Đi chùa đầu năm sao cho đúng

Đi lễ chùa đầu năm đã thành một nét đẹp văn hóa của người Việt. Theo Thượng tọa Thích Hoằng Hóa, đi lễ chùa quan trọng nhất ở tấm lòng thành. Người dân tới chùa là để nhớ về lời Phật dạy, bỏ bớt những dự định xấu và hướng đến những điều tốt, làm được như vậy là sẽ có 'lộc'.

Thành tâm sắm lễ

Theo phong tục cổ truyền, trong các ngày Rằm, mồng Một, ngày lễ Tết, người dân thường đến chùa lễ Phật cầu bình an cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, một số người có cách hiểu sai lệch về nét đẹp văn hóa đi lễ chùa đầu năm. Đa phần hiện nay là thấy người ta đi lễ mình cũng đi, chứ người thực sự hiểu ý nghĩa của việc đi lễ đầu năm là không nhiều.

Người dân đi lễ chùa đầu năm (Ảnh: P.Ngân)

Người dân đi lễ chùa đầu năm (Ảnh: P.Ngân)

Nhiều người quan niệm đi lễ chùa càng sắm lễ lớn càng nhiều phúc lộc… Theo Thượng tọa Thích Hoằng Hóa, Ủy viên Thường trực Ban Hoằng Pháp tỉnh Vĩnh Phúc, Trụ trì Chùa Kim Quy (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), việc sắm lễ đi chùa không phải cứ sắm lễ nhiều là tốt, cốt yếu cần tấm lòng thành.

Trong đạo Phật có luật Nhân quả, nếu một người sống đức độ, làm việc thiện và giúp ích cho đời thì không cần xin “các ngài” cũng cho. Còn những người gian dối, làm điều ác thì có xin cũng không được. Thế nhưng nhiều người lầm tưởng, với Phật thì cứ xin là được, đến chùa lễ Phật cũng là điều tốt nhưng tốt hơn là hãy phát nguyện làm những điều lành, điều tốt cho đời, đó chính là đi về nơi tốt đẹp.

Theo Đức Phật, “Phật tức tâm, Phật chứng tại tấm lòng, tâm tức Phật, lòng thành có Phật”, dù lễ phẩm có ít nhưng với tất cả tấm lòng thành kính, người dân dâng lên cúng dường Tam Bảo thì đó là điều quý. Nhiều người sắm lễ nhiều nhưng tâm không thành thì cũng không đúng, phải tỏ rõ cái tâm thành, đó mới là lòng thành kính dâng lên chư Phật”, Thượng tọa Thích Hoằng Hóa cho biết.

Xin lộc đầu năm sao cho đúng?

Một trong những quan niệm của nhiều gia đình trong ngày đầu năm mới, đó là ngay sau giờ phút đón giao thừa, thời khắc chuyển giao của năm cũ và năm mới sẽ lên chùa thắp hương để cầu an, cầu tài, cầu lộc.

Đi lễ chùa quan trọng nhất là tâm thành, lòng thành kính dâng lên chư Phật (Ảnh: P.Ngân)

Đi lễ chùa quan trọng nhất là tâm thành, lòng thành kính dâng lên chư Phật (Ảnh: P.Ngân)

Chia sẻ về điều này, Thượng tọa Thích Hoằng Hóa cho hay, quan niệm có từ bao đời nay là lên chùa hái lộc đầu năm. Ngày xưa thời đất nước còn khó khăn, lên chùa có những người bẻ cành hái lộc, ngày nay, hầu hết các chùa đều chuẩn bị sẵn lễ để phát lộc đầu năm cho các phật tử.

“Khi mọi người nghĩ việc xin lộc trên chùa đầu năm là điều may mắn, thì tâm chúng ta bình an, làm việc trong năm sẽ thuận lợi. Trong dân gian thường có “tâm tưởng, sự thành”, tức là khi chúng ta có niềm tin vào điều gì đó thì chúng ta càng phấn đấu, công việc càng thành công”, Thượng tọa Thích Hoằng Hóa chia sẻ.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, việc hái lộc, xin lộc trên chùa sẽ mang vong linh về nhà, Thượng tọa Thích Hoằng Hóa cho rằng, quan niệm đó là không đúng, bởi đến chùa là điều tốt lành.

Tới lễ chùa chuẩn bị lễ to nhưng bản thân lại hay làm việc xấu, xin xỏ những điều xấu thì tội lại càng to. Đến cửa Phật mà tâm sáng, làm những điều phúc đức thì tự thân đó đã là một lễ to để kính dâng lên Phật. Đến chùa là để nhớ về lời Phật dạy, bỏ bớt những dự định xấu và hướng đến những điều tốt, làm được như thế là sẽ có “lộc”. Tới chùa cầu xin buôn bán gian lận, làm điều ác với người khác… thì không được.

Chia sẻ thêm về những lưu ý khi đi lễ chùa đầu năm, Thượng tọa Thích Hoằng Hóa cho biết: “Khi đi lễ chùa đầu năm, phật tử cần ăn mặc gọn gàng, ấm cúng, không mặc lòe loẹt, hở hang. Sắm lễ vật tùy tâm mỗi người, tùy theo khả năng, sắm lễ sao cảm thấy đủ là được. Sắm vừa đủ lễ vật, có tiết kiệm trong dịp đầu năm, có lòng thành. Đi lên chùa cũng cần khoan thai, chậm rãi, không chen chúc… Đi vào chùa cửa trái, ra cửa phải. Khi lễ thì nên lễ Phật trước rồi lễ thánh, tức là lễ Tam Bảo trước rồi lễ ban Đức ông và các ban khác”.

N.Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/di-chua-dau-nam-sao-cho-dung-166172.html