhiều đến học viên.

Trả lời phóng vấn của phóng viên Báo Pháp Luật Việt Nam ông Tống Ngọc Đông, Trưởng phòng quản lý phương tiện và người lái Sở GTVT Bắc Ninh cho biết: “Qua theo dõi, các cở sở đào tạo đã và đang khẩn trương lắp đặt Cabin học lái để phục vụ công tác giảng dạy và đơn vị đang chuẩn bị rất tích cực để lắp đặt thiết bị nhằm phục vụ công tác giảng dạy. Tuy nhiên chỉ còn 1 tuần là đến hạn cuối phải trang bị cabin học lái nhưng chưa có trung tâm nào lắp đặt và nếu các trung tâm không trang bị sẽ không được tính trong chương trình đào tạo và không được cấp phép đào tạo nếu không trang bị số lượng Cabin phù hợp với lưu lượng đào tạo đang được cấp”.

Đại diện sở GTVT Bắc Ninh cũng cho biết thêm việc lắp Cabin học lái sẽ được tính dựa trên lưu lượng của cơ sở đào tạo trang bị số Cabin học lái ví dụ: Một ngày 12 giờ tập thì sẽ tập được cho 4 học viên, một Cabin học lái sẽ đảm bảo dạy được 120 học viên trên 1 khóa là 3 tháng.

Như vậy với lưu lượng của cơ sở đào tạo là 2000 học viên một khóa là 3 tháng thì cơ sở phải lắp đặt tối thiểu là 20 Cabin học lái, chi phí lắp đặt hiện nay cho một Cabin học lái là khoảng 450 triệu đồng như vậy cơ sở đào tạo sẽ phải bỏ ra gần 10 tỷ đồng để lắp đặt gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo.

Với khả năng hiện nay thì các cơ sở đạo tạo kiến nghị với Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét điều chỉnh lộ trình trang bị và sử dụng cabin học lái xe ôtô xem xét giảm bớt số giờ học(DAT) và Cabin học lái phù hợp với chương trình đào tạo.

Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Vận tải và Quản lý phương tiện người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: “Hiện nay có 2 nhà cung cấp sản phẩm là Viettel và Ecotek được chứng nhận sự phù hợp quy chuẩn QCVN 106:2020/BGTVT, cung cấp cho các cơ sở đào tạo. Các cơ sở đào tạo cần chuẩn bị kế hoạch và thủ tục để đầu tư để thực hiện đúng quy định của Bộ GTVT.Cục Đường bộ Việt Nam sẽ lên kế hoạch kiểm tra, thanh tra về việc chấp hành của các trung tâm đào tạo trong việc thực hiện công tác đào tạo lái xe. Đồng thời sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo kiểm tra chất lượng cabin học lái trong quá trình sử dụng nhằm đảm bảo chất lượng và khuyến kích doanh nghiệp nhập sản phẩm để đảm bảo tính cạnh tranh.

Tuy nhiên một số lãnh đạo trung tâm lái xe cho biết, các cơ sở đào tạo vẫn chưa thể đặt được thiết bị Cabin học lái do phía nhà cung cấp đang nghe ngóng tình hình trước khi sản xuất đại trà để phục vụ công tác đào tạo, giá cabin cao, mẫu mã và chất lượng chưa biết thế nào, các trung tâm rất khó khăn việc lựa chọn nhà cung cấp”.Các đơn vị mới chỉ được chào hàng 1,2 chiếc cabin chạy thử nghiệm vẫn đang chờ văn bản chỉ đạo hướng dẫn, sửa đổi từ cơ quan quản lý. Do vậy nếu sản xuất đại trà mà không bán được thì số vốn bỏ ra để đầu tư sản xuất sẽ nguy cơ mất trắng cả vốn đầu tư.

Thực tế cho thấy, cabin điện tử có những tác dụng nhất định như: tiết kiệm nhiên liệu giảm bớt số giờ tham gia tập lái trên đường cho xe tập lái và mang lại thêm một trải nghiệm mới cho người học trên các cung đường, giúp những người bước đầu còn tâm lý e sợ làm quen với việc lái xe.

Tuy nhiên, khả năng mô phỏng của thiết bị so với thực tế là một vấn đề. Cảm giác khi quay tay lái, đạp phanh hay ngồi trên xe ô tô tập lái là rất khác với cabin điện tử. Đây gọi là "cảm giác lái", là thứ mà không thiết bị mô phỏng nào tạo ra được.

Quy định mới cũng nêu rõ từ 01/01/2023 các học viên thi trượt thực hành cũng phải thi thêm phần mô phỏng tình huống giao thông, Các học viên muốn nâng hạng thi lái xe cũng phải học thêm 1 giờ trên Cabin học lái điều này là không phù hợp bởi các học viên nâng hạng GPLX cũng trải qua nhiều năm kinh nghiệm mới được nâng hạng GPLX.

Rõ ràng, việc bắt buộc sử dụng cabin điện tử tập lái trong đào tạo lái xe tại thời điểm 01/01/2023 đã bộc lộ những khó khăn và hạn chế nhất định, các ngành chức năng cần tính toán thời điểm phù hợp cũng như nên cho phép các cơ sở đào tạo có thêm thời gian để lựa chọn sử dụng cabin điện tử học lái chứ không nên quy định một cách bắt buộc.

Bùi Lan

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/den-han-chot-hang-loat-trung-tam-dao-tao-lai-xe-van-chua-the-lap-dat-cabin-tap-lai-post462751.html