Đến năm 2024 Hà Nội mới thí điểm kiểm soát khí thải xe máy liệu có muộn?

Theo chuyên gia môi trường, Hà Nội hoàn toàn có thể kiểm định khí thải xe máy sớm hơn nhưng phải trong điều kiện chuẩn bị kỹ càng, chặt chẽ, tránh vội vàng.

Hà Nội có gần 6,5 triệu xe máy, 1/2 trong số đó là xe máy cũ

Theo Bộ TN&MT, ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương trên cả nước có chiều hướng gia tăng về quy mô, mức độ, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội cũng như sức khỏe cộng đồng. Đáng chú ý, xe cũ đang là một trong những nguồn phát thải khí độc hại ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm không khí đòi hỏi ngành chức năng cần sớm thu hồi, không cho tham gia giao thông.

Nhân viên lắp đặt hệ thống đo kiểm khí thải xe máy.

Nhân viên lắp đặt hệ thống đo kiểm khí thải xe máy.

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, tính đến tháng 7/2022, thành phố có hơn 7,6 triệu phương tiện; trong đó có hơn 1 triệu ô tô (chưa kể nhiều phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn), gần 6,5 triệu xe máy các loại (khoảng 1/2 là xe máy cũ, sản xuất trước năm 2000) và khoảng 180.000 xe máy điện.

Phân tích từ cơ quan chuyên môn, một chiếc xe máy hoạt động sẽ thải ra 80 - 90% khí CO và khí NO, 50% lượng NOx trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Đáng lo ngại, trong quá trình hoạt động, xe cũ thải ra môi trường lượng khí độc cao gấp nhiều lần so với các loại xe được bảo dưỡng định kỳ. Các chất ô nhiễm này gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí đô thị và là một trong những nguyên nhân gây hại trực tiếp tới sức khỏe nhân dân.

Trước thực trạng này, từ ngày 12-30/11/2021, Sở TN&MT Hà Nội triển khai Chương trình "Thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn Thủ đô". Chương trình gồm các hoạt động: Đo kiểm khí thải, thí điểm tiếp nhận xe mô tô, xe gắn máy cũ người dân thải bỏ và hỗ trợ chuyển đổi sang xe máy mới, khảo sát ý kiến nhân dân về tác động của chính sách kiểm soát khí thải xe máy nhằm đánh giá hiện trạng phát thải của xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành, thực thi giải pháp cải thiện chất lượng không khí và quản lý giao thông hiệu quả.

Theo Sở TN&MT Hà Nội, qua khảo sát trực tiếp trên 3.800 chủ xe máy, có 86% người ủng hộ chính sách kiểm soát khí thải, khoảng 29% người cho biết sẽ đưa xe máy cũ, thải bỏ tới điểm thu hồi theo quy định. Đa số người dân đồng thuận với mức phí kiểm tra 30.000 - 50.000 đồng/lần (tần suất mỗi năm một lần).

Đáng chú ý, kiểm tra ngẫu nhiên khí thải hơn 5.200 xe có tuổi đời trên 5 năm cho thấy, các phương tiện này có xu hướng phát thải vượt giới hạn cho phép. Cụ thể, tỷ lệ xe không đạt tiêu chuẩn Việt Nam mức 1 là hơn 54% và mức 2 là trên 60% (theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6438:2018 về phương tiện giao thông đường bộ giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải, nồng độ CO và HC trong khí thải của phương tiện lắp động cơ cháy cưỡng bức được xác định ở mức 1 là 4,5 CO (% thể tích), mức 2 là 3,5 CO (% thể tích).

Mới đây, Sở TN&MT Hà Nội đề xuất, năm 2023, thành phố sẽ xây dựng khung pháp lý và ban hành kế hoạch kiểm soát khí thải xe máy; nghiên cứu phân vùng bảo vệ môi trường không khí, hạn chế xe máy. Hà Nội xây dựng, ban hành tiêu chuẩn khí thải xe máy đang lưu hành và các tiêu chuẩn, quy định liên quan đến quản lý khí thải xe máy, bao gồm cả đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ kiểm định khí thải xe máy.

Hà Nội là thành phố có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm cao nhất trên cả nước.

Hà Nội là thành phố có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm cao nhất trên cả nước.

Dự kiến, giai đoạn 2024-2025, Hà Nội thí điểm kiểm định khí thải xe máy sử dụng từ 5 năm trở lên, với tần suất một lần/năm, có thể nghiên cứu dán tem để phân biệt. Phạm vi kiểm soát là địa bàn toàn thành phố và bắt đầu áp dụng phân vùng các khu vực theo tiêu chuẩn khí thải.

Từ năm 2026, xe máy sử dụng 3-5 năm trở lên có thể phải kiểm định khí thải định kỳ, hạn chế xe không đạt tiêu chuẩn khí thải tại khu vực đã phân vùng; nghiên cứu áp dụng thu phí khí thải cho các khu vực theo phân vùng bảo vệ. Để kiểm soát khí thải xe máy, Hà Nội sẽ xây dựng 170 trạm kiểm định cố định và lưu động; đầu tư hệ thống camera giao thông để phát hiện xe xả khói đen (có thể sử dụng chung với camera giao thông hiện có). Các trạm này còn có chức năng đo khí thải tất cả xe máy đăng ký ở thành phố đang lưu hành.

Theo Sở TN&MT Hà Nội, tùy từng giai đoạn, thành phố có thể điều chỉnh nội dung của kịch bản. Chẳng hạn như, trong giai đoạn đầu, khi người dân chưa làm quen với kiểm định khí thải xe máy định kỳ, có thể chỉ kiểm soát theo đối tượng. Sau thời gian áp dụng sẽ kết hợp kiểm soát theo cả đối tượng và khu vực, khi các điều kiện về hạ tầng, giao thông công cộng đảm bảo sẽ nghiên cứu kết hợp cả thu phí khí thải xe máy. Trường hợp xe không đạt tiêu chuẩn khí thải, đã cũ nát... thành phố có chính sách hỗ trợ để thu hồi từ các nguồn ngân sách, xã hội hóa, hỗ trợ của doanh nghiệp để chuyển đổi phương tiện không đạt tiêu chuẩn khí thải hoặc chuyển đổi sinh kế...

Đến năm 2024 Hà Nội mới kiểm soát khí thải xe máy liệu có muộn?

Liên quan đến nội dung này, Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT cho biết, đây không phải lần đầu các nhà quản lý đưa vấn đề kiểm định khí thải xe máy ra để thí điểm. Thực tế thời gian qua nhiều địa phương trên cả nước đã đưa vấn đề này vào thí điểm để thực hiện nhưng chưa thực hiện được do thiếu các hành lang pháp lý cần thiết. Đến nay, các luật liên quan đã đã có thì kiểm kê khí thải xe máy chỉ còn là vấn đề làm khi nào.

“Tôi cho rằng Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2024 sẽ kiểm định khí thải xe máy là hoạt động tốt giúp giảm ô nhiễm môi trường từ phương tiện giao thông, nâng cao trách nhiệm của người dân với môi trường sống. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm không khí liên quan đến các phương tiện giao thông ở Thủ đô nhiều năm nay ở mức báo động, có thời gian mức độ ô nhiễm đứng đầu thế giới nhưng đến nay mới tính đến việc kiểm định khí thải xe máy là muộn. Kế hoạch này cũng có thể làm sớm hơn một chút nhưng phải trong điều kiện chuẩn bị kỹ càng, chặt chẽ, tránh vội vàng,...”, TS. Hoàng Dương Tùng chia sẻ.

Cũng theo TS. Hoàng Dương Tùng, kết quả thử nghiệm năm 2021 trên địa bàn TP. Hà Nội cũng là cơ sở để rút ra nhiều điều. Từ nay đến thời gian mốc thời gian 2024, Hà Nội sẽ còn nhiều việc phải làm, không chỉ là khung pháp lý…

“Cần xác định rõ chúng ta cần phải làm gì, làm như thế nào? Cần chuẩn bị kỹ càng các điều kiện về hạ tầng, thiết bị, khung pháp lý, chi phí ra sao để làm cho hiệu quả... Quan trọng nhất là tuyên truyền làm sao để nâng cao nhận thức cho người dân, để từng người hiểu rõ mục đích, giải pháp và cách làm để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Để làm được điều này thì cần làm sao cho cụ thể, rõ ràng, công khai cho người dân biết. Các biện pháp thực hiện phải hợp tình hợp lý...”, TS. Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó cần đưa ra các quy chuẩn, quy trình, xã hội hóa, phí kiểm tra, tem. Phối hợp với ngành, lĩnh vực, lực lượng có liên quan như: Cảnh sát giao thông, ngành giao thông vận tải ra sao? Cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân như thế nào?...

Ông Tùng cũng cho rằng cần phải có đội ngũ triển khai thực hiện có chuyên môn với lộ trình cụ thể. Cần xác định rõ lộ trình, biện pháp, khung chính sách như thế nào... làm sao khi áp dụng phải tạo thuận lợi cho người dân thực hiện…/.

Văn Ngân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/den-nam-2024-ha-noi-moi-thi-diem-kiem-soat-khi-thai-xe-may-lieu-co-muon-post965167.vov