ĐHĐCĐ VietinBank: Kế hoạch dài hạn 5 năm
Sau giai đoạn 2019 2024 nhiều khởi sắc, VietinBank tiếp tục trình cổ đông kế hoạch kinh doanh 5 năm giai đoạn 2024 – 2029 với tổng tài sản, dư nợ tín dụng tăng trưởng từ 9% – 10%/năm.
"Năm 2024 hứa hẹn là giai đoạn đầy hứng khởi của VietinBank. Song hành cùng việc tiếp tục triển khai mạnh mẽ các định hướng kinh doanh mũi nhọn như ngân hàng truyền thống, ESG, phát triển hệ sinh thái… toàn hệ thống sẽ cùng triển khai sâu rộng các sáng kiến chuyển đổi số tại các nền tảng và lĩnh vực kinh doanh".
Đây là lời chia sẻ của Chủ tịch HĐQT Trần Bình Minh trích từ Báo cáo thường niên năm 2023 của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - HoSE: CTG), công bố trước thềm ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tổ chức vào ngày mai 27/4.
Theo tài liệu trình đại hội, HĐQT CTG dự trình cổ đông kế hoạch dài hạn từ 2024-2029 với tổng tài sản tăng từ 9-10%/năm, dư nợ tín dụng và nguồn vốn huy động cũng tăng từ 9-10%/năm, tỷ suất sinh lợi/vốn chủ sở hữu (ROE) từ 16-18%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Riêng năm 2024, VietinBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 8-10%. Dư nợ tín dụng thực hiện theo hạn mức được NHNN phê duyệt. Nguồn vốn huy động sẽ tăng trưởng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,8%.
Ngân hàng không đề ra chỉ tiêu lợi nhuận cụ thể, cho biết sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hiệu quả kinh doanh, thực hiện tốt vai trò ngân hàng chủ lực, trụ cột và chủ đạo của nền kinh tế.
Về phương án phân phối lợi nhuận, hiện VietinBank có 19.457 tỷ đồng lợi nhuận riêng lẻ sau thuế năm 2023. Sau khi trích lập các quỹ, VietinBank còn 13.927 tỷ đồng, dự kiến dùng để chia cổ tức bằng cổ phiếu, theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước.
VietinBank được thành lập trên cơ sở tách ra từ Ngân hàng Nhà nước vào năm 1988. Năm 2009, VietinBank cổ phần hóa và chính thức niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE). VietinBank vẫn duy trì vị thế là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần dẫn đầu về quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu.
Năm 2023, vốn điều lệ của VietinBank tăng lên gần 53.700 tỷ đồng sau khi phát hành thành công hơn 564 triệu cổ phiếu để trả cổ tức. Việc nâng vốn điều lệ, theo ngân hàng, nhằm tạo tiền đề để VietinBank nâng cao năng lực tài chính, tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ, mạng lưới…
Kết thúc năm 2023, tổng thu nhập hoạt động của nhà băng này đạt 70.658 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2022. Hầu hết các mảng kinh doanh của VietinBank đều có tăng trưởng tích cực trong năm qua.
Lợi nhuận trước thuế VietinBank năm 2023 đạt 25.100 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ và hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Ngân hàng đứng vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng lợi nhuận năm vừa qua của toàn ngành.
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản VietinBank vượt 2 triệu tỷ đồng, tăng 12,4% so với cuối năm 2022. VietinBank là ngân hàng thứ ba, sau BIDV và Agribank đạt được mốc 2 triệu tỷ đồng. Trong đó, chiếm phần lớn là dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 1,47 triệu tỷ đồng, tăng 15,6% trong năm 2023.
Một điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính của VietinBank là 5.570 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tính đến ngày 31/12/2023, chiếm 13,4% cơ cấu các khoản phải thu. Phần lớn trong số đó tới từ 5.363 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang các công trình khu vực miền Bắc.
Trên thực tế, khoản phải thu này không biến động mạnh trong nhiều năm qua. Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2016, chi phí xây dựng cơ bản dang dở các công trình khu vực miền Bắc VietinBank ghi nhận 4.955 tỷ đồng, thấp hơn không đáng kể so với 7 năm sau đó.
Ở khu vực miền Bắc, VietinBank có một dự án đáng chú ý là dự án tổ hợp công trình VietinBank Tower. Dự án được khởi công vào năm 2010 trên diện tích gần 31.000 m2 trong khu đô thị Tây Hồ Tây – Ciputra.
Tổ hợp được thiết kế thành 2 tòa tháp, một tòa 68 tầng sẽ là trụ sở làm việc chính của VietinBank và một tòa 48 tầng là nơi đặt khách sạn 5 sao, khu chăm sóc sức khỏe, căn hộ cao cấp cho thuê. Ở thời điểm khởi công, dự án được kỳ vọng là tổ hợp tài chính, ngân hàng, khách sạn đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.
Dự án từng được dự kiến hoàn thành vào năm 2014, tuy nhiên tới nay vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2018, CTG đã thông qua cơ cấu lại VietinBank Tower, trong đó có phương án chuyển nhượng toàn bộ tài sản của dự án.
Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/dhdcd-vietinbank-ke-hoach-dai-han-5-nam-post34122.html