Dịch COVID-19: Tạm dừng miễn thị thực đối với công dân Ý

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Milan, Ý - Ảnh: AFP/TTXVN

* Đại sứ Việt Nam: Chưa có người Việt ở Ý nhiễm COVID-19

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 23/NQ-CP về việc tạm dừng chính sách miễn thị thực đơn phương đối với công dân Ý nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh Covid-19.

Nghị quyết nêu rõ tạm dừng chính sách miễn thị thực đơn phương đối với công dân Ý, áp dụng từ 0 giờ ngày 3/3.

Trong khi đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN thường trú tại Rome về tình hình cộng đồng người Việt ở Ý trước bối cảnh dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp ở quốc gia này, đại sứ Việt Nam tại Ý Nguyễn Thị Bích Huệ cho biết: “Chưa có người Việt nào ở Ý bị nhiễm COVID-19”.

Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ cho biết cộng đồng người Việt ở Ý hiện vào khoảng 4.000-5.000 người, đa phần là mang quốc tịch nước sở tại. Trong số này có khoảng 1.000 em sinh viên và thực tập sinh, đang học tập tại nhiều thành phố ở Ý.

Tại các khu vực tâm dịch của Ý, bao gồm vùng Lombardia, Veneto, Emiglia-Romagna và một phần vùng Piemonte, hiện có khoảng 1.000-1.500 người Việt đang sinh sống và hơn 200 sinh viên Việt Nam. Theo thông tin do Đại sứ quán nhận được, đến nay vẫn chưa có trường hợp người Việt nào ở Ý bị nhiễm bệnh COVID-19.

Liên quan tới công tác bảo hộ công dân, đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ cho hay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như của Bộ Ngoại giao Việt Nam về phòng chống dịch COVID-19, Đại sứ quán Việt Nam tại Ý đã lập tổ công tác để triển khai các nhiệm vụ cụ thể hằng ngày.

Nhiều biện pháp đã được đại sứ quán thực hiện, bao gồm: lập đường dây nóng; thường xuyên cập nhật thông tin, chuyển tải các cảnh báo và các chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam, như cách ly người đến từ vùng dịch hoặc tạm dừng chính sách miễn thị thực đơn phương vào Việt Nam…

Bên cạnh đó, đại sứ quán cũng thiết lập kênh thông tin thường xuyên đối với các nhóm cộng đồng người Việt tại các vùng dịch, với cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Ý đồng thời liên hệ với các cơ quan thuộc chính quyền sở tại như Bộ ngoại giao Ý, Cơ quan Bảo hộ Dân sự, chính quyền địa phương tại các vùng tâm dịch, các lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Torino và Napoli để nắm bắt tình hình và cập nhật thông tin về những biện pháp phòng chống dịch bệnh của nước sở tại cũng như thông tin liên quan đến người Việt tại Ý.

Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ đặc biệt đánh giá cao sự hợp tác của Hội sinh viên Việt Nam tại Ý. Bà khẳng định Ban chấp hành của Hội đã làm tốt công tác cầu nối để chuyển tải những cảnh báo, hướng dẫn của Đại sứ quán tới cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Ý.

Hiện nay, về cơ bản, cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Ý vẫn giữ được tâm lý bình tĩnh, thận trọng, không hoang mang, thực hiện đúng các chỉ dẫn của Đại sứ quán và chính quyền sở tại trong việc tự bảo vệ bản thân trước dịch COVID-19.

Đại sứ cũng khuyến nghị, cộng đồng người Việt tại Ý cần giữ bình tĩnh, thực hiện nghiêm các hướng dẫn của sở tại, và khi có thông tin cần tìm hiểu thì liên hệ với đường dây nóng 1500, hoặc khi cần được trợ giúp khẩn cấp thì liên hệ với đường dây nóng 112, 118 hoặc đường dây nóng bảo hộ công dân của Đại sứ quán (+39.328.831.3251).

Còn đối với du khách Việt Nam, cần thực hiện đúng các chỉ dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như của chính quyền sở tại nơi đến.

Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan bảo vệ dân sự Ý, tính đến hết ngày 2/3, nước này đã ghi nhận 52 ca tử vong trong tổng số hơn 2.000 người mắc dịch COVID-19, trong đó chủ yếu tại vùng Lombardy, ở miền bắc Ý.

Cơ quan trên cho biết chỉ trong vòng 3 ngày, Ý đã có 18 ca tử vong, trong đó có 15 ca là những bệnh nhân cao tuổi hoặc đã có tiền sử bệnh mãn tính. Ngoài 149 bệnh nhân phục hồi được xuất viện, hiện vẫn còn 166 trường hợp đang được điều trị tích cực.

Được coi là vùng "tâm dịch" tại châu Âu, cho đến nay Ý đã tiến hành xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 cho hơn 23.300 người, chủ yếu tại vùng Lombardy, khu vực đang có tới 11 thị trấn được cách ly.

Trong khi đó, Trưởng Khoa Truyền nhiễm thuộc Viện Y tế cấp cao của Ý, ông Giovanni Rezza ngày 3/3 cho biết còn quá sớm để khẳng định tình hình lây nhiễm COVID-19 đang “chậm lại” tại nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, trả lời báo Adnkronos của Ý, ông Giovanni Rezza cho rằng cần phải theo dõi cẩn trọng tình hình, đánh giá xem dịch bệnh có lây lan sang các ổ dịch khác không, và tiếp tục duy trì các biện pháp đã được thông qua để ngăn chặn dịch lây lan.

Bệnh viện đa khoa quân sự Celio tại Rome đã nhận được các bộ gene vi rút SARS-Cov-2 được phân lập từ bệnh nhân Trung Quốc tại Viện Truyền nhiễm quốc gia Spallanzani và một trường hợp tại vùng Lombardia. Bệnh viện Celio cho rằng các bộ gene vi rút SARS-Cov-2 có ý nghĩa quan trọng, cho phép xác định toàn bộ mã thông tin di truyền của vi rút và theo dõi những thay đổi của vi rút về không gian và thời gian. Đó là những cơ sở hữu ích để nhận biết và theo dõi dịch bệnh bùng phát.

Theo thông tin mới nhất của hãng thông tấn ANSA, một phóng viên kênh truyền hình Rai đã có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2 và đang được điều trị tại Bệnh viện truyền nhiễm quốc gia Spallanzani. Phóng viên này đã tác nghiệp tác tại vùng “vàng” dịch bệnh và không được phép tới cơ quan trong 10 ngày qua. Trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, kênh truyền hình Rai cũng nâng mức cảnh báo đối với các phóng viên đang tác nghiệp tại khu vực “đỏ và vàng” của vùng dịch, miền Bắc Ý.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/235765/dich-covid-19--tam-dung-mien-thi-thuc-doi-voi-cong-dan-y.html