Đi thi tham khảo môn Ngữ văn mang lại cảm giác an toàn cho các thí sinh

Theo nhận định của giáo vên Ngữ văn, đề thi tham khảo môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có cấu trúc quen thuộc, phù hợp với các thí sinh.

Nhận định về đề thi tham khảo môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp THPT năm 2021, TS. Trịnh Thu Tuyết - nguyên giáo viên Ngữ văn trường THPT Chu Văn An, Hà Nội cho biết, đề minh họa môn Ngữ văn của Bộ GD&ĐT nhìn chung không thay đổi so với đề thi tham khảo lần 2 và đề thi chính thức môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp THPT năm học 2019 - 2020. Đó là cấu trúc quen thuộc, phù hợp với tâm lí, nhận thức của học trò bao gồm: Đọc hiểu, Làm văn (Nghị luận xã hội, Nghị luận văn học).

"Nhìn chung, nếu đề minh họa đúng với tính chất minh họa cho cấu trúc, kiểu dạng, mức độ các câu hỏi của đề thi chính thức trong kì thi tốt nghiệp THPT năm học 2020 - 2021, đó sẽ là những định hướng đem lại sự yên tâm, cảm giác an toàn cho thầy và trò các trường phổ thông trong thời gian ôn luyện sắp tới, dù không có được nhiều cảm giác hồi hộp đón chờ sự mới mẻ, bất ngờ, điều vốn luôn là những thách thức thú vị cần có của mỗi kì thi" - TS Trịnh Thu Tuyết nhận định.

Đề thi tham khảo môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Đề thi tham khảo môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Còn theo nhận định của Tổ Ngữ văn (Hệ thống giáo dục HOCMAI), đề thi tham khảo kì thi tốt nghiệp THPT năm 2021 môn Ngữ văn vẫn giữ nguyên cấu trúc với 2 phần là Đọc hiểu (3,0 điểm); Làm văn (7,0 điểm) chia thành 2.

Đối với phần Đọc hiểu (3,0 điểm), ngữ liệu cho phần Đọc hiểu là một ngữ liệu ngoài SGK trích từ bài thơ "Miền Trung" của Hoàng Trần Cương. Ngữ liệu này có dung lượng vừa phải, có khả năng khơi gợi những suy nghĩ, xúc cảm mang giá trị nhân văn và có ý nghĩa thẩm mĩ sâu sắc cho học trò. Đi kèm ngữ liệu bao gồm bốn câu hỏi kiểm tra kiến thức về đọc - hiểu văn bản phân bổ theo các cấp độ nhận thức: nhận biết, thông hiểu và vận dụng.

Trong đề tham khảo tốt nghiệp THPT 2021, câu số 4 phần Đọc hiểu yêu cầu học sinh nhận xét về tình cảm của tác giả được thể hiện trong đoạn thơ. Có thể thấy, việc thay đổi cách ra câu hỏi như vậy sẽ khắc phục tình trạng trùng lặp khi viết bài, đồng thời vẫn đảm bảo được mục đích kiểm tra đánh giá khả năng đọc hiểu văn bản của học sinh. Có thể thấy, đây là một sự thay đổi khá phù hợp, có sự tiếp thu những ý kiến nhận xét về các đề thi trước đây.

Đối với phần Làm văn (7,0 điểm) vẫn giữ nguyên cấu trúc bao gồm hai câu: Một câu hỏi nghị luận xã hội và một câu hỏi nghị luận văn học. Câu 1 (2,0 điểm) là câu hỏi yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội (khoảng 200 chữ) bàn về một vấn đề được rút ra từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu. Đề bài đưa ra yêu cầu nghị luận về "sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn thử thách". Đây là một vấn đề tư tưởng gắn liền với cuộc sống con người, gợi cho học sinh nhiều suy nghĩ.

Để trả lời câu hỏi này, học sinh phải đưa ra và bảo vệ được quan điểm của bản thân bằng những lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục. Việc yêu cầu học sinh viết đoạn văn trong câu nghị luận xã hội vừa giúp kiểm tra được kiến thức và kĩ năng, đồng thời cũng phù hợp với thời lượng và quỹ điểm của một đề thi tốt nghiệp THPT.

Câu 2 là câu hỏi Nghị luận văn học. Ngữ liệu nghị luận là một đoạn văn trích từ bài bút kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" của Hoàng Phủ Ngọc Tường. "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" là một văn bản học sinh đã được học trong chương trình Ngữ văn 12 học kì I, không nằm trong nội dung giảm tải của Bộ GD&ĐT. Đoạn văn cũng thể hiện rõ tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường được thể hiện qua một cái tôi tài hoa, uyên bác và tình cảm nồng nàn, tha thiết với mảnh đất quê hương.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/di-thi-tham-khao-mon-ngu-van-mang-lai-cam-giac-an-toan-cho-cac-thi-sinh-20210401102514617.htm