ĐHĐCĐ PGBank: Cổ đông thống nhất đổi tên, tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng
ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank UPCoM: PGB) được tổ chức sáng ngày 23/10 tại Ninh Bình, thông qua toàn bộ tờ trình.
Thống nhất đổi tên ngân hàng – tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng
Tại đại hội, với tỷ lệ đồng thuận cao, cổ đông PGBank đã thông qua toàn bộ các tờ trình. Theo đó, PGBank miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT đối với Chủ tịch HĐQT Nguyễn Phi Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tiến Dũng và các thành viên HĐQT gồm ông Nguyễn Mạnh Hải, Oliver Schwarzhaupt và Nilesh Banglorewala.
Ở chiều ngược lại, PGBank bầu bổ sung 5 thành viên HĐQT bao gồm ông Đào Phong Trúc Đại, ông Phạm Mạnh Thắng, bà Đinh Thị Huyền Thanh, ông Vương Phúc Chính và ông Nguyễn Thành Lâm.
PGB cũng miễn nhiệm tư cách Trưởng Ban kiểm soát và thành viên Ban kiểm soát đối với bà Dương Ánh Tuyết và ông Nguyễn Tuấn Vinh; bầu bổ sung 2 thành viên Ban kiểm soát chuyên trách, bao gồm ông Trần Ngọc Dũng và ông Trịnh Mạnh Hoán.
Một vấn đề quan trọng khác được thông qua là việc tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng.
Trong đó, 1.200 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương ứng tỷ lệ phát hành 10:4, và 800 tỷ đồng chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ phát hành 15:4. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023, 2024.
PGBank cũng dự kiến đổi trụ sở chính từ tầng 16-23-24 tòa nhà Mipec Tower, Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội sang tòa nhà HEAC số 14-16 Hàm Long, Phan Chu Trinh, Hà Nội. Ngoài ra, PGBank cũng sẽ đổi tên thương mại do tên cũ gắn với cổ đông lớn trước đây là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Đổi mới hậu Petrolimex thoái vốn
Tại Đại hội, một trong những vấn đề được cổ đông quan tâm là ưu tiên của PGB để phát triển sau khi kiện toàn nhân sự cấp cao.
Trả lời cổ đông, bà Đinh Thị Huyền Thanh – Phó Tổng giám đốc thường trực cho biết sau khi kiện toàn nhân sự cấp cao, PGB sẽ tiếp tục thực hiện các công việc để kiện toàn hệ thống quản trị ngân hàng, nâng cao năng lực kinh doanh hiệu quả, an toàn.
Theo đó, PG Bank sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính gồm: Nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các sản phẩm, đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ, hoàn thiện quy trình vận hành, quy trình quản trị; nâng cao năng lực quản trị rủi ro; phát triển nguồn nhân lực lớn mạnh hơn về cả chất và lượng.
Một vấn đề khác được cổ đông quan tâm là giải pháp duy trì và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trong bối cảnh Chính phủ và NHNN siết chặt các quy định về cấp tín dụng, đặc biệt trong lĩnh vực trái phiếu và bất động sản.
Trả lời về vấn đề này, Tổng giám đốc Phạm Mạnh Thắng cho biết PGBank là một ngân hàng rất lành mạnh, không có dư nợ trái phiếu, bên cạnh đó cho vay bất động sản của PGBank không tập trung vào cho vay kinh doanh bất động sản, mà chủ yếu vào cho vay tiêu dùng, người mua nhà ở. Chính vì vậy, hoạt động của PGBank là rất an toàn.
“Các chương trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu là các vấn đề chính trong việc làm cho chất lượng tín dụng tốt lên. Nói rõ thêm, để có được chất lượng tín dụng tốt, công việc nâng cao công tác thẩm định, lựa chọn khách hàng là những yếu tố rất quan trọng đối với PGBank”, ông Phạm Mạnh Thắng chia sẻ.
“Ở thời điểm hiện tại, tình trạng hạn chế tín dụng cũng đã không còn, Chính phủ cũng như Ngân hàng nhà nước đang đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng để tăng trưởng kinh tế”, ông Thắng nói thêm.
Một trong những tâm điểm tại Đại hội là việc Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của nhà đầu tư mới.
Theo Chủ tịch HĐQT Nguyễn Phi Hùng, mặc dù cổ đông lớn Petrolimex đã thoái vốn, song với quan hệ gắn bó suốt 18 năm, ông Hùng khẳng định mối quan hệ giữa PGBank và cựu cổ đông lớn này sẽ không thay đổi.
PGB nay không còn PLX là cổ đông lớn, tuy nhiên ngân hàng cũng sẽ tiếp tục xây dựng những sản phẩm tốt cho các khách hàng ở tập đoàn Petrolimex. Trong suốt 18 năm đồng hành với PGBank, quan điểm của Petrolimex là rất rõ ràng, mặc dù là cổ đông lớn, Tập đoàn này hoàn toàn không có ưu tiên về giá cũng như các gói thầu nhà nước để giúp PGBank cạnh tranh trên thị trường.
Sau khi PLX thoái vốn, PGBank định hướng trở thành một ngân hàng TMCP có quản trị hiện đại, cung cấp các sản phẩm ngân hàng chất lượng cao, thu hút nhiều khách hàng, đối tác tiềm năng trong tương lai.
Như đã được Mekong ASEAN đề cập, vào ngày 11/9 vừa qua, PGBank đã công bố các báo cáo về ngày trở thành cổ đông lớn của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh, CTCP Quốc tế Cường Phát và CTCP Thương mại Vũ Anh Đức.
3 doanh nghiệp nói trên là các nhà đầu tư tổ chức mua về 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% vốn điều lệ PGBank tại buổi bán đấu giá hồi tháng 4/2023 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Số tiền mà cả 3 công ty này bỏ ra là gần 2.568 tỷ đồng.
Cả 3 pháp nhân này đều có nhiều liên hệ tới Tập đoàn Thành Công (TC Group). ĐHĐCĐ lần này của PGBank cũng có sự xuất hiện của ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT TC Group.