Đền Trù Mật - Tiếng vọng từ ngàn xưa

PTĐT - Theo thông lệ từ bao đời nay, cứ vào dịp 17/2 và 16/10 âm lịch hàng năm, nhân dân ở xã Văn Lung nói riêng và thị xã Phú Thọ nói chung lại sửa soạn lễ vật hội tụ về Đền Trù Mật ...

Đội tế lễ nam được cử hành trang trọng trong ngày hội làng.

Đội tế lễ nam được cử hành trang trọng trong ngày hội làng.

PTĐT - Theo thông lệ từ bao đời nay, cứ vào dịp 17/2 và 16/10 âm lịch hàng năm, nhân dân ở xã Văn Lung nói riêng và thị xã Phú Thọ nói chung lại sửa soạn lễ vật hội tụ về Đền Trù Mật ở khu Đoàn Kết, xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ thắp nén tâm nhang, tỏ lòng tri ân công đức với Đức Đại Vương Kiều Công Thuận và mẫu hậu Dương Thị Thuần Mỹ đã có công với dân, với nước.
Ông Văn Liêm- Phó ban Quản lý Đền Trù Mật cho biết: Thần tích Đền Trù Mật có ghi lại “Cương nghị thông minh chiêu huệ Đại vương phả lục” được xây dựng và hoàn thành ngày 16/10 năm Canh Ngọ 970 dưới triều vua Đinh Tiên Hoàng. Kiều Công Thuận còn gọi là Kiều Lệnh Công sinh vào cuối thập kỷ thứ 2 của thế kỷ X và mất năm 968. Ông làm quan dưới triều Ngô Quyền. Khi xảy ra biến cố ở Kinh đô Cổ Loa năm 944, vua Ngô Quyền mất, nghịch thần Dương Tam Kha là em vợ Ngô Quyền cướp ngôi, truy sát trung thần. Kiều Công Thuận chạy về đất Ma Khê rồi liên kết với tộc trưởng Ma Xuân Trường ở Phú An, dựng đồn binh ở bãi sông, lập ấp định cư ở Trù Mật, dần dần hình thành nên lực lượng vững chắc cát cứ tại địa phương. Đội quân của ông có tới vài vạn người, trên dưới một lòng được mệnh danh là “Cương nghị quân”, họ luân phiên vừa luyện tập, tuần tra canh gác, bảo vệ lãnh địa vừa cần mẫn lao động sản xuất bảo đảm lương thực nuôi quân, sẵn sàng chiến đấu khi bị xâm chiếm.

Đền Trù Mật vẫn còn giữ được nét kiến trúc cổ kính từ nghìn năm trước.

Đền Trù Mật vẫn còn giữ được nét kiến trúc cổ kính từ nghìn năm trước.

Trong khoảng 20 năm nắm quyền cai quản tại địa phương, Kiều Công Thuận trừ ác, diệt tà bảo vệ dân lành của 2 làng Phú An và Trù Mật khỏi thảm cảnh chém giết, cướp bóc của các lực lượng đối nghịch khác; mở mang nông nghiệp, “đất lành chim đậu” ngày càng nhiều người đến “an cư lạc nghiệp”, uy danh của ông vang dội khiến các sứ quân khác phải nể phục.Theo sử sách ghi lại, trong những năm 966-967, đất nước không vua, các thế lực trong triều tranh nhau ngôi vương, các hào trưởng địa phương không phục tùng triều đình đã gây ra nạn cát cứ của 12 sứ quân. Đau lòng trước cảnh loạn ly, binh đao, Kiều Công Thuận đã tuẫn tiết để bảo toàn danh dự vào ngày 4 tháng Giêng năm Mậu Thìn 968. Cảm phục trước tài cao đức trọng của ông, nhân dân 2 làng đã lập đền thờ ông tại Trù Mật thường xuyên hương khói. Cũng tại nơi ông tuẫn tiết mộ mối đùn lên dấu tích vẫn còn đến ngày nay, nên đây vừa được coi là lăng, vừa là đền thờ ông.Năm Canh Ngọ 970, sau khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua tức vua Đinh Tiên Hoàng đã ban sắc truy phong cho Kiều Công Thuận là “Cương nghị đại vương thượng đẳng thần”. Về sau, các triều đại phong kiến Việt Nam lần lượt ban sắc truy phong cho ông. Trong đó, triều Trần Thái Tông năm 1254 ban sắc phong “Vị quyền Thần” và xếp hạng Đền Trù Mật là “Thượng Đẳng tối linh từ”. Triều vua Thánh Tông- niên hiệu Hồng Đức năm 1470 ban sắc “Cương nghị thông minh Chiêu huệ đại vương”. Triều vua Dực Tông - niên hiệu Tự Đức thứ 9 ban sắc “Thượng đẳng phúc thần”…Ghi nhận công lao to lớn của Đức đại vương Kiều Công Thuận và vinh danh những chứng tích lịch sử, năm 1999 Đền Trù Mật đã được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.Trên long ngai thờ Đức đại vương khắc ghi 4 chữ vàng “Quang hiển quốc vương”, phía dưới có dòng chữ Hán tạm dịch là: Đại vương vạn đại thông minh sáng suốt, làm rõ nền kỷ cương chính sự, tôn nghiêm rộng mở, che chở giúp đời, yêu dân tỏ rõ, linh thiêng báo ứng, giúp kẻ sỹ giáng phúc ban ơn, uy nghi mạnh mẽ, tài giỏi vì đời, thương người, lòng cung kính thẳng ngay, thể long trời, kính giang sơn, ơn sâu tưới nhuần, sáng ngời nhân đức, phúc ban nơi nơi, lòng nhân rộng mở, võ nghệ tài trí mạnh mẽ, rực rỡ khí tiết, tu văn, luyện võ, sáng tỏ thành tâm, khắc ghi công đức”.Trải qua hơn nghìn năm với bao thăng trầm của lịch sử, hình ảnh uy phong lẫm liệt trong chiến đấu bảo vệ dân lành của Đức đại vương Kiều Công Thuận vẫn sáng tỏ trong những trang Thần tích, Thần sắc, Ngọc phả và nhân dân quanh vùng.

Phương An

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dat-nguoi-phu-tho/202012/den-tru-mat-tieng-vong-tu-ngan-xua-174368