Dịch COVID-19: Thái Lan thông qua việc cấp hộ chiếu vắc xin

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 7/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

* Quốc gia châu Âu đầu tiên thử nghiệm chứng nhận vắc xin COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 21/4, Chính phủ Thái Lan thông báo sẽ thông qua hộ chiếu vắc xin, hay còn gọi là giấy chứng nhận tiêm chủng, để sử dụng như một giấy thông hành chính thức cho những người đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

Công báo Hoàng gia hôm 20/4 đã đăng tải mẫu định dạng hộ chiếu vắc xin cùng với lệnh của Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DCD) cho phép một số quan chức kiểm soát dịch bệnh cấp hộ chiếu vắc xin.

Cả định dạng của hộ chiếu vắc xin lẫn lệnh của DCD đều được Cục trưởng Opas Karnkawinpong phê duyệt, theo đó tên chính thức của hộ chiếu vắc xin là “Chứng nhận tiêm chủng ngừa COVID-19,” có in tên, số hộ chiếu và quốc tịch của người đã được tiêm chủng.

Chỉ những trường hợp tiêm chủng sử dụng vắc xin đã đăng ký tại Thái Lan hoặc những vắc xin được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chứng nhận, mới được cấp hộ chiếu vắc xin, đồng thời phải có chữ ký của quan chức kiểm soát dịch bệnh được ủy quyền để xác nhận hộ chiếu.

Giấy chứng nhận tiêm chủng chỉ cấp cho cá nhân, không sử dụng cho nhóm. Trẻ em dưới 7 tuổi phải có chữ ký của cha mẹ trên hộ chiếu vắc xin, trong khi những người không biết viết được yêu cầu điểm chỉ trên hộ chiếu. Hiện chỉ có 6 quan chức kiểm soát dịch bệnh được ủy quyền ký hộ chiếu vắc xin khi cấp.

Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 20/4 đã bảo vệ chương trình tiêm chủng của Chính phủ, nhấn mạnh rằng chương trình này không quá chậm và cũng không ưu ái một cách vô cớ cho nhà sản xuất nào.

Về khả năng tiếp cận vắc xin của người dân, Thủ tướng Prayut cho biết Bộ Y tế sẽ cho phép công chúng đặt lịch hẹn tiêm chủng thông qua ứng dụng trên điện thoại di động có tên là "Mor Prom'' vào ngày 1/5.

Thái Lan đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ ngày 28/2, với ưu tiên dành cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao là các chuyên gia y tế và những người tiếp xúc gần với bệnh nhân.

Chiến dịch tiêm chủng của nước này ban đầu dựa vào việc nhập khẩu vắc xin do công ty Sinovac Biotech có trụ sở tại Trung Quốc phát triển và sau đó sẽ sử dụng vắc xin AstraZeneca do công ty Siam Bioscience ký hợp đồng sản xuất trong nước để tiêm chủng cho khoảng 35 triệu người hoặc 50% dân số.

Tính đến ngày 20/4, hơn 2,1 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19, trong đó có 117.000 liều vắc xin AstraZeneca, đã đến Thái Lan. Theo Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, sẽ có thêm khoảng 500.000 liều vắc xin Sinovac đến Thái Lan vào cuối tuần này và 1 triệu liều nữa dự kiến sẽ được giao vào tháng tới nếu được Chính phủ Trung Quốc chấp thuận.

Khoảng 4-6 triệu liều vắc xin AstraZeneca do Siam Bioscience sản xuất sẽ dần được xuất xưởng từ tháng 6. Số lượng các liều vắc xin sẽ được tăng lên từ tháng Bảy và đạt 61 triệu liều vào cuối năm.

Ngoài ra, Thủ tướng Prayut còn cho biết Thái Lan đang chờ báo giá của nhà sản xuất vắc xin Pfizer có trụ sở ở Mỹ trước khi xúc tiến kế hoạch mua từ 5-10 triệu liều vắc xin Pfizer để kiềm chế làn sóng dịch bệnh.

* Theo RT, ứng dụng TousAntiCovid sẽ ra mắt vào 29/4, một năm sau khi ý tưởng này hình thành ở châu Âu. Ban đầu, ứng dụng chỉ là chương trình truy vết tiếp xúc và là hộ chiếu miễn dịch ở Pháp. Tiếp đó, ứng dụng sẽ được mở rộng để chứa cả dữ liệu về tiêm vắc xin. Thông tin liên quan được lưu trên điện thoại người dùng.

Trong đợt thử nghiệm này, người dân sẽ được đăng ký khi họ đi các chuyến bay tới Corsica và các khu vực hải ngoại của Pháp. Pháp hy vọng ứng dụng sẽ không chỉ xác nhận tình trạng xét nghiệm âm tính hay dương tính của người dùng, mà còn theo dõi tình trạng tiêm vắc xin COVID-19 của họ.

Bắt đầu từ ngày 29/4, hệ thống thử nghiệm có thể được dùng để xác nhận xem người dùng đã được tiêm vắc xin hay chưa. Hệ thống sẽ là một phần trong hệ thống toàn châu Âu.

Ủy viên Tư pháp châu Âu Didier Reynders coi hệ thống là chứng nhận xanh kỹ thuật số và cho biết ứng dụng sẽ hoạt động đầy đủ vào ngày 21/6. Ông cho rằng cần triển khai ứng dụng càng sớm càng tốt khi mà nền kinh tế ở khu vực điểm nóng du lịch miền nam gần như đóng băng do đại dịch.

Người dùng sẽ nhận được tin nhắn sau khi xét nghiệm COVID-19 hoặc sau khi tiêm vắc xin và có thể in hoặc lưu trong ứng dụng để dễ dàng trình ra khi bay vào khu vực nào đó. Thông tin này có thể được kiểm tra chéo với cơ sở dữ liệu quốc gia.

Các quan chức Pháp cố ý tránh gọi ứng dụng là “hộ chiếu vắc xin” vì sợ sẽ phân biệt đối xử với người chưa tiêm vắc xin.

TousAntiCovid tương tự hộ chiếu vắc xin Excelsior Pass đang thí điểm ở New York đầu tháng này. Tuy nhiên, Mỹ đã có một vài bang đề xuất cấm chứng nhận tiêm chủng điện tử hoặc cấm luôn bằng sắc lệnh hành pháp, khiến khó thực hiện trên quy mô toàn quốc.

Trước đó, Pháp đã sử dụng TousAntiCovid để kiểm soát ra vào các quán bar, nhà hàng. Đan Mạch cũng đang xây dựng hệ thống tương tự và hy vọng triển khai vào mùa hè tới cho dù hàng nghìn người biểu tình phản đối.

Hộ chiếu vắc xin đang gây chia rẽ sâu sắc khắp châu Âu khi một nửa dân số châu lục này cho rằng đây là biện pháp để mở cửa trở lại xã hội an toàn, còn nửa kia phản đối kịch liệt.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Báo Tin tức)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/254758/dich-covid-19--thai-lan-thong-qua-viec-cap-ho-chieu-vac-xin.html