Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, Hà Tĩnh tiếp tục nỗ lực ngăn chặn
Đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã xẩy ra tại 11 huyện, thành phố, thị xã của Hà Tĩnh. Tổng số lợn mắc bệnh, chết, buộc phải tiêu hủy là 8.253 con, trọng lượng 442 tấn.
Đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã xẩy ra tại 11 huyện, thành phố, thị xã (hiện huyện Vũ Quang và Nghi Xuân chưa có dịch). Tổng số lợn mắc bệnh, chết, buộc phải tiêu hủy là 8.253 con, trọng lượng 442 tấn.
Do tình hình dịch kéo dài nên lực lượng huy động chống dịch ở các cấp rất vất vả; khó huy động thêm người, nhất là tại các địa phương có số lượng lợn tiêu hủy lớn như Cẩm Xuyên, Can Lộc, Thạch Hà.
Đặc biệt, sau thời gian mưa lũ đã gây ngập úng nhiều nơi nên việc tiêu hủy lợn chết gặp nhiều khó khăn, công tác tiêu độc khử trùng cũng không thể thực hiện triệt để. Hiện dịch bệnh tại 4 huyện Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Đức Thọ đang diễn biến hết sức phức tạp.
Trước tình hình này, phần lớn các chốt kiểm soát dịch được lập và duy trì tốt ở thời gian mới thành lập, thời gian về sau số người, thời gian trực và hoạt động phun khử trùng tiêu độc không đảm bảo yêu cầu...
Dự báo, thời gian tới, dịch bệnh sẽ tiếp tục phát sinh, lây lan tại các địa phương chưa có dịch, tái phát các ổ dịch cũ, nguy cơ xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi và ngân sách trong thời gian tới là rất cao.
Về sản xuất nông nghiệp, do ảnh hưởng của mưa lũ nên nhiều diện tích lúa hè thu, bưởi vào kỳ thu hoạch bị ngập úng, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.
Ngành chuyên môn cùng địa phương đã tổ chức 23 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây bưởi. Sau mưa lũ, các địa phương đã tập trung sản xuất vụ đông, diện tích sản xuất ngô lấy hạt 430/3.784 ha, đạt 11,36% kế hoạch.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT nhận mạnh: Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, khó lường, các địa phương tiếp tục nỗ lực ngăn chặn. Theo đó, cần phải khắc phục những khó khăn, tồn tại trong việc quản lý giám sát dịch bệnh. Thời điểm này, khuyến cáo người chăn nuôi không tăng đàn, tái đàn tại các vùng dịch và khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn; vận động các cơ sở chăn nuôi lớn giảm đàn tối đa, không nhập lợn từ các tỉnh khác về để chăn nuôi, giết mổ, tránh thiệt hại.
Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, xử lý, tiêu hủy lợn bệnh kịp thời, đảm bảo môi trường nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan rộng; tăng cường công tác quản lý đối với các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ. Khẩn trương tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm định kỳ đợt 2 năm 2019 theo Kế hoạch, đảm bảo tỷ lệ, chất lượng.
Sản xuất nông nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn, bởi vậy, các địa phương phải chỉ đạo quyết liệt và linh hoạt để khôi phục và phát triển sản xuất. Đặc biệt, chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh đối với các loại cây trồng vụ đông và cây ăn quả trong thời gian tới.
Hữu Trung