Dịch bệnh truyền nhiễm nào tại TP Hồ Chí Minh đang gia tăng?

Ngày 9/10, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh đã thông tin về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm tại thành phố trong tuần 40 năm 2024. Trong đó, dịch sởi có số ca mắc tăng cao nhất.

Qua thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh từ ngày 30/9 – 6/10, Thành phố ghi nhận 141 ca sởi, tăng 60,2% so với trung bình 4 tuần trước đó. Tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tại TP Hồ Chí Minh tích lũy từ đầu dịch đến nay ghi nhận được là 1.254 ca (519 ca sởi xác định phòng xét nghiệm, 477 ca sởi nghi ngờ lâm sàng và 258 ca loại trừ sởi).

Phụ huynh đưa trẻ đi khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

Phụ huynh đưa trẻ đi khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

Các quận, huyện có số ca mắc sởi cao bao gồm thành phố Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, quận Tân Phú, Quận 12, huyện Hóc Môn, quận Tân Bình, Quận 1, Quận 4, quận Bình Thạnh, huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè, quận Phú Nhuận.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi đạt 98% theo kế hoạch. Tính đến hết ngày 7/10, tổng số mũi tiêm vaccine sởi tích lũy trên địa bàn thành phố là 213.840 mũi. Trong đó, trẻ từ 1 - 5 tuổi đã tiêm được 44.525 mũi (đạt 96,95%), trẻ từ 6 -10 tuổi là 145.776 mũi (đạt 97,99).

Hiện tại, còn 6 quận, huyện có tỷ lệ tiêm vaccine sởi chưa đạt 95% gồm: Quận Bình Tân, Quận 10, Gò Vấp, Tân Phú, Quận 3 và Cần Giờ.

Sở Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện trên cần đẩy nhanh tiến độ để đạt mục tiêu chiến dịch; đối với những quận, huyện đã đạt tỷ lệ từ 95% trở lên, cần duy trì việc cập nhật tình hình trẻ di biến động, tránh để bỏ sót trẻ chưa được tiêm chủng trên địa bàn.

Trong tuần 40 của năm 2024, TP Hồ Chí Minh cũng ghi nhận số ca mắc bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng so với 4 tuần trước đó.

Cụ thể, đối với bệnh tay chân miệng, Thành phố ghi nhận 437 trường hợp, tăng 23,4%. Tông số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến nay là 12.733 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và Quận 8.

Với dịch sốt xuất huyết, có 411 trường hợp mắc, tăng 19,3% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 40 là 8.198 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm Quận 1, thành phố Thủ Đức và Quận 7.

Để phòng bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết, người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của ngành Y tế. Các bậc phụ huynh hãy đưa con em đến cơ sở y tế tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi để tạo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ.

Để giúp trẻ tránh gặp những bệnh truyền nhiễm trên, BS.CK2 Nguyễn Thanh Hải, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 khuyến cáo phụ huynh nên tăng sức đề kháng cho trẻ bằng cách: Cho trẻ ăn uống đủ các nhóm chất dinh dưỡng; rèn luyện thói quen ngủ sớm và dậy sớm; khuyến khích vận động thay vì xem tivi hay các thiết bị di động khác.

Phụ huynh nhắc nhở trẻ nên rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; che miệng và mũi khi ho để tránh lây nhiễm cho người xung quanh. Với bệnh nhiễm đã có vaccine phòng bệnh, phụ huynh nên đưa trẻ tiêm ngừa đầy đủ. Ngoài ra, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bệnh lý, phụ huynh sớm đưa trẻ đi thăm khám và báo với giáo viên được biết, tránh lây bệnh cho các bạn khác trong lớp.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/dich-benh/dich-benh-truyen-nhiem-nao-tai-tp-ho-chi-minh-dang-gia-tang-20241009170858021.htm