Địa danh Giồng Nhãn Vĩnh Châu

Gần đây, tôi có dịp về xã Vĩnh Tân thuộc TX. Vĩnh Châu, đi trên Quốc lộ Nam Sông Hậu (Lộ 38 trước đây) và lộ Giồng Nhãn nối liền quận lỵ Vĩnh Châu – Vĩnh Phước – Vĩnh Tân – Bạc Liêu, dân cư ở đây từ lâu đã trồng một loại trái cây quý, đó là Hương Nhãn (còn gọi là nhãn cơm xuồng, nhãn da bò), một loại đặc sản của xứ Vĩnh Châu – Bạc Liêu. Vậy Giồng Nhãn có từ bao giờ?

Tạp chí VNBL có đoạn viết: “Khoảng giữa thế kỷ XIX, trong một lần biến động, có hai giồng cát lớn được nước thủy triều đưa vào, hai giồng cát này như hai con đê chắn ngang bờ biển (giồng nhãn hiện nay), dân cư ở đây san bằng hai giồng cát để trồng nhãn…”. Về góc độ khoa học, chuyện hai giồng cát ấy được hình thành vào giữa thế kỷ XIX do biến động nước thủy triều đưa vào hình thành nên Giồng Nhãn là không đúng. Bởi cấu tạo địa chất ở cả vùng bờ biển phía Đông đồng bằng sông Cửu Long là có rất nhiều giồng cát được tạo nên song song theo bờ biển, đặc biệt là từ Gò Công đến Bạc Liêu; nhiều giồng cát này đã nằm sâu trong đất liền như ở Bến Tre, Trà Vinh. Riêng Sóc Trăng, theo giáo sư Trần Kim Thạch, đồng bằng hiện hữu hình thành chủ yếu trong giai đoạn 3 – 2,5 nghìn năm trở lại đây sau khi sông Hậu đổi dòng từ vùng Vĩnh Long – Trà Vinh theo đứt gãy mới như sông Hậu hiện nay. Trên nền trầm tích mới, hàng loạt các giồng cát như các dải đồi cát ngầm dưới nước song song mọc theo bờ biển, chạy dài từ Thới An Hội qua thị trấn Kế Sách, Phú Tâm, An Trạch, Bố Thảo, rồi Đại Ngãi, TP. Sóc Trăng, Đại Tâm, Phú Mỹ hình thành trước; kế đến Long Phú, Lịch Hội Thượng, Vĩnh Châu được hình thành sau, muộn hơn. Độ cao của các giồng cát này thường từ 1,5m – 3m. Thành phần của nó là các hạt cát trầm tích.

Trên cơ sở các giồng cát được coi như xương sống này, phù sa sông và trầm tích biển chủ yếu là sét, bùn, hữu cơ theo dòng chảy tiếp tục bồi phủ các chân giồng và gian cồn (khoảng đất giữa 2 cồn) để hình thành đất ruộng, rẫy có độ cao thấp hơn 0,7m – 1,5m. Giồng và đất ruộng, rẫy tạo nên đồng bằng hiện hữu.

Hiện nay phù sa sông MêKông ở vùng nội địa và trầm tích biển cùng phù sa sông ở vùng ven biển vẫn tiếp tục bồi phủ lên bề mặt châu thổ hàng ngày để hình thành đồng bằng châu thổ hiện đại.

Như vậy, thực tế là phù sa và trầm tích biển mới nằm phía trên nền của phù sa và trầm tích biển cũ, chúng đã phủ lên trên các gò, các bồn trũng, các đầm mặn, các đứt gãy, nếp uốn cũ đã hình thành do các kiến tạo địa chất. Nói cách khác là trầm tích đệ tứ mới nằm phía trên nền trầm tích đệ tứ cũ và các quá trình biển tiến, biển lùi, các quá trình kiến tạo địa chất đã làm cho các cồn cát ngầm này nổi lên trên mặt nước hình thành các giồng cát – bờ biển trong quá khứ (vì vậy hiện tại ta thấy chúng có hướng song song với bờ biển hiện đại).

Như vậy, giồng cát (giồng nhãn Vĩnh Châu – Bạc Liêu) có từ vài nghìn năm trước. Đến khoảng giữa thế kỷ XIX, có người trồng nhãn trên giồng cát, sau đó có nhiều người trồng theo, cả giồng cát trở thành giồng trồng toàn là nhãn nên từ đó nơi đây có tên gọi là Giồng Nhãn. Như vậy, có thể xác định: khoảng giữa thế kỷ XIX, dân cư ở đây đã trồng nhãn trên giồng cát chứ không thể nói: “khoảng giữa thế kỷ XIX… có hai giồng cát lớn được nước thủy triều đưa vào…” như đoạn văn trên miêu tả.

Về Giồng Nhãn, ban đầu chỉ có vài người trồng nhãn, sau lan dần ra, mỗi nhà đều trồng. Cả giồng đất này, mỗi hộ đều có vườn nhãn riêng, chăm sóc chu đáo nên dân gian còn gọi nơi đây là “vườn nhãn”.

Vào những tháng cuối năm, về “vườn nhãn” Vĩnh Châu ta sẽ tận hưởng mùi “hương nhãn” và thưởng thức nhãn cơm xuồng ngọt lịm thật sảng khoái của mùa xuân.

LÊ TRÚC VINH

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/soc-trang-que-toi/dia-danh-giong-nhan-vinh-chau-43787.html