'Địa chỉ đỏ' lưu dấu những ngày Bác Hồ ở Vân Canh

Dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn Hậu Ái, xã Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) đón nhiều khách đến tham quan và dâng hương tưởng niệm Bác Hồ. Nơi đây, vào cuối năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc, đồng thời là nơi diễn ra những sự kiện quan trọng gắn với những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Năm 2003, địa điểm lưu niệm Bác Hồ tại thôn Hậu Ái đã được xếp hạng Di tích quốc gia.

Tại đầu con ngõ nhỏ của thôn Hậu Ái, dẫn vào ngôi nhà hai tầng mới được tu bổ, tôn tạo có tấm bia bằng đá hoa cương khắc dòng chữ: “Di tích lịch sử-văn hóa. Tại ngôi nhà này, từ ngày 26-11 đến 3-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc, lãnh đạo toàn dân chuẩn bị cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp”.

 Bàn làm việc của Bác Hồ trên phòng tầng hai của ngôi nhà.

Bàn làm việc của Bác Hồ trên phòng tầng hai của ngôi nhà.

Ông Bùi Doãn Thịnh, nhân viên khu lưu niệm dẫn chúng tôi đi tham quan “địa chỉ đỏ” này và giới thiệu: Khu nhà và đất vườn tại vị trí này, vào năm 1946 thuộc sở hữu của cụ Nguyễn Thông Phúc, chi trưởng dòng họ Nguyễn Phan ở thôn Hậu Ái. Trước khi Bác Hồ và các đồng chí Trung ương về đây ở và làm việc, hội họp, nơi đây từng là cơ sở tin cậy của Đảng.

Chúng tôi cùng du khách kính cẩn dâng hương tưởng niệm Bác Hồ tại gian giữa, tầng một của ngôi nhà-nơi đặt bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gian bên cạnh trưng bày nhiều kỷ vật của Trường Tư thục Hứa Do, ảnh chân dung Bác Hồ và các đồng chí: Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân, Trần Đăng Ninh... từng về làm việc, tham gia hội họp trong thời gian Bác Hồ ở và làm việc tại đây.

Theo sử sách ghi lại và lời kể của các bậc cao niên ở địa phương, một người con trai của cụ Nguyễn Thông Phúc, tên là Nguyễn Phan Lễ, đã sớm giác ngộ cách mạng, tích cực tham gia phong trào yêu nước. Năm 1940, sau khi bị sở liêm phóng của thực dân Pháp gọi lên thẩm vấn, ông Nguyễn Phan Lễ trở về quê ở thôn Hậu Ái, xã Thọ Nam (nay là xã Vân Canh), huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là TP Hà Nội), mở trường dạy học, lấy tên là Trường Tư thục Hứa Do, đặt tại nhà cụ Nguyễn Thông Phúc, để vừa truyền thụ kiến thức, vừa giác ngộ cách mạng cho học sinh. Quá trình hoạt động của trường (từ tháng 9-1941 đến tháng 3-1945), đã tạo cơ sở hợp pháp làm chỗ dựa hoạt động để củng cố tổ chức, công khai tuyên truyền cách mạng, xây dựng tổ chức thanh niên cứu quốc bí mật. Nhiều thầy giáo và học sinh của trường sau này trở thành những chiến sĩ cách mạng, đi theo kháng chiến, trưởng thành trên nhiều cương vị công tác.

 Nhà lưu niệm Bác Hồ tại thôn Hậu Ái.

Nhà lưu niệm Bác Hồ tại thôn Hậu Ái.

Không ít du khách tới đây rất xúc động khi tham quan căn phòng nhỏ trên tầng hai của ngôi nhà, nơi trưng bày chính các hiện vật nguyên trạng thời gian Bác Hồ ở và làm việc, gồm: Chiếc bàn làm việc, bộ phản bằng gỗ lim cùng một số vật dụng sinh hoạt bình dị, đơn sơ của Người. Theo tài liệu trưng bày và lời giới thiệu của nhân viên khu lưu niệm, từ đầu tháng 3-1946 đến ngày 19-12-1946, ngôi nhà này đã chứng kiến những sự kiện lịch sử gắn liền với sự nghiệp kháng chiến. Là một “địa chỉ đỏ” của cách mạng nên Đảng ta quyết định chọn nơi đây để tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở rộng, họp từ ngày 3 đến 5-3-1946. Hội nghị diễn ra ngay trong gian nhà thờ Ban chi dòng họ Nguyễn Phan, bàn về chủ trương “hòa để tiến".

Tối 5-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về đây chủ trì hội nghị để thông qua đường lối thương lượng với thực dân Pháp. Sau hội nghị, Người trở ra Hà Nội để ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 với chính quyền thực dân. Tiếp đó, từ tối 26-11-1946 đến ngày 3-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển về ở và làm việc tại căn phòng trên gác hai của ngôi nhà. Đây là điểm đầu tiên Bác chuyển đến sau khi rời trung tâm Hà Nội để bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Tại đây, Bác nhiều lần làm việc với các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng, quyết định những chủ trương về cuộc kháng chiến lâu dài. Bác đã ký các văn bản: Thành lập Bộ Lao động; Lời kêu gọi đồng bào tham gia lập nghĩa thương để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài; Ấn định hình phạt đưa và nhận hối lộ. Ngày 3-12-1946, Bác Hồ từ Vân Canh về Hà Nội để hội kiến với Jean Sainteny, đại diện Chính phủ Pháp ở Đông Dương tại Bắc Bộ Phủ, nhằm giải quyết những xung đột đang xảy ra ở Hải Phòng, đồng thời thi hành nhanh chóng bản Tạm ước 14-9-1946.

Năm 1947, thực dân Pháp đã đốt phá nhiều nhà cửa tại khu vực Vân Canh-một an toàn khu của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ. Nhà cụ Nguyễn Thông Phúc cũng bị chúng đốt phá chỉ còn trơ nền. Được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương quan tâm đầu tư khôi phục, tu bổ, tôn tạo, nhất là vào các năm 1988 và 2019, các hạng mục chính: Nhà lưu niệm Bác Hồ-nguyên trạng ngôi nhà chính của cụ Nguyễn Thông Phúc; nhà thờ tổ-nơi Trung ương Đảng họp; nhà ngang-nơi thờ bà mẹ Việt Nam anh hùng và liệt sĩ, đã được hoàn thành theo kiến trúc trước đây. Công trình là “địa chỉ đỏ” tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lưu dấu sâu sắc những ngày Bác Hồ ở và làm việc tại đây, đồng thời góp phần giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Hoài Đức.

Bài và ảnh: NAM HỒNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/dia-chi-do-luu-dau-nhung-ngay-bac-ho-o-van-canh-634851