Điểm đến an toàn, hấp dẫn với các nhà đầu tư

5 năm qua, Hà Nội ngày càng khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực thu hút đầu tư, với hơn 25,5 tỷ USD vốn FDI và hơn 800 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Nguồn lực to lớn này đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo Thủ đô, là động lực cho tăng trưởng và phát triển.

5 năm qua, Hà Nội ngày càng khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực thu hút đầu tư, với hơn 25,5 tỷ USD vốn FDI và hơn 800 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Nguồn lực to lớn này đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo Thủ đô, là động lực cho tăng trưởng và phát triển.

Sau hơn nửa năm khởi công, dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới với quy mô lớn nhất khu vực Đông - Nam Á của Tổ hợp Samsung Việt Nam đang dần hình thành tại khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội). Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 220 triệu USD, dự kiến hoàn thiện vào cuối năm 2022. Với hệ thống cơ sở vật chất và trang, thiết bị hiện đại, trung tâm này sẽ tạo việc làm cho gần 3.000 lao động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối, dữ liệu lớn, mạng 5G… Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho biết, Hà Nội là nơi tập trung các viện nghiên cứu, các trường đại học với nguồn nhân lực nghiên cứu chất lượng cao. Với nền tảng thuận lợi này, Samsung đã quyết định xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hiện đại tại đây. Qua đó, mong muốn nâng cao năng lực nghiên cứu của các kỹ sư Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực phát triển sản phẩm, mà còn ở các lĩnh vực nghiên cứu đang là xu hướng phát triển của thế giới, tạo tiền đề để Việt Nam có thể đi trước đón đầu những xu hướng của cách mạng công nghiệp 4.0.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Samsung chỉ là một trong hàng nghìn dự án lớn, nhỏ mà Hà Nội thu hút được trong giai đoạn 2016 - 2020. Mới đây, nhiều dự án lớn khác đã được thành phố cấp giấy phép đầu tư, như: Nidec Chaun Choung Việt Nam (174,5 triệu USD); Công trình văn phòng 29 phố Liễu Giai (Twin Peaks) tăng vốn 246 triệu USD; Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây tăng vốn 774 triệu USD; Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa của chủ đầu tư Charmvit (Hàn Quốc) tổng vốn đăng ký 420 triệu USD…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đã thu hút mới hơn 25,5 tỷ USD vốn đầu tư FDI và hơn 800 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Riêng các doanh nghiệp FDI đã đóng góp thu ngân sách 3,416 tỷ USD; cung ứng việc làm cho hơn 310.370 lao động (chiếm 11% số lao động trong các doanh nghiệp). Năm 2018 và 2019, Hà Nội liên tiếp đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong giai đoạn 2016 - 2019 đã tăng cả về số lượng và vốn đăng ký, với 99.503 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 24% so với tổng số doanh nghiệp đăng ký giai đoạn 2011 - 2015) với số vốn đăng ký là 1.225 nghìn tỷ đồng (tăng 118% so với tổng số vốn đăng ký trong 5 năm trước).

Từ đầu năm 2020 đến nay, Hà Nội đã, đang tiếp tục khẳng định là điểm đến an toàn, hấp dẫn với các nhà đầu tư. Thành phố đã thu hút được 3,28 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và 142 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Hầu hết dự án đều có hàm lượng công nghệ cao, cách quản trị hiện đại, tác động lan tỏa về công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu... Có được kết quả trên là nhờ thời gian qua, thành phố đã chỉ đạo toàn diện, thực hiện đồng bộ giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nỗ lực ấy được minh chứng qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội trong hai năm liên tiếp (2018 và 2019) duy trì vị trí thứ chín trong số 63 tỉnh, thành phố; chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) ba năm liên tiếp (2017, 2018 và 2019) duy trì vị trí thứ hai trong 63 tỉnh, thành phố… Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu thu hút từ 30 tỷ đến 40 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; vốn giải ngân đạt từ 20 đến 30 tỷ USD; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường tăng 50% so với năm 2018; tỷ lệ nội địa hóa tăng lên hơn 30% vào năm 2025…

Để thực hiện mục tiêu này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thành phố sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh như thường xuyên đối thoại, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm cơ hội phát triển; xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp trong triển khai các thủ tục; hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp và hạ tầng giao thông… Hà Nội sẽ tiếp tục thu hút đầu tư từ các thị trường trọng điểm, các nhà đầu tư là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên các lĩnh vực phát triển hiện đại, có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến... Thành phố cũng xây dựng danh mục dự án đầu tư, nhà đầu tư tiềm năng nhằm kêu gọi và hỗ trợ thủ tục đầu tư tại thành phố; tích cực thúc đẩy triển khai hiện thực hóa các MOU tại các hội nghị xúc tiến đầu tư đã được lãnh đạo thành phố ký kết…

Tuy nhiên, công tác thu hút đầu tư ở Hà Nội vẫn chưa tạo ra cú huých để mang đến bước đột phá; chưa có nhiều sản phẩm chủ lực, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh; chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư có tính chất dẫn dắt… Do đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thành phố sẽ kiên trì thực hiện phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”. Trên tinh thần này, các cấp, ngành thành phố tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh một cách quyết liệt, hiệu quả hơn nữa. Từ nguồn lực to lớn này, thành phố sẽ có điều kiện để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.

NGUYÊN TRANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/diem-den-an-toan-hap-dan-voi-cac-nha-dau-tu-619259/