Dịch vụ thuế điện tử đã giúp doanh nghiệp, người dân tiết kiệm chi phí, thời gian

Tại Diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2024, với chủ đề 'Cải cách Thuế - Hải quan vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp', ông Vũ Lê Huy - Phó Cục trưởng Cục công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) cho biết, việc triển khai dịch vụ thuế điện tử đã giúp doanh nghiệp, người dân tiết kiệm chi phí, thời gian trong thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, góp phần minh bạch trong công tác quản lý thuế.

Doanh nghiệp, người dân, xã hội ghi nhận và đánh giá cao

Chia sẻ về “Giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành Thuế” tại diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2024, ông Vũ Lê Huy - Phó Cục trưởng Cục công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) cho biết, ngành Thuế là một trong các cơ quan nhà nước đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu công tác quản lý thuế với dịch vụ thuế điện tử đầu tiên (khai thuế điện tử) được triển khai từ năm 2009. Đây là dịch vụ thuế điện tử được cung cấp miễn phí cho doanh nghiệp tại Việt Nam có áp dụng công nghệ xác thực bằng chữ ký số.

Việc triển khai dịch vụ thuế điện tử đã giúp doanh nghiệp, người dân tiết kiệm chi phí, thời gian trong thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, góp phần minh bạch trong công tác quản lý thuế.

Ông Vũ Lê Huy - Phó Cục trưởng Cục công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Đức Minh

Ông Vũ Lê Huy - Phó Cục trưởng Cục công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Đức Minh

Đến nay, sau hơn 15 năm triển khai, đã có hơn 100 triệu hồ sơ khai thuế điện tử, hơn 50 triệu giao dịch nộp thuế điện tử của doanh nghiệp đã được gửi đến cơ quan thuế.

Ông Vũ Lê Huy cho biết, trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính về việc cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số ngành Thuế và phát triển Chính phủ điện tử, Tổng cục Thuế tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, nội dung trọng tâm, quan trọng đạt kết quả tốt được Chính phủ, xã hội, doanh nghiệp và người dân ghi nhận.

Cụ thể, từ tháng 7/2022, toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sử dụng hóa đơn chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo quy định của Luật Quản lý thuế. Ngành Thuế đã xây dựng hệ thống CNTT hiện đại, áp dụng công nghệ 4.0 để đáp ứng việc tiếp nhận, lưu trữ, xử lý, khai thác toàn bộ dữ liệu hóa đơn đã được sử dụng.

Qua Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của Tổng cục Thuế, người bán, người mua có thể tra cứu được toàn bộ hóa đơn mua vào bán ra của mình phục vụ kiểm soát trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đến nay, hệ thống HĐĐT của Tổng cục Thuế đã tiếp nhận và xử lý hơn 9,9 tỷ hóa đơn.

Việc triển khai Cổng TTĐT dành cho Nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) đã hỗ trợ NCCNN thực hiện việc đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp từ bất cứ đâu trên thế giới. Kết quả đến nay, đã có 110 NCCNN thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng TTĐT đến từ nhiều quốc gia như: Hoa Kỳ; Singapore; Ireland; Anh… Tổng số thuế các NCCNN đã nộp trong năm 2024 là 6.234 tỷ VNĐ.

Triển khai Cổng tiếp nhận thông tin thương mại điện tử (TMĐT) tiếp nhận thông tin của doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên các sàn TMĐT đáp ứng quy định tại Nghị định 91/NĐ-CP ngày 30/10/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế và Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 30/05/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, đã có 407 sàn TMĐT gửi thông tin đến cơ quan thuế.

Triển khai mở rộng dịch vụ thuế điện tử dành cho cá nhân trên thiết bị di động thông minh (eTax Mobile) có kết nối xác thực định danh với Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư theo Đề án 06 của Chính phủ. NNT có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để đăng nhập vào các dịch vụ thuế điện tử. Kết quả đến nay, đã có hơn 8,4 triệu lượt truy cập vào Hệ thống dịch vụ thuế điện tử bằng tài khoản định danh điện tử (VNeID).

Tiếp tục cung cấp các giải pháp, dịch vụ thuế số phục vụ người nộp thuế

Theo ông Vũ Lê Huy, thời gian qua, chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước nói chung và trong ngành Thuế nói riêng là quá trình chuyển đổi các hoạt động và dịch vụ từ hình thức truyền thống sang hình thức điện tử, số hóa,… Mục tiêu của chuyển đổi số là tăng cường hiệu quả, giảm thiểu thủ tục hành chính, nhanh chóng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Quá trình chuyển đổi số tại cơ quan thuế đã mang lại nhiều lợi ích như nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian, chi phí, cải thiện sự minh bạch và hiệu quả của quy trình quản lý thuế.

Các diễn giả trao đổi, thảo luận tại diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2024. Ảnh: Đức Minh

Các diễn giả trao đổi, thảo luận tại diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2024. Ảnh: Đức Minh

Ngày 23/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 tại Quyết định số 508/QĐ-TTg. Trong đó, mục tiêu đặt ra đối với ngành Thuế đến năm 2030 là “Xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp theo phương pháp quản lý rủi ro, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp; đồng thời trọng tâm của công tác quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử và ba trụ cột cơ bản: thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số”.

Đại diện Cục Công nghệ thông tin - Tổng cục Thuế cho rằng, định hướng của Chính phủ đã đặt ra cơ hội mới và các thách thức đối với ngành Thuế và đặc biệt trong lĩnh vực CNTT. Yêu cầu này đòi hỏi sự thay đổi tổng thể và toàn diện về cách thức làm việc, đưa toàn bộ hoạt động của cơ quan thuế lên môi trường số, đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu gồm: Phát triển hạ tầng số; phát triển các nền tảng số; phát triển dữ liệu số; đưa các hoạt động mới của cơ quan thuế lên môi trường số như làm việc từ xa, giám sát, kiểm tra thanh tra trên môi trường số; ra quyết định dựa trên dữ liệu; phát triển trợ lý ảo, tích hợp chung các nền tảng số quốc gia, ưu tiên triển khai công nghệ đám mây,…

Ông Vũ Lê Huy cho biết, để có thể hoàn thành những mục tiêu trên, trong thời gian tới, ngành Thuế tập trung vào những giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số gồm: Một là, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin tích hợp, tập trung, đáp ứng yêu cầu xử lý, cung cấp thông tin cho quản lý thuế và chỉ đạo điều hành của cơ quan thuế, cung cấp dịch vụ điện tử cho người nộp thuế; Hai là, tăng cường nguồn nhân lực cho chuyển đổi số; Ba là, tăng cường bố trí kinh phí cho chuyển đổi số; Bốn là tranh thủ sự chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành triển khai đồng bộ, xuyên suốt của cơ quan thuế các cấp từ trung ương đến địa phương trong việc đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số ngành Thuế.

Trên cơ sở định hướng của Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành Thuế đặt mục tiêu phát triển hệ thống CNTT tích hợp, tập trung, đảm bảo lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, công khai minh bạch, hiệu quả, tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động, cũng như đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả của quản lý nhà nước.

Cùng với đó, ngành Thuế tiếp tục nỗ lực cung cấp các dịch vụ thuế số và các dữ liệu điện tử để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam về mức độ đơn giản, thuận lợi về thuế. Xây dựng các nền tảng tích hợp, nền tảng dữ liệu lớn để cung cấp thông tin đầy đủ cho việc chỉ đạo điều hành, kết nối trao đổi thông tin liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước, hỗ trợ công tác quản lý thuế, quản lý rủi ro thuế và hoạch định chính sách.

Tiếp tục phát triển hạ tầng kỹ thuật CNTT, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, đảm bảo vận hành liên tục, hiệu quả, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu. Hệ thống CNTT được phát triển theo định hướng Chính phủ điện tử và Chính phủ số./.

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dich-vu-thue-dien-tu-da-giup-doanh-nghiep-nguoi-dan-tiet-kiem-chi-phi-thoi-gian-161870.html