Di tích Mường Phăng - Còn mãi với thời gian

Vượt qua thung lũng hẹp với những ruộng lúa đang thì con gái xanh mướt, chúng tôi tới khu di tích Mường Phăng trong ánh nắng chói chang. Cảm giác nóng bức biến mất tức thì khi bước chân đi dưới tán cây rừng của khu di tích. Màu xanh tươi của khu rừng cây mà người dân thân thương gọi là rừng cây Đại tướng như kích thích từng bước chân của chúng tôi trong hành trình khám Sở Chỉ huy của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ nằm sâu giữa tán rừng nguyên sinh. Ảnh: Bích Nguyên

Khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ nằm sâu giữa tán rừng nguyên sinh. Ảnh: Bích Nguyên

Chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định chọn khu rừng nguyên sinh dưới chân núi Pú Đồn, thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên làm nơi đặt Sở Chỉ huy chiến dịch để chỉ huy, điều hành toàn bộ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nơi này cách thành phố Điện Biên Phủ 25km về phía Đông (theo đường chim bay) và khoảng 40km theo đường bộ, thuận lợi cho việc quan sát, chỉ huy tác chiến trên chiến trường lại đảm bảo được yếu tố bí mật.

Trong 105 ngày (từ ngày 31-1-1954 đến 15-5-1954) hoạt động, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã phát ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định, đập tan tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm của thực dân Pháp, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Cho đến ngày nay, di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn được gìn giữ, bảo vệ nguyên vẹn, trường tồn với thời gian, là nơi có thể thỏa mãn nhu cầu tham quan, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, cội nguồn của du khách.

Đi dưới tán rừng cổ thụ mát rượi, hướng dẫn viên của khu di tích giới thiệu với chúng tôi rằng, toàn bộ hầm, lán, nhà làm việc được bố trí thành hệ thống liên hoàn, thông suốt. Từ Sở Chỉ huy, leo ngược lên núi, đứng ở điểm cao nhất có thể quan sát toàn bộ thành phố Điện Biên Phủ, thung lũng Mường Thanh và các điểm đóng quân trước kia của quân Pháp.

Vượt qua trạm gác đơn sơ, chúng tôi lần lượt tham quan nơi làm việc của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp; Tổng Tham mưu phó QĐND Việt Nam, Tham mưu trưởng Chiến dịch Hoàng Văn Thái; cố vấn quân sự Vi Quốc Thanh; Trưởng ban Thông tin chiến dịch Hoàng Đạo Thúy... Tất cả đều rất đơn sơ và còn nguyên vẹn với thời gian.

Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi tới thăm, rộng chừng 20m2, vách được kết bằng những tấm phên nứa, bện thêm cỏ gianh để tránh gió lùa và giấu bớt ánh sáng về đêm. Nếu không được giới thiệu trước, khó ai có thể hình dung ngôi nhà hết sức đơn sơ này là nơi Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã có những quyết định sáng suốt, linh hoạt, ban hành những chỉ thị, mệnh lệnh quan trọng nhất khi ông chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bên cạnh nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một đường hầm xuyên qua lòng núi, khi có máy bay hoặc chiến sự, Đại tướng sẽ xuống hầm để làm việc. Hầm xuyên núi là công trình đồ sộ nhất ở Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, được xây dựng trong gần 1 tháng. Đường hầm này thông sang nơi làm việc của đồng chí Hoàng Văn Thái. Đường hầm cao 1,7m khá rộng rãi, thoáng khí. Giữa đường hầm có một phòng họp rộng 18m2, có lỗ thông hơi lên đỉnh đồi. Ngày xưa, dọc theo đường hầm, bộ đội đào hầm thiết kế 5 ngách để đặt máy thông tin liên lạc. Trong đó, 1 máy để nối với Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Hồ Chủ tịch, 4 máy còn lại nối với các đại đoàn chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ.

Để phục vụ công tác chỉ huy, điều hành các công tác của Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội ta đã xây dựng một chiếc lán rộng tại Sở Chỉ huy chiến dịch làm hội trường. Đây là nơi họp của các cấp trung đoàn do Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch triệu tập. Trong đó, quan trọng nhất là Hội nghị cán bộ ngày 7-2-1954 để quán triệt phương châm tác chiến mới và tiến hành công tác chuẩn bị chiến đấu. Một trong những di tích còn lại cho đến bây giờ là khu bếp Hoàng Cầm. Khu bếp này được thiết kế có nhiều đường rãnh để làm loãng khói bếp tỏa ra khi nấu ăn nhằm tránh bị máy bay phát hiện từ trên cao.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn đó lán ngủ điện báo viên, hầm tổng đài điện thoại, lán làm việc của Ban Thông tin, nhà tác chiến - nơi giao ban hằng ngày của Bộ Chỉ huy. Mỗi công trình là một ký ức lịch sử còn mãi với năm tháng, với các thế hệ người dân Việt Nam.

Chúng tôi đi về phía cuối con đường, bắt gặp dòng suối nhỏ nước trong vắt. Dọc theo dòng suối, người dân địa phương bày bán rất nhiều sản vật khác nhau. Du khách có thể chọn mua nấm ngọc cẩu, rễ cây rừng, các loại cây thuốc quý do người dân tự trồng hoặc khai thác trong rừng.

Có điều lạ là du khách đến với Mường Phăng rất đông nhưng không vì thế mà nơi này trở nên ồn ào, xô bồ. Trái lại, Mường Phăng luôn giữ được không gian bình yên, thậm chí tĩnh lặng đến lạ thường. Dường như ai cũng muốn giữ một khoảng lặng khi về với nơi này để liên tưởng, hình dung về trận chiến năm xưa mà nhiều người chỉ được biết qua sách báo.

Trong những năm gần đây, Mường Phăng được quan tâm xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng về đường, điện, trường trạm. Đường giao thông đã được đổ nhựa hoặc đổ bê tông rất thuận lợi cho việc đi lại. Nhằm phát huy tiềm năng du lịch của Mường Phăng, chính quyền tỉnh Điện Biên đã tính đến việc đầu tư phát triển du lịch ở khu vực này thông qua kêu gọi đầu tư vào Khu du lịch Hồ Pá Khoang ngay bên cạnh Mường Phăng và xây dựng bản du lịch cộng đồng Che Căn của dân tộc Thái. Tại đây, du khách có thể thưởng thức ẩm thực truyền thống của người bản địa, thưởng thức văn nghệ dân gian của dân tộc Thái, Khơ Mú, Mông.

Mường Phăng ngày hôm nay đã thay da đổi thịt, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc nơi đây ngày càng phát triển. Chắc chắn Mường Phăng sẽ còn thay đổi nữa. Trong tiến trình phát triển đó, còn mãi với Mường Phăng sẽ là giá trị lịch sử văn hóa, là mốc son lẫy lừng của chiến thắng Điện Biên Phủ. Mường Phăng sẽ còn xanh mãi với rừng cây Đại tướng như là một phần của lịch sử dân tộc.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/di-tich-muong-phang-con-mai-voi-thoi-gian-post439681.html