Đi làm sớm gần 1 tiếng để tránh tắc đường ngày trở rét
Phải di chuyển 24 km để đến chỗ làm, Anh Dũng (huyện Gia Lâm) quyết định xuất phát sớm hơn mọi khi, từ 6h kém vì nghe tin không khí lạnh tràn về.
Bùi Anh Dũng (sinh năm 1996) đoán trước quãng đường đi làm vào những ngày đầu tiên của đợt rét sẽ không dễ dàng khi trời được dự báo có mưa, nhiệt độ giảm mạnh.
"Phòng khám xương khớp cột sống tôi làm việc có 2 cơ sở, một ở đường Đỗ Đình Thiện (quận Nam Từ Liêm), một ở đường Trần Xuân Soạn (quận Hai Bà Trưng), cách nhà tôi tương ứng 24 km và 15 km", Dũng nói với Zing.
Thông thường, nếu làm ở cơ sở đường Đỗ Đình Thiện, Dũng đi làm từ khoảng 6h30 để kịp chấm công lúc 8h30. Song khi không khí lạnh mới về, anh ra khỏi nhà vào 6h kém cho kịp bởi đoán “kiểu gì cũng bị tắc đường”. Bên cạnh đó, do cơ thể dễ bị cảm, anh chuẩn bị quần áo kỹ để giữ ấm.
Cẩn thận hơn khi đi đường
Làm việc ở phòng khám 4 năm nay, Dũng đã quen với việc di chuyển quãng đường xa đến chỗ làm. Song, anh thừa nhận nhiều lúc mệt mỏi khi phải ở ngoài đường quá lâu, nhất là ở những cung đường tắc.
“Những ngày đầu tiên của đợt rét, chắc tôi vẫn sẽ tan làm như bình thường, chỉ mong trời đừng mưa nặng hạt cho đường bớt bẩn”, anh bày tỏ.
Trong khi đó, tối hôm trước khi trời trở rét, Nguyễn Thanh Việt (sinh năm 1994, kỹ thuật viên phòng khám) cũng cẩn thận bỏ thêm quần áo dày vào balo của cô con gái Tuệ Lâm (19 tháng tuổi) để con mang theo đến lớp mẫu giáo. Mấy hôm nay, cô liên tục theo dõi dự báo thời tiết để chuẩn bị.
“Thời tiết đang nắng nóng, đột ngột giảm khoảng hơn 10 độ C nên tôi khá lo, phần vì ngại chuyện đưa đón, phần cũng sợ con có thể gặp vấn đề về sức khỏe bởi Tuệ Lâm hay bị viêm đường hô hấp trên”, Thanh Việt kể.
Bên cạnh đó, bà mẹ trẻ cũng lo ngại việc đi làm vào đợt rét bởi quãng đường xa.
Sinh sống tại xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì và thường làm việc ở đường Trần Xuân Soạn (quận Hai Bà Trưng), mỗi ngày, cô phải di chuyển khoảng 12 km bằng xe máy để tới chỗ làm.
Mỗi sáng, Việt thường dậy từ 6h30, vệ sinh cá nhân rồi đánh thức con gái lúc 7h. Sau khi bé được vệ sinh và cho ăn sáng, hai mẹ con sẽ rời khỏi nhà vào 8h kém.
“Tôi gửi con ở nhà trẻ cách nhà khoảng 1,5 km, nằm trên đường đi làm nên khá tiện. Buổi chiều, tôi cũng là người đón bé vào khoảng 17h30, 18h.
Có lẽ vào ngày đầu tiên của đợt rét, tôi sẽ xin nghỉ sớm khoảng 30 phút cho kịp đón con, bởi tôi lo sẽ tắc đường”.
Đối với Việt, vào những thời điểm thời tiết cực đoan như nóng bức, lạnh giá, việc đi làm khá vất vả bởi quãng đường xa, lại tự lái xe máy.
Cô cũng không có cách đối phó hay mẹo gì hiệu quả ngoài “đi mãi thành quen” và trang bị thêm đồ bảo vệ cơ thể như mũ, kính, găng tay.
Dù lo ngại gặp nhiều bất tiện, bà mẹ trẻ cho hay khá háo hức bởi đã mong ngóng trời chuyển lạnh từ lâu cho “đúng nghĩa mùa đông”.
“Sinh nhật tôi vào tháng 11, mọi năm đều đón tuổi mới trong tiết trời lạnh song năm nay nóng bức khá bất thường. Tôi đã sắm sửa nhiều đồ mùa đông mới cho con gái, cũng thích trời chuyển lạnh để diện cho con”, chị chia sẻ.
Tương tự, với Đăng Khôi (32 tuổi, nhân viên ngành Truyền thông), mối lo lắng nhất khi Hà Nội vào đông là sức khỏe của hai con nhỏ. Thời tiết giá rét, mưa gió hay tình trạng bụi mịn quá cao đều dễ ảnh hưởng tới thể trạng trẻ em, gây ốm sốt.
“Hàng ngày, tôi thường chọn đi xe máy để chủ động hơn. Những hôm nhiệt độ xuống thấp kèm mưa, tôi chuyển sang đi ôtô để đảm bảo sức khỏe của mình và gia đình. Nếu dùng xe hơi, tôi phải tính dư ra thêm khoảng 10-15 phút lưu thông trên đường. Tuy nhiên, cũng có nhiều lần xe cộ kẹt cứng gần hết buổi sáng, tôi thậm chí không thể đến công sở”, anh cho biết.
Trong trường hợp vẫn đi xe máy, người bố này thường chuẩn bị thêm áo khoác ấm, khăn dày, găng tay và mũ trùm tai cho con, ngoài ra trong cặp luôn để sẵn một chai xịt nước muối để rửa mũi và thuốc ho.
Háo hức
Biết tin miền Bắc sắp chuyển sang thời tiết mưa rét, Hà Anh (23 tuổi, quận Hoàng Mai) vừa phấn khích vừa e ngại.
“Tôi chỉ thích trời lạnh thôi, mong không có mưa gió bởi việc di chuyển vất vả, tốn thời gian hơn nhiều”, Hà Anh giải thích.
Buổi tối trước hôm Hà Nội đón gió mùa đông bắc, cô dọn lại tủ quần áo, chọn ra 2 chiếc áo khoác, vài chiếc áo len đề phòng nhiệt độ xuống thấp.
Nữ nhân viên văn phòng vốn thích cái lạnh của mùa đông, song cho biết thói quen sinh hoạt ít nhiều bị thay đổi.
“Mùa đông, khả năng dậy sớm đi làm ảnh hưởng theo bởi chẳng ai muốn chui ra khỏi chăn ấm. Nếu như trước, công ty chỉ cách nhà khoảng 2 km, tôi có thể ngủ thêm được 15-20 phút.
Còn giờ phải đi xa gấp 4 lần quãng đường ấy, lạnh đến mấy tôi cũng phải cố dậy để kịp giờ chấm công. Công ty hiện tại vốn nghiêm ngặt trong khoản giờ làm, tính tiền phạt nếu đi muộn”, cô kể về quá trình “đấu tranh tư tưởng” mỗi sáng.
Hoặc đơn giản hơn, trời lạnh khiến Hà Anh nhanh đói, phải nhiều lần nạp năng lượng, lấp đầy cái bụng rỗng mới có sức hoàn thành deadline.
Mặt khác, sức khỏe vào mùa rét cũng là điều mà Hà Anh cần quan tâm hơn. Bản thân vốn hay gặp các vấn đề về mũi và họng, cô dễ nhiễm lạnh hơn số đông. “Mấy ngày rồi, dù thời tiết khô ráo, có nắng, tôi đã viêm họng, ho cả ngày và cần uống thuốc để sớm dứt cơn”, Hà Anh kể.
Ngược lại, cô vẫn không giấu sự háo hức khi “cuối cùng mùa đông cũng tới”. “Tôi mong trời lạnh hẳn để ăn ngô nướng, bánh trôi tàu - những món có quanh năm nhưng đặc biệt hợp ăn vào ngày rét”, cô nói.
Tương tự, Phạm Minh Quân (25 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng háo hức khi biết tin không khí lạnh sắp ùa về. Với anh, mùa đông là khoảng thời gian thích hợp nhất để rủ bạn bè cùng tụ tập ngoài hàng quán, ngồi tám chuyện bên nồi lẩu nghi ngút khói hay bếp nướng tỏa ra mùi thịt chín thơm lừng.
“Đó là trong điều kiện thời tiết lý tưởng. Còn nếu trời mưa, giá rét kéo dài nhiều ngày, tôi cũng cố gắng rủ mọi người đến ăn uống tại nhà 1-2 lần/tháng”, Quân cho hay.
Đi làm cách nhà 15 km, Quân cũng không tránh khỏi những lúc ngại ra khỏi giường vào buổi sớm.
“Trời chỉ rét thôi vẫn đỡ hơn mưa nhiều. Lái xe lâu trên đường khá tê buốt tay nhưng giao thông phần nào vẫn thông thoáng hơn. Hôm nào mưa gió, tôi mặc 2 lớp áo mưa nhưng khi đến công ty vẫn phải thay bộ quần áo dự phòng khác”, Quân kể.
Bản thân anh muốn tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân nhằm chủ động về cung đường cũng như thời gian di chuyển, vậy nên ít khi nào Quân đi xe ôm công nghệ để đi làm.
“Trời mưa, tôi cần phải ra đường sớm hơn, đi về trên một cung đường khác để tránh tắc đường, hủy những buổi hẹn vì khó đến kịp giờ. Việc đặt đồ ăn trưa và tối cũng khó hơn hẳn vì không có shipper nhận vào thời tiết xấu. Nếu cả tuần tới đều rét và mưa, tôi cần phải thay đổi lại thời gian sinh hoạt cũng như lịch hẹn gặp bạn bè, đồng nghiệp ngoài giờ làm”.