Đến với Phú Yên

Sau 35 năm, Phú Yên hôm nay được du khách biết đến ngày càng nhiều bởi những địa danh nổi tiếng như gành Đá Đĩa, hải đăng Đại Lãnh, tháp Nhạn, vịnh Xuân Đài, vịnh Vũng Rô... Mới đây, tháp Nghinh Phong - biểu tượng mới của du lịch Phú Yên - được trao giải thưởng Công trình du lịch thành phố hàng đầu thế giới và giải thưởng Cảnh quan đô thị châu Á năm 2023.

Gành Đá Đĩa (huyện Tuy An) thu hút nhiều du khách đến tham quan. Ảnh: TRẦN QUỚI

Gành Đá Đĩa (huyện Tuy An) thu hút nhiều du khách đến tham quan. Ảnh: TRẦN QUỚI

Phú Yên ngày tôi đến

Tuổi thơ tôi biết đến Phú Yên qua những bài học ở trường phổ thông, trong đó có bài học thuộc lòng “Bức thư Phú Yên”, có đoạn viết: “Chị Bảy thân mến! Chín năm xa gia đình bà con, làng xóm, không biết chị có hình dung được cảnh vật quê nhà ta năm nay đã thay đổi ra sao không nhỉ? Chị ạ! Hàng dừa mà chị thường mắc võng ru em ngày trước giờ đây đâu còn nữa. Cánh đồng Hòa Mỹ, Hòa Thắng xưa kia màu mỡ giờ đây bom đạn giặc Mỹ đã cày xéo tan hoang, trơ trọi…”. Lúc đó, tôi hình dung Phú Yên là một mảnh đất kiên trung giữa miền Nam ruột thịt, nơi đó có những đồng bào thân thương đang bị giặc Mỹ giày xéo, đàn áp dã man…

Lớn lên, tôi xung phong vào quân đội. Sau 6 năm công tác ở chiến trường, năm 1988 tôi được ưu tiên chuyển vùng công tác. Tôi tình nguyện về tỉnh Phú Khánh vào thời điểm có chủ trương chia tách tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Tháng 5/1989, tôi nhận quyết định về làm Đội phó Đội Công trình tiền phương Tỉnh đội Phú Yên. Từ Quân đoàn 3 (Gia Lai), tôi đến TX Tuy Hòa vào một trưa tháng 5/1989.

Bước vào lối rẽ ở cuối đường Nguyễn Huệ, tôi men theo một dốc cát ngoằn ngoèo chừng 300m vào doanh trại Đội Công trình. Tôi gặp chiến sĩ nuôi quân đang gò lưng đẩy chiếc xe đạp giữa bãi cát trắng, dưới cái nắng gay gắt. Đơn vị tôi đóng quân trên một quả đồi giữa rừng dương và bãi cát hoang vu, xen lẫn hoa màu, cỏ lác xác xơ ven bàu Lác Hạ của phường 5, TX Tuy Hòa.

Tôi được lãnh đạo Bộ CHQS tiền phương tỉnh Phú Yên giao nhiệm vụ, với lời dặn: “Đơn vị mới thành lập, mới chuyển về đây, còn trăm ngàn khó khăn, đồng chí hãy cố gắng cùng ban chỉ huy động viên anh em phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ tỉnh giao. Nay mai ổn định rồi, dần dà cũng khá lên thôi”.

Với tôi, một người lính trưởng thành từ chiến trường về thì những khó khăn này chưa thấm tháp vào đâu, nhưng vẫn khá ngỡ ngàng vì những thiếu thốn của đơn vị. Khi tiếp xúc với địa phương, có cán bộ phường nói rằng: Sau 15 năm giải phóng mà những vết đạn của chiến tranh trên vách tường nhà dân ở TX Tuy Hòa vẫn còn nguyên đó…

Đội Công trình với hơn 100 cán bộ, chiến sĩ có nhiệm vụ xây mới một số công trình nhỏ, sửa chữa những nhà cũ bỏ hoang thành doanh trại, nhà làm việc, nhà kho cho các đơn vị Tỉnh đội về tiếp nhận sau ngày 1/7/1989. Nhà ở của bộ đội mái lợp tôn, vách tường cao 2,5m. Nắng tháng 5, nghỉ trưa và đêm về, nhiều chiến sĩ chui xuống gầm giường cho đỡ nóng. Đến bữa ăn, gió thổi cát bay rào rào, hất vào cả mâm cơm, bộ đội phải vừa dùng tay che chén vừa ăn.

TX Tuy Hòa diện tích chưa bằng nửa TP Tuy Hòa ngày nay, với vài con đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Yersin, Lê Trung Kiên còn khá tốt…, còn lại hư hỏng. Thị xã có một sân lộ thiên gọi là Nhà hát Nhân dân ở đường Lê Trung Kiên để các đoàn ca múa nhạc về và cũng là địa điểm tổ chức các lễ hội của địa phương. Cuộc sống người dân phần đông nghèo khó, nhà cửa tạm bợ. Là sĩ quan, quân hàm trung úy nhưng tôi không sắm nổi chiếc xe đạp, muốn đi xem phim hay uống cà phê, mấy anh em trong đơn vị rủ nhau đi bộ hơn 3km lên phố.

Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6/1989 về sau, vùng đất phường 7 bấy giờ như một đại công trình xây dựng. Sau khi có thiết kế, đất được phân ra thành những ô vuông, đường cấp phối bằng đất đỏ và sỏi đá chia các khu vực cơ quan nhà nước, khu dân cư; dần dần các trụ sở, nhà ở mọc lên ngày một nhiều. Một số ngôi nhà của chế độ cũ cũng được tận dụng cải tạo lại cho các cơ quan, đơn vị, không ít cơ quan phải thuê nhà dân để làm việc.

Đúng ngày 1/7/1989, tỉnh Phú Yên chính thức trở về với tên cũ. Và cũng từ đây, mảnh đất TX Tuy Hòa có sự đổi thay nhanh chóng.

TP Tuy Hòa nhìn từ biển Đông. Ảnh: NGỌC THẮNG

TP Tuy Hòa nhìn từ biển Đông. Ảnh: NGỌC THẮNG

Hiện tại và tương lai

Nhớ lại những gì đã qua trong suốt 35 năm, nghĩ về một Phú Yên của hiện tại và tương lai, lòng tôi trào dâng bao xúc động, dạt dào niềm hạnh phúc. Phú Yên và TP Tuy Hòa tuy chưa thật hiện đại nhưng cũng đã và sẽ cất cánh vươn lên.

35 năm, tôi đã cùng đồng đội đi đến mọi vùng đất của tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Tôi hình dung toàn cảnh một Phú Yên khó khăn xưa đổi thay thành một Phú Yên đang khởi sắc. Trải dài từ đèo Cù Mông, TX Sông Cầu với vịnh Xuân Đài, đảo Nhất Tự Sơn nổi tiếng; đến đất Tuy An có gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan, có núi Ông, núi Bà. Rồi vào TP Tuy Hòa đầy nắng và gió, phóng khoáng như tấm lòng người dân xứ Nẫu làm say đắm không ít nhà văn, nhà thơ. Thành phố trẻ Tuy Hòa đang dang tay đón du khách về với thiên nhiên trong lành.

Phía Nam là núi Đá Bia sừng sững liên kết với đèo Cả, Vũng Rô, nơi đón 4 chuyến tàu Không số huyền thoại từ miền Bắc vào chi viện cho miền Trung và Tây Nguyên trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất. Cảng Vũng Rô có địa thế độc đáo, cửa hướng về phía Nam có hòn Nưa như bức bình phong nên Vũng Rô luôn lặng sóng.

Từ Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh đến Tuy Hòa chỉ hơn 1 giờ bay. Khi cất cánh, hạ cánh, ta sẽ thấy được toàn cảnh thiên nhiên với muôn màu sắc, có sự hòa quyện của biển, đồng lúa, núi rừng. Máy bay từ biển Đông lượn qua cánh đồng lúa Tuy Hòa rộng hơn 20.000ha, từ từ hạ cánh xuống Cảng hàng không Tuy Hòa với đường băng trên 3.000m, rất thuận lợi mở rộng thành sân bay quốc tế.

TP Tuy Hòa nằm trên trục đường sắt Bắc - Nam và quốc lộ 1, có quốc lộ 25 và quốc lộ 29 nối đường Trường Sơn Đông, đường Hồ Chí Minh, cửa ngõ của Tây Nguyên với biển Đông. Phía bắc Tuy Hòa và nam Tuy An là vùng du lịch biển, du lịch sinh thái. Trong tương lai gần, gành Đá Đĩa, Bãi Xép, Hòn Chùa, Long Thủy sẽ là tâm điểm của khu du lịch bên biển xanh màu ngọc bích.

Đến Tuy Hòa có tháp Nghinh Phong sừng sững hiên ngang đón gió ngàn khơi, qua kẽ đá, gió ngân lên khúc ru hòa vào sóng biển. Cầu Hùng Vương uốn lượn nối đôi bờ sông Đà Rằng, hòa cùng núi Nhạn cổ kính ngàn năm tự tình in bóng lòng sông.

Đến Phú Yên hôm nay, du khách sẽ được hòa mình với hơi thở của biển, của núi rừng và đồng ruộng bát ngát. Đến Phú Yên để thưởng thức cà phê và nhiều món mang hương vị đặc trưng như: sò huyết Ô Loan, mắt cá ngừ đại dương tiềm thuốc bắc, chả dông, gỏi sứa, bún mực, ghẹ hấp... Một điều dễ thấy nữa là con người Phú Yên luôn mộc mạc, chân thành, mến khách.

35 năm ấy với biết bao nghĩa tình. Phú Yên đã hằn sâu, bám chắc vào máu thịt của tôi. Tôi luôn tâm niệm mình thật sự may mắn, hạnh phúc khi được đến mảnh đất này.

NGUYỄN BÁ THUYẾT

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/94/318202/den-voi-phu-yen.html