Thực hiện Quy hoạch điện 8: Kỳ vọng đột phá từ Luật Điện lực (sửa đổi)

Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII) đặt ra mục tiêu đồ sộ về nguồn và lưới điện trong khi thời gian không còn nhiều, nguồn vốn cần huy động rất lớn. Việc hiện thực hóa mục tiêu đề ra trong Quy hoạch điện VIII đòi hỏi phải có những giải pháp đột phá. Luật Điện lực (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội đột phá đó. Nhằm góp ý hoàn thiện Luật Điện lực (sửa đổi) đáp ứng kỳ vọng trên, sáng 16/10 Truyền hình Quốc hội Việt Nam phối hợp cùng Bộ Công Thương đã tổ chức Tọa đàm 'Góp ý hoàn thiện Luật Điện lực (sửa đổi) vì mục tiêu phát triển bền vững'.

Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến góp ý xây dựng Luật của các đại biểu Quốc hội, nhà quản lý, các chuyên gia và các nhà chuyên môn. Dự báo giai đoạn từ nay đến 2030 nhu cầu điện sẽ tăng gấp đôi hiện nay. Trong đó các nguồn điện mới cần đầu tư và đưa vào vận hành gồm: 3.370 MW điện than; 8.874 MW thủy điện; 30.160 MW điện khí và LNG; 21.000 MW điện gió (trong đó có 6000 MW điện gió ngoài khơi); 4.000MW điện mặt trời…Tuy nhiên có rất nhiều thách thức để đưa các nguồn điện mới vào đúng tiến độ khi trong 6 năm tới phải thực hiện khối lượng đầu tư tương đương 50 năm trở lại đây. Bên cạnh đó là thách thức về nguồn vốn đầu tư lên tới hơn 130 tỷ USD, trung bình 13 tỷ đô la mỗi năm.Đã có nhiều quan ngại về khả năng thiếu điện nếu không sớm có các giải pháp hiệu quả, mà cụ thể ở đây là việc thông qua Luật điện lực sửa đổi. Ước tính trên cơ sở dữ liệu Quy hoạch Điện VIII, cứ thiếu 1 tỷ kWh điện sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế sẽ khoảng 25.000 - 27.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD).

Năng lượng tái tạo theo quy hoạch sẽ trở thành nguồn điện chính trong giai đoạn phát triển tới đây. Vì vậy,một trong những điểm đột phá của Dự thảo Luật Điện lực lần này là có một chương mới quy định về năng lượng tái tạo trong đó có một mục riêng về điện gió ngoài khơi. Nhiều đại biểu góp ý nhằm tạo bước đột phá trong phát triển các loại hình năng lượng mới.

Trước tính cấp bách cần có các giải pháp về cơ chế, chính sách tạo đột phá trong hoạt động đầu tư vào ngành điện, Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) được Chính phủ đề nghị Quốc hội thông qua theo quy trình 1 kỳ họp.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đại biểu nhìn nhận về tính cấp bách của việc thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) theo quy trình 1 kỳ họp. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào chất lượng và những điểm đột phá của bản Dự thảo trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/thuc-hien-quy-hoach-dien-8-ky-vong-dot-pha-tu-luat-dien-luc-sua-doi-239825.htm