Đi ăn hội làng

Bà Vương mở nắp nồi bánh tẻ, gắp từng chiếc xếp lên đĩa rồi đặt lên mâm cơm. Lệ làng Yên Vĩ là thế, cứ đến hội làng là nhà nhà làm cỗ cúng thành hoàng và thứ không thể thiếu là loại bánh cổ truyền nổi tiếng của cả vùng Yên Phong, Bắc Ninh này.

Khu vực đình làng, nơi các “cụ” 50 tuổi làm lễ nhập lưu.

Khu vực đình làng, nơi các “cụ” 50 tuổi làm lễ nhập lưu.

Bà Vương quê gốc ở Quảng Nam, khi xưa là bộ đội quân y. Ông Vương quê Yên Phong, tham gia phục vụ kháng chiến chống Mỹ. Cả hai ông bà công tác cùng binh trạm, yêu nhau rồi thành vợ chồng. Sau ngày giải phóng, bà theo ông về quê ở thôn Yên Vĩ, xã Hòa Tiến, huyện Yên Phong. Ông Vương bảo tuy là người miền trong, nhưng ở Yên Phong mấy chục năm qua, vợ ông đã học được bí quyết làm bánh tẻ của người dân ở đây. “Bây giờ bà ấy làm bánh còn ngon hơn những người chuyên bán bánh tẻ chợ Chờ. Với lại, mình làm mình ăn nên mọi thứ đều tươm tất hơn”, ông Vương nói.

Như thường lệ hàng trăm năm nay, cứ đến tháng 9 âm lịch là cả làng Yên Vĩ lại mở hội, kéo dài ba ngày, từ ngày 11 đến 13. Năm nay, do có bão lũ, nhiều nơi đồng bào gặp thiên tai nên ban tổ chức lễ hội đã bỏ đi phần hát đối quan họ ở khu vực ao làng, nhưng những phần lễ và hội khác vẫn diễn ra.

Yên Vĩ là một trong “Tứ Yên” của huyện Yên Phong, bao gồm các làng Yên Phụ, Yên Hậu, Yên Vỹ, Yên Tân. Bốn làng “kết chạ”, nói nôm na là coi nhau như đồng hương (chạ trong tiếng Việt cổ có nghĩa là một phần của làng), nên vùng này xưa còn được gọi là chạ Tứ Yên.

Một số nhà nghiên cứu nói ngày xưa vùng sông Cà Lồ, ranh giới giữa Yên Phong và Đông Anh, Sóc Sơn là đất dữ, lắm trộm cướp. Lắm bè đảng khi thất thế cũng tìm về nơi này làm chốn nương thân. Các toán cướp ở vùng núi Sóc Sơn hay tràn xuống vượt sông Cà Lồ sang cướp phá vùng Yên Phụ - Đò Lo. Vì thế, kết chạ là để cùng nhau chống cướp bóc, bảo vệ đồng ruộng, đảm bảo đường tiêu nước khi úng, dẫn nước vào khi hạn, giúp nhau chống chọi với thiên tai, địch họa.

Những người tham gia cuộc thi thả chim bồ câu trong hội làng Yên Vĩ.

Những người tham gia cuộc thi thả chim bồ câu trong hội làng Yên Vĩ.

Đợt lũ vừa rồi nước sông Cà Lồ lên to, thôn Yên Vĩ không bị ngập nhiều nhưng thôn Diên Lộc kế bên thì chịu thiệt hại nặng. Đang đêm, dân thôn Yên Vĩ còn kéo ra hỗ trợ bà con bên Diên Lộc chạy lụt. “Nước lên rất nhanh, trại chăn nuôi lợn giữa đồng Diên Lộc không di tản tài sản, vật nuôi kịp, thiệt hại lớn. Tôi cùng nhiều anh em ở đây phải qua hỗ trợ, bơi thuyền, bơi phao cứu từng con lợn. Có những con lợn giống giá cả triệu đồng chết vì không chịu được lụt, chủ trại chỉ biết khóc ròng”, anh Bằng, con trai ông Vương, kể. Sau đêm lụt lớn, sáng hôm sau, dân làng Yên Vĩ lại tiếp tục hỗ trợ dân Diên Lộc khắc phục hậu quả.

Yên Vĩ được tách ra từ Yên Phụ và là làng ra đời sau cùng của vùng đất Tứ Yên. Làng nằm ở cuối cùng của vùng Yên nên được mang tên là Yên (An) Vĩ. Để duy trì mối kết chạ, các làng Yên tổ chức “Lễ hội du xuân Tứ Yên” (tức là hội chung của bốn làng với trung tâm là Yên Phụ) vào ngày 8 tháng Giêng hàng năm. Hội làng ở xã Hòa Tiến thường tổ chức vào dịp đầu xuân, nội dung chính là các nghi lễ thờ cúng thành hoàng làng, tổ tiên, những người có công với dân với nước. Riêng ở thôn Yên Vỹ, Diên Lộc, hội làng diễn ra vào dịp 12/9 âm lịch.

Theo sử sách, trước ngày vào hội “du xuân Tứ Yên”, dân các làng Yên làm lễ nhập tịch, tức là mở cửa đình, để tổ chức tế lễ. Ngày 8 tháng Giêng làm lễ rước thần từ đình các làng về đình Yên Phụ, tổ chức tế lễ rồi làm lễ ăn thề. Sau đó tổ chức diễu hành qua 4 làng. Cuối cùng là rước thần về các làng để làm lễ yên vị.

Sau các nghi thức tế lễ, các làng mở các trò chơi dân gian, mà hấp dẫn nhất là đánh phết ở Yên Hậu và kéo dây lấy lửa ở Yên Vĩ. Trò chơi đánh phết diễn ra trên một thửa ruộng đầu làng. Người ta đào hai lỗ tròn vừa đủ hai quả cầu lọt vào. Một lỗ bên đông, một lỗ bên tây. Quả cầu có đường kính 5 cm làm bằng gỗ, sơn đỏ. Những người chơi cầu chia làm hai phe, mỗi phe hai giáp, mỗi giáp 5 người, tất cả là thanh niên trai tráng, gia đình không trong giai đoạn chịu tang.

Người chơi cởi trần, đóng khố một bên đỏ, một bên xanh, tay cầm gậy tre để đẩy và gạt cầu, gọi là phết cầu. Sau một hồi trống, ông chủ trò tung cầu xuống ruộng. Hai bên đua nhau dùng gậy đẩy, gạt cầu về phía hố của bên mình. Bên nào gạt cầu vào lỗ bên mình trước thì thắng. Người ta cho rằng giáp bên thắng trong năm ấy làm ăn sẽ gặp nhiều may mắn.

Trò chơi kéo dây lấy lửa được tổ chức vào ngày lễ động thổ và chỉ dành cho trẻ con. Đúng giờ Tí (12 giờ đêm, ngày 3 tháng Giêng, tại đình làng, đèn nến tắt đi, chiêng trống nổi lên, dân làng bắt đầu hò reo cổ vũ. Trẻ con (nam giới) các giáp bắt đầu “kéo dây lấy lửa”: kéo dây vào một đoạn cây xoan khô để đến một lúc nào đó tạo ra tia lửa bén vào bùi nhùi. Giáp nào kéo được lửa trước và đem vào thắp đèn nến trong đình là thắng cuộc. Người dân tin rằng giáp nào thắng cuộc thì năm ấy sẽ được mùa. Ở Yên Vĩ, chỉ sau cuộc chơi kéo dây lấy lửa người dân mới ra đồng làm ruộng. Đây là trò chơi và tục lệ rất nguyên thủy vẫn đang hiện diện trong lễ hội của người dân làng Yên Vĩ. “Nay trò ấy không còn nữa”, ông Vương cho biết.

Từ xa xưa, vùng đất Tứ Yên gắn với nhiều truyền thuyết như các nàng tiên giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa, đánh giặc Triệu Đà; chuyện về Phương Dung công chúa theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa hay Đức Thánh Tam Giang giúp Triệu Quang Phục đánh đuổi giặc nhà Lương…

Vùng đất này được xem là có vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống dưới triều Lý. Các nguồn tài liệu lịch sử, những truyền thuyết về những địa danh các làng Yên mà gốc là Yên Phụ, xóm Cầu Gạo, đường Cầu Rắn khiến một số nhà nghiên cứu đi đến nhận định rằng ở đây khi xưa đóng đại bản doanh của anh hùng Lý Thường Kiệt trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống trên chiến tuyến sông Như Nguyệt. Và nhân dân các làng Tứ Yên đã góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân dân nhà Lý, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Tống.

Sau kháng chiến chống Pháp, lễ hội xuân Tứ Yên không tổ chức nữa nhưng hội làng Yên Phụ vẫn diễn ra thường niên vào các ngày 16, 17 và 18 tháng Giêng. Các làng Yên Tân, Yên Hậu, Yên Vĩ vẫn cử đoàn mang lễ về đình Yên Phụ làm lễ.

Và đến tháng 9 âm lịch, hội làng Yên Vĩ vẫn diễn ra. Ngay từ 11/9 âm lịch, người dân khắp nơi trong vùng đã kéo về khu vực xung quanh đình làng Yên Vĩ. Người ta bày ra đủ loại hàng hóa, đồ ăn thức uống, các trò chơi dụ trẻ con, như bao lễ hội khác. Trẻ con thì chơi trò chơi, người lớn làm lễ, đánh cờ, thi thả chim bồ câu…

Mâm cơm cúng đã hoàn tất, hương đã tàn đúng tầm trưa. Trẻ con, người lớn nhà ông Vương tíu tít, người trải chiếu, người lấy đũa bát, rót rượu, cùng ngồi xếp bằng tròn quanh ba mâm cơm. Hôm nay ngoài con cháu trong nhà, ông Vương còn mời thêm gia đình ông thông gia tận Phú Thọ về chơi, dự hội làng. “Năm nào bác ấy cũng mời nhưng nay tôi đã mắt mờ chân chậm, không biết còn dự được mấy lần hội nữa”, ông thông gia nói.

Mặc dù có gia đình thông gia về chơi, ông Vương và con trai vẫn phải ra đình làm xong các phần lễ, trước khi quay về “nhập mâm”. Anh Bằng tính theo tuổi mụ năm nay 47 tuổi, là độ tuổi bắt đầu “ra đình hầu các cụ”. “Tuổi tôi thì được phân công cầm cờ, 48 tuổi đẩy xe, 49 canh điếm, nói nôm na là phục dịch nước nôi, ăn uống cho các cụ. 50 tuổi thì chính thức được nhập lưu, tức là vào hội các cụ của làng”, anh Bằng nói.

Phía sau làng Yên Vĩ là một cánh đồng lớn. Trên cánh đồng vốn trồng lúa và rau màu ấy, nhiều cột bê tông cao hàng chục mét đang mọc lên. Người ta đang xây dựng khu công nghiệp, các trung tâm kho vận. Một số người trong làng Yên Vĩ đã tính chuyện xây nhà trọ cho công nhân thuê trong nay mai.

Không biết khi ấy, hội làng có còn diễn ra hay không, cái gì còn, cái gì sẽ mất đi như lễ hội xuân Tứ Yên, như trò kéo dây lấy lửa ở Yên Vĩ khi xưa. “Ngày trước cháu mong chờ đến hội làng. Nhưng giờ thì chẳng còn hào hứng mấy”, cậu bé 13 tuổi, con đầu anh Bằng nói.

TRÚC MAI

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/di-an-hoi-lang-10293811.html