Điểm báo 13/6: Ma trận thiết bị tiết kiệm điện
Khắc phục tình trạng thiếu điện: cần giải pháp đồng bộ; Ma trận thiết bị tiết kiệm điện; Xuất khẩu từ nay đến cuối năm ra sao?;... là những tin đáng chú ý trên mặt báo sáng ngày 13/6.
KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG THIẾU ĐIỆN: CẦN GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ
Miền Bắc đang thiếu điện từng giờ. Nắng nóng kéo dài cộng với tình trạng cắt điện luân phiên tại các địa phương trên cả nước khiến người dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh… gặp nhiều khó khăn. Theo báo Nhân dân, muốn khắc phục tình trạng này cần phải có giải pháp đồng bộ. + Theo báo Nhân dân, hiện nguồn thủy điện đã khai thác tới 80% công suất và gần như không còn dư địa phát triển. Bên cạnh thủy điện, thời gian qua, nguồn cung cho nhiệt điện cũng bị phụ thuộc. Nguồn cung than trong nước cung cấp cho nhiệt điện mới chỉ đáp ứng được khoảng hơn 40%, còn lại phải nhập khẩu, như than, xăng dầu…Song nguồn cung này cũng bị gián đoạn do ảnh hưởng từ khủng khoảng năng lượng toàn cầu. Lúc này, rất cần tính toán cải tổ hệ thống điện Việt Nam để không gặp cảnh tương tự trong tương lai.
MA TRẬN THIẾT BỊ TIẾT KIỆM ĐIỆN
Những ngày qua, nắng nóng tiếp tục tăng nhiệt tại nhiều tỉnh, thành khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Đây cũng là thời điểm trên các trang thương mại điện tử xuất hiện rao bán thiết bị “tiết kiệm điện”. Trong khi đó có nhiều quảng cáo không đúng sự thật.
Chỉ lướt qua cũng có đến vài chục sản phẩm, mỗi sản phẩm có giá từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng/chiếc, khiến người tiêu dùng như lạc vào “ma trận”. Theo báo Đại đoàn kết, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, nắng nóng gay gắt, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, trong khi nguồn cung ứng điện hạn chế, cơ quan quản lý nhà nước kêu gọi doanh nghiệp, người dân tăng cường tiết kiệm điện. Lợi dụng điều này, một số trang thương mại điện tử xuất hiện nhiều thông tin rao bán tràn lan các thiết bị tiết kiệm điện chưa qua thẩm định, có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
XUẤT KHẨU TỪ NAY ĐẾN CUỐI NĂM RA SAO?
Dù kết quả xuất khẩu tháng 5 đã khả quan hơn nhưng hiện vẫn có những dự báo ngược chiều về diễn biến xuất khẩu trong những tháng tới. Bên cạnh kỳ vọng phục hồi, có ý kiến cho rằng xuất khẩu có thể tiếp tục sụt giảm. "Xuất khẩu từ nay đến cuối năm ra sao?" Đây là tiêu để bài viết trên báo Đại biểu Nhân dân.
Xuất nhập khẩu 5 tháng vẫn tiếp đà giảm sâu tới 14,7% so với cùng kỳ năm trước và sụt giảm ở cả 2 chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Theo Báo Đại biểu Nhân dân, nhiều nghiên cứu cho thấy, xuất khẩu sụt giảm có thể sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm nay. Lý do là nhu cầu từ Mỹ và EU có thể sẽ vẫn yếu do tăng trưởng chậm và hàng tồn kho của các nhà bán lẻ vẫn tăng cao. Một số tổ chức quốc tế tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 của Việt Nam xuống âm 4,1%. Trong khi đó theo đại diện Bộ Công thương, hiện lạm phát đã giảm ở một số thị trường có thể giúp hoạt động xuất khẩu phục hồi dần trong 6 tháng cuối năm.
TÍN DỤNG TĂNG CHẬM VÀ “THẾ KHÓ” CỦA NGÂN HÀNG NỬA CUỐI NĂM
5 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng chỉ đạt khoảng 3%. Trong khi đó mục tiêu đề ra là 14% -15% trong năm nay. Đây sẽ là bài toán khó cho các ngân hàng trong việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong năm 2023. Bài viết trên Thời báo Tài chính Việt Nam.
Gần nửa thời gian của năm 2023 đã trôi qua, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng thực tế mới chỉ đi được hơn 1/5 quãng đường so với mục tiêu đề ra. Theo thời báo Tài chính Việt Nam, Hiện nợ xấu của các ngân hàng đang gia tăng so với trước, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trên 2%, một số ngân hàng nợ xấu tăng đột biến 4%. Nợ xấu là một trong những yếu tố khiến cho các ngân hàng sẽ buộc phải thận trọng trong từng quyết định cho vay. Bởi lẽ, việc cho vay ra nếu trở thành nợ xấu thì sẽ còn tệ hơn là không cho vay được. Điều này sẽ là một bài toán khó cho các ngân hàng trong việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại của năm 2023.
Thực hiện : Truyền hình Quốc hội Việt Nam
Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/diem-bao-136-ma-tran-thiet-bi-tiet-kiem-dien