Đến với Trường Sa. Ghi chép của phóng viên TG&VN.

Chuyến tàu đặc biệt 2 năm một lần đưa thân nhân thăm các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại Trường Sa luôn đong đầy cảm xúc, những nụ cười và giọt nước mắt hạnh phúc…

Chị Hương luôn nhìn về phía Đảo nơi chồng cùng đồng đội đang làm nhiệm vụ giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. (Ảnh: Hồng Nguyễn)

Chuyến tàu đưa Đoàn công tác số 15 của Lữ đoàn 146, Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân do Phó Chủ nhiệm chính trị, Đại tá Nguyễn Văn Thắng làm trưởng đoàn đưa thân nhân ra thăm cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa vừa trở về sau 18 ngày lênh đênh trên biển.

Trên hải trình thăm Trường Sa, luôn có những giọt nước mắt xúc động, những tiếng cười hạnh phúc và những cái ôm thật chặt của người vợ gặp chồng, cha mẹ gặp lại con mình sau cả năm trời xa cách… Nhưng cũng có cả tiếng thở dài nuối tiếc của những người thân không thể đi tiếp vì lý do sức khỏe.

Những hải trình đặc biệt

Cứ 2 năm một lần, chuyến tàu đặc biệt lại ra khơi mang theo tình cảm từ đất liền đến với Trường Sa. Chín năm trước, đầu tháng 7/2010, lần đầu tiên Quân chủng Hải quân đã tổ chức chuyến tàu chở thân nhân ra thăm các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại đây. Mỗi chuyến đi thường có hai tàu với khoảng 300 thân nhân. Một đi các tuyến đảo phía Bắc, một đi các tuyến đảo phía Nam của quần đảo Trường Sa.

Cuối tháng 5/2019, tôi may mắn có mặt trên chuyến tàu đặc biệt HQ - 571 đến với tuyến đảo phía Nam thuộc quần đảo Trường Sa, chở 116 thân nhân. Đại tá Nguyễn Văn Thắng cho biết, từ khi có chủ trương đưa thân nhân cán bộ, chiến sỹ thăm Trường Sa, bằng những chuyến đi như thế, Quân chủng Hải quân đã phần nào đáp ứng được nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm bám trụ trên đảo. Hoạt động ý nghĩa này của Quân chủng Hải quân đã trở thành nguồn động viên rất lớn cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sa yên tâm, gắn bó, hoàn thành tốt nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc.

Cuộc gặp gỡ giữa hậu phương với người lính đảo đã thực sự trở thành những cuộc “hẹn hò” đoàn tụ giữa đất liền và hải đảo, Đại tá Nguyễn Văn Thắng chia sẻ. Tùy tình hình thời tiết mỗi năm, các chuyến tàu chở thân nhân thường được tổ chức từ cuối tháng 5 đầu tháng 7. “Vào thời gian này, khí hậu thủy văn thuận lợi, sóng yên biển lặng, giúp đảm bảo sức khỏe cho các thân nhân”, Đại tá Thắng giải thích.

Chiếc tàu HQ-571 trong hải trình 18 ngày đi hơn 1000 hải lý, đã đưa 116 thân nhân đến thăm 11 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, gồm đảo Đá Lát, Trường Sa, Đá Tây, Trường Sa Đông, Đá Đông, An Bang, Thuyền Chài, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan, Phan Vinh. Mỗi đảo nổi sẽ có khoảng 10 – 25 thân nhân, đảo chìm thì chỉ đón được 2-5 thân nhân lên thăm người thân và các chiến sĩ tại đảo.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Thắng, để tổ chức được một chuyến đi rất kỳ công. Từ cuối năm trước, Lữ đoàn 146 đã cho cán bộ, chiến sĩ đăng ký nguyện vọng cho thân nhân ra thăm rồi tổng hợp danh sách và tuyển chọn. Sau đó, ban tổ chức tuyển lựa sức khỏe, tổ chức chuyến đi, đón tiếp ở đảo, bố trí nơi ăn nghỉ trên đảo… Bước cuối cùng, đưa thân nhân lên tàu xe về quê và khi họ đến địa phương thì nhiệm vụ mới được cho là hoàn thành.

Trước giờ ra khơi

2h chiều ngày 21/5, hội trường Khách sạn Trường Sa - nơi tập hợp thân nhân cho chuyến thăm đảo từ ngày 22/5 - 8/6 đã chật kín không còn một ghế trống. Hơn 100 thân nhân các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại cụm đảo phía Nam thuộc quần đảo Trường Sa, từ khắp mọi miền đất nước, đã tụ họp, quây quần để làm nốt những thủ tục cuối cùng cho chuyến hải trình dài hơn 1000 hải lý vào sáng sớm hôm sau. Trước khi lên tàu, toàn bộ thân nhân đã được khám sức khỏe lần cuối trước khi bắt đầu hải trình.

Đón thân nhân lên thăm đảo An Bang. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tiếng loa đanh gọn của đại diện ban tổ chức điểm danh từng thân nhân vang lên trong căn phòng, mang hơi hướng kỷ luật quân đội. Đáp lại là những tiếng “có” dõng dạc, không kém phần đanh gọn của những người cha, người mẹ, và cả những người vợ. Dường như họ cũng đã “nhiễm” tác phong “rất quân đội” này của những người lính biển.

Tác phong mang tính quân kỷ ấy liên tục được duy trì, cho đến cả những phút giây nghẹt thở nhất, ban tổ chức công bố 7 thân nhân phải ngừng chuyến đi vì không đảm bảo điều kiện sức khỏe. “Chúng tôi xin ban tổ chức cho tôi được kiểm tra lại một lần nữa. Sáng nay khi kiểm tra sức khỏe, có lẽ tôi đã quá hội hộp vì sắp được ra thăm con mà huyết áp mới tăng như vậy”, một trong 7 thân nhân nói.

Người đàn ông ấy khuôn mặt buồn bã, thất vọng, giọng nói run run, nước mắt chực trào ra nhưng vẫn chất chứa những hi vọng cuối cùng. Không buồn bã, thất vọng sao được, khi họ đã lặn lội hàng trăm cây số vào đến Cam Ranh (Khánh Hòa), chờ đợi mấy ngày để rồi không thể xuống tàu vào những phút cuối. Có lẽ, trên vai mỗi người cha, người mẹ, người vợ lên đường thăm con, thăm chồng đã gánh biết bao tình cảm, những gửi gắm, kỳ vọng nơi quê nhà.

7 thân nhân được đưa đi kiểm tra lần cuối cùng. Tuy nhiên, kết quả không mấy khả quan. Dưới sảnh, nhiều thân nhân đang hối hả chuẩn bị những thùng quà từ đất liền. Khuôn mặt ai cũng lộ rõ sự háo hức, sự chờ đợi hải trình sẽ khởi hành vào sáng sớm ngày mai. Với đại đa số thân nhân đó sẽ là hải trình đầy yêu thương, nhưng với 7 thân nhân khác, đó lại là chuyến tàu đầy nuối tiếc.

Kết thúc chuyến đi, tôi mới thấy được sự quan trọng của sức khỏe. 18 ngày lênh đênh trên biển, những cơn sóng ngầm khiến chiếc tàu vận tải đa năng hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam HQ – 571 liên tục lắc lư nhồi lên nhồi xuống. Tôi nhớ lại những ngày đầu, nhiều thân nhân đã phải bỏ cơm và tiếng loa gọi tìm quân y liên tục trên tàu. Có những người không phải lần đầu ra Trường Sa mà cũng than trời vì bị sóng nhồi…

Mong ngóng từng ngày

8h ngày 22/5, tàu HQ - 571 dập dềnh rời khỏi quân cảng Cam Ranh, bắt đầu hải trình mang yêu thương đến với đảo xa. Trên tàu, tiếng trò chuyện không ngơi, những ông bố, bà mẹ, người vợ cùng hỏi thăm nhau về con, về chồng đang công tác nơi vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Tôi chạy lên boong tàu, nhìn ngắm biển trời. Gió ù ù bên tai, thoảng nghe mùi mặn của biển. Tiếng loa phát thanh phát đi thông báo đầu tiên, ngoài biển có thể sẽ sắp có sóng lớn. Ra đến cửa biển, những con sóng bạc xô đến làm tàu lắc lư. Một vài thân nhân đã nằm bệt giường vì say sóng, làm mọi người không giấu được nỗi lo lắng, bồn chồn. Nhưng ai cũng vững tin, chung một tâm trạng mong ngóng, hồi hộp chờ đợi giây phút được đoàn tụ với người thân ở Trường Sa.

Trong hải trình, tôi gặp chị Phan Thị Hương, từ Nghệ An ra thăm chồng Đậu Bá Quý công tác tại đảo Tốc Tan từ tháng 3/2017. Trước đó, anh Quý công tác tại Vũng Tàu từ năm 2004, sau đó lại nhiều năm là thủy thủ trên tàu. Bởi vậy, chị Hương và anh Quý đã có hơn 10 năm xa nhau.

Sau 6 ngày rời quân cảng, con tàu HQ - 571 đã đến đảo Tốc Tan. Đảo Tốc Tan là đảo thứ mười trong hải trình đưa thân nhân ra thăm Trường Sa lần này. Chị Hương không giấu được vẻ háo hức, hồi hộp, nhưng luôn cười rạng rỡ khi lần đầu tiên ra thăm chồng công tác tại Trường Sa. Chỉ ít phút nữa chị sẽ được gặp lại chồng của mình. Mặc cho sóng vỗ bên mạn tàu, chị Hương và hai người vợ khác đứng bên mạn đưa mắt không rời đảo Tốc Tan ngay trước mặt. Trước hôm vào đảo, tàu neo gần, nhìn thấy đảo mà chưa được vào khiến chị càng nôn nao hơn. Tối đó, chị không ngủ được, ra mạn tàu đứng nhìn về phía ánh đèn đến từ đảo.

“Điều chị nuối tiếc nhất là hơn 10 năm qua, khi anh công tác xa nhà, chị chưa một lần vào thăm chồng được. Vì vậy, lần này chị đã bỏ lại tất cả để có thể ra với anh”, chị Hương nghẹn ngào nói trước khi xuống xuồng vào đảo.

Thấy sự háo hức, hồi hộp của chị Hương, tôi mới thấy có đi xa mới hiểu và quý trọng những giây phút đoàn tụ, có xa cách mới cảm nhận được giây phút trùng phùng, hạnh phúc bên nhau. Giữa muôn trùng sóng nước, đảo xa xôi nghìn trung về khoảng cách địa lý, nhưng không xa về tình yêu, tình thương, tình nghĩa gia đình. Ở đâu đó, hậu phương và người lính đảo vẫn luôn có một sợi dây gắn chặt, khó mà buông rời.

Nguyễn Hồng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/den-voi-truong-sa-ghi-chep-cua-phong-vien-tgvn-95850.html