Di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam nằm ở tỉnh nào?

Năm 1993, UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam. Từ đó đến nay, di tích này không ngừng được bảo tồn, phát huy giá trị, trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

1. Di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam nằm ở tỉnh nào?

Thanh Hóa
Quảng Nam
Ninh Bình
Thừa Thiên - Huế

Nằm tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quần thể di tích cố đô Huế là Di sản Văn hóa Thế giới đầu tiên của Việt Nam, được UNESCO công nhận năm 1993. So với các cố đô khác trong cả nước, Huế là nơi duy nhất còn bảo lưu khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình với hệ thống thành quách, cung điện, lăng tẩm, chùa quán... độc đáo, đặc sắc. Ngày nay, các công trình này là điểm đến hấp dẫn du khách không thể bỏ qua khi du lịch Huế. Ảnh: Jessegaliano.

2. Công trình nào trong Quần thể di tích cố đô Huế được nhắc đến qua câu ca dao sau: "... năm cửa chín lầu/ Một lầu vàng, tám lầu xanh, ba cửa thẳng, hai cửa quanh"?

Tý Môn
Ngọ Môn
Dần Môn
Thìn Môn

Ngọ Môn là cổng chính phía nam, cũng là cổng lớn nhất của Hoàng thành Huế, được xây dựng năm 1833. Công trình mang tính biểu tượng này đi vào ca dao với lối miêu tả gợi nhiều hình ảnh: "Ngọ Môn năm cửa chín lầu/ Một lầu vàng, tám lầu xanh, ba cửa thẳng, hai cửa quanh". Kiến trúc Ngọ Môn gồm 2 phần chính là đài - cổng có bình diện hình chữ U vuông góc và lầu Ngũ Phụng trang trí tinh xảo, thanh thoát đặt ở phía trên. Ảnh: Thaoquyetlinh.

3. Cửu đỉnh đặt trước sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế được công nhận bảo vật quốc gia vào năm nào?

2012
2002
1992
1982

Nằm trong số những bảo vật quốc gia được công nhận ngay đợt đầu tiên vào năm 2012, Cửu đỉnh là bộ tác phẩm bằng đồng gồm 9 chiếc đỉnh lớn, đúc dưới thời vua Minh Mạng, mang nhiều giá trị độc đáo. Những chiếc đỉnh này đặt trước sân Thế miếu, khu vực thờ tự bề thế nhất, nguyên vẹn nhất của triều Nguyễn. Mỗi đỉnh ở đây đều có tên riêng, chạm nổi các hình ảnh mang chủ đề tự nhiên, vũ trụ, núi sông, vật linh, chim thú, hoa quả, lương thực, binh khí... hợp thành "bộ từ điển" sống động về đất nước. Ảnh: Nnp_vnhn.

4. Khu lăng nào trong Quần thể di tích cố đô Huế là sự pha trộn nhiều dòng kiến trúc Á - Âu, cổ điển - hiện đại?

Lăng Đồng Khánh
Lăng Minh Mạng
Lăng Gia Long
Lăng Khải Định

Lăng Khải Định tên chữ là Ứng Lăng, thể hiện sự pha trộn nhiều dòng kiến trúc Á - Âu, cổ điển - hiện đại, phản ánh bối cảnh giao thoa văn hóa Đông - Tây trong giai đoạn lịch sử bấy giờ. Vì thế, đây là công trình độc đáo của Quần thể di tích cố đô Huế, mang nhiều giá trị kiến trúc - nghệ thuật đặc sắc. Trên bản đồ du lịch Huế, lăng Khải Định cũng là một trong những địa điểm thu hút nhiều sự chú ý của du khách. Ảnh: Zorymory.

5. Nhân ngày Di sản Thế giới 18/4 vừa qua, công trình nào trong Quần thể di tích cố đô Huế đã được Google Arts & Culture giới thiệu đến toàn thế giới?

Lăng Thiệu Trị
Lăng Minh Mạng
Lăng Tự Đức
Lăng Gia Long

Nhân ngày Di sản Thế giới 18/4, Google Arts & Culture đã đưa lăng Tự Đức vào bộ sưu tập những di sản quý để giới thiệu phiên bản số hóa 3D đến toàn thế giới, "sánh vai" cùng nhiều công trình nổi tiếng khác của các nước. Lăng Tự Đức tên chữ là Khiêm Lăng, có bố cục gồm 2 phần chính, bố trí trên 2 trục dọc song song nhau. Các công trình kiến trúc trong khuôn viên lăng hài hòa với khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình. Ảnh: Ryaldabs.

6. Minh Lâu là công trình kiến trúc nổi bật của khu lăng nào trong Quần thể di tích cố đô Huế?

Lăng Dục Đức
Lăng Minh Mạng
Lăng Đồng Khánh
Lăng Gia Long

Minh Lâu là công trình kiến trúc nổi bật ở lăng Minh Mạng, tọa lạc trên một ngọn đồi cao, mang nhiều ý nghĩa biểu trưng của triết học phương Đông. Với tên chữ là Hiếu Lăng, quần thể lăng Minh Mạng gồm hàng loạt cung điện, lâu đài, đình tạ... được bố trí đăng đối trên một trục dọc trung tâm, mang nét uy nghiêm, tĩnh tại nhưng không kém phần lộng lẫy. Ảnh: Phamhathu_1995.

Cố đô Huế nhộn nhịp khách tham quan dịp nghỉ lễ Năm nay, đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày, nhiều người chọn đến Huế để tận hưởng thời gian thư giãn. Cố đô Huế trở nên nhộn nhịp hơn ngày thường.

Song Phúc

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/di-san-the-gioi-dau-tien-cua-viet-nam-nam-o-tinh-nao-post938095.html