Dịch COVID-19: WHO cảnh báo vắcxin bị 'thổi giá' hoặc kém chất lượng

Nhân viên y tế tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cho người dân tại TP Kiryat Shemona, Israel ngày 6/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về việc các nước mua vắcxin ngừa COVID-19 với mức giá đắt do mua qua trung gian, đồng thời khuyến cáo rằng các nước chỉ nên mua các loại vắcxin được WHO chứng thực và có nguồn gốc rõ ràng.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Trợ lý Tổng giám đốc WHO Mariangela Batista Galvao Simao nêu rõ: “Chúng tôi đã nhận được những quan ngại về các loại vắcxin do các bên trung gian bán với giá cao hơn nhiều so với giá thực tế của nhà sản xuất”.

Bà Simao cho rằng các nước nên mua trực tiếp từ nhà sản xuất hoặc liên hệ với nhà sản xuất để đảm bảo bên trung gian là hợp pháp, trong bối cảnh có nhiều sản phẩm ngừa COVID-19 giả hoặc không đạt chuẩn đang được chào bán.

WHO khuyến nghị các nước sử dụng những vắcxin ngừa COVID-19 đã được tổ chức này phê duyệt sử dụng khẩn cấp. Đến nay, những loại vắcxin đã được WHO đưa vào danh sách này gồm vắcxin do các hãng Sinopharm và Sinovac, AstraZeneca/Oxford, Pfizer/BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson sản xuất.

Vấn đề vai trò của các nhà trung gian trong mua bán vắcxin được nêu ra gần đây sau khi một nhà trung gian tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) bị bắt quả tang bán vắcxin Sputnik ngừa COVID-19 của Nga cho Ghana và Pakistan với giá cao gấp đôi giá gốc.

Trong khi đó, ngày 7/6, ông Bruce Aylward – Cố vấn cấp cao thuộc WHO)cho biết tổ chức này đang đàm phán với các nước trong Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, về vấn đề quyên góp tài chính và vắcxin phòng COVID-19 cho chương trình chia sẻ COVAX.

Theo ông Aylward, WHO mong muốn Mỹ, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Anh, Canada và Nhật Bản đóng góp vắcxin ngừa COVID-19. Ông cũng cho rằng đề xuất nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vắcxin mà EU gửi tới Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hôm 4/6 vừa qua không đủ thuyết phục, đồng thời khẳng định việc loại bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắcxin COVID-19 “sẽ mang lại thêm giá trị”.

Ông Aylward là Cố vấn cấp cao của Tổng Giám đốc WHO, đồng thời là điều phối viên của ACT-Accelerator - chương trình hợp tác toàn cầu nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển và phân phối công bằng vắcxin.

Trong diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc khả năng cấp giấy chứng nhận cho những người đã tiêm vắcxin phòng dịch COVID-19 từ mùa hè 2021, với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho các công dân nước này khi đi ra nước ngoài.

Để chuẩn bị cho việc cấp “hộ chiếu vắcxin”, Chính phủ Nhật Bản đã lập nhóm công tác bao gồm các quan chức của các bộ ngoại giao và y tế. Dưới sự chủ trì của Chánh Văn phòng Nội các Katsunobu Kato, hiện nay, nhóm công tác đang cân nhắc những nội dung đưa vào giấy chứng nhận này như thời gian tiêm phòng và vắcxin do hãng nào sản xuất.

Trong thời gian đầu, “hộ chiếu vắcxin” có thể sẽ được cấp dưới dạng giấy tờ. Tuy nhiên, trong tương lai, chứng nhận này có thể được cấp dưới dạng ứng dụng trên điện thoại di động.

Theo hãng tin Jiji Press, nếu chính phủ quyết định cấp giấy chứng nhận tiêm phòng, Nhật Bản sẽ đàm phán với các nước khác về việc liệu các công dân nước này có giấy chứng nhận tiêm phòng có được miễn trừ cách ly sau khi nhập cảnh hay không và biện pháp của Nhật Bản với các du khách có các giấy chứng nhận tương tự.

Trong diễn biến liên quan, dù Nhật Bản bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng cho người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) từ ngày 12/4 nhưng cho tới ngày 6/6, mới có 7.747.259 người, chiếm 21,8% trong tổng số người cao tuổi ở nước này, được tiêm ít nhất 1 mũi vắcxin phòng COVID-19. Trong số này, số người cao tuổi được tiêm đủ 2 mũi là 852.845, chiếm 2,4%.

Tính theo địa phương, tỉnh Wakayama có tỉ lệ người cao tuổi được tiêm vắcxin cao nhất, với 35,8% được tiêm ít nhất 1 mũi. Các tỉnh Okayama và Saga đứng ở vị trí thứ 2 với tỉ lệ 34,5%. Tỉ lệ này ở Tokyo, Osaka và Aichi tương ứng là 24,8%, 19,2% và 26,1%.

Trong những ngày gần đây, tình hình dịch COVID-19 ở Nhật Bản đang có dấu hiệu lắng dịu. Ngày 7/6, Nhật Bản ghi nhận thêm 1.275 ca nhiễm mới và 75 ca tử vong vì dịch COVID-19. Số bệnh nhân COVID-19 nguy kịch cũng giảm 11 người so với ngày trước đó xuống còn 1.120.

Đáng chú ý, số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo cũng giảm mạnh, còn 235 ca, thấp hơn mức bình quân 422,9 ca/ngày trong tuần trước đó.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/256603/dich-covid-19--who-canh-bao-vacxin-bi-thoi-gia-hoac-kem-chat-luong.html