Điểm sáng xuất siêu
Xuất khẩu và xuất siêu của Việt Nam đều tăng cho thấy năng lực một số ngành chủ lực duy trì khá tốt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7-2020 ước tính đạt 23 tỉ USD - tăng 1,9% so với tháng trước. Đáng nói, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng này tăng 0,3%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 10,6%, bù đắp lại phần sụt giảm mạnh mẽ của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
7 tháng xuất siêu 6,5 tỉ USD
Ước tính, tháng 7-2020, Việt Nam xuất siêu 1 tỉ USD. Lũy kế 7 tháng đầu năm, cả nước xuất siêu 6,5 tỉ USD - cao hơn nhiều so với con số xuất siêu 1,98 tỉ USD của 7 tháng năm 2019.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, điểm sáng này có được bởi nhiều nhóm hàng vẫn duy trì ổn định sản xuất và xuất khẩu hoặc nhanh chóng lấy đà phục hồi, nhất là nhóm hàng công nghiệp chế biến - chế tạo và một số sản phẩm thuộc nhóm nông - lâm - thủy sản.
Ở chiều nhập khẩu, do chỉ ưu tiên nhập nhóm cần thiết như nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước và giảm nhập nhóm hàng không cần thiết nên tổng lượng nhập không lớn. Điều này góp phần giúp cán cân thương mại của Việt Nam nghiêng về chiều xuất đi.
Chẳng hạn, việc giảm nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật, theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), là xu hướng tất yếu trong canh tác. Ông Nguyên cho biết trước đây, thương lái xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc phần nhiều qua đường tiểu ngạch, không bị kiểm soát về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên nông dân lạm dụng thuốc để sản phẩm có mẫu mã đẹp. Nay, họ hướng nhập khẩu nông sản theo đường chính ngạch, có kiểm soát dịch hại, an toàn thực phẩm nên hàng có dư lượng thuốc vượt quy định không còn xuất khẩu được nữa. Đây lại là thị trường chính của rau quả xuất khẩu Việt Nam nên tác động lớn đến sản xuất của nông dân. Với mặt hàng rau quả, từ đầu năm đến nay, nhập khẩu giảm mạnh, nhất là từ 2 thị trường chủ lực là Thái Lan (hơn 90%) và Trung Quốc (35%).
Như vậy, diễn biến giảm nhập khẩu hàng hóa và thay thế bằng sản phẩm nội địa đã góp phần tác động tích cực đến cán cân thương mại của Việt Nam.
Hào hứng xuất khẩu
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trong nước diễn biến phức tạp và trên thế giới chưa kiểm soát được, doanh nghiệp (DN) một số lĩnh vực có thế mạnh đã nhanh tay chuyển đổi sản xuất, nắm giữ được các thị trường tiềm năng.
Với mặt hàng gạo, 7 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu gần 4 triệu tấn, mang về 2 tỉ USD. Tuy xuất khẩu gạo giảm khoảng 1,5% về số lượng nhưng tăng đến 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long), ngành gạo Việt Nam đã có bước tiến dài khi DN xuất khẩu được "cởi trói" theo Nghị định 107/2018 về kinh doanh - xuất khẩu gạo. Theo đó, các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung, DN tư nhân xuất khẩu theo dạng thương mại thông thường mà không bị Chính phủ dẫn dắt như trước nên họ chủ động xây dựng thương hiệu tại thị trường nhập khẩu.
"Khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam tốt hơn nhờ các giống mới, năng lực chế biến cải thiện và bán hàng theo nhu cầu thị trường. Giá xuất khẩu gạo thông dụng bình quân của Việt Nam mới cao hơn Thái Lan trong tháng 8 này nhưng 2 năm trở lại đây, một số DN gạo tư nhân đã bán được gạo cùng phân khúc với giá cao hơn các nước bạn bởi chất lượng gạo Việt tốt hơn, được nước nhập khẩu công nhận" - ông Thành nêu thực tế.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), cũng hào hứng cho biết dù những tháng đầu quý II/2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bị ảnh hưởng nhưng đến tháng 6 và 7, ngành này lội ngược dòng ngoạn mục. Xuất khẩu ngành này trong tháng 6 đạt 946,9 triệu USD - tăng 15,6% so với tháng cùng kỳ; tháng 7 tăng đến 29,8% với trị giá xuất khẩu 769 triệu USD.
"Một trong những nguyên nhân khiến ngành gỗ phục hồi xuất khẩu nhanh là bởi dù dịch bệnh, DN vẫn không bị đóng cửa hay gián đoạn sản xuất. Hơn nữa, thị trường đồ gỗ thế giới tuy sụt giảm nhu cầu nhưng tiêu thụ vẫn khá tốt so với các ngành khác, nhất là nhóm sản phẩm đồ gỗ sử dụng trong gia đình và đồ nội thất. Ngoài ra, thương mại điện tử phát triển cũng giúp duy trì kết nối với khách hàng, giữ được nhịp xuất khẩu" - ông Phương lý giải.
Diễn biến theo chiều hướng có lợi trên thị trường thế giới cũng mang lại cơ hội cho DN ngành gỗ Việt Nam. Trong đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến đồ gỗ Trung Quốc khó vào Mỹ hơn, đồng nghĩa Việt Nam có khả năng tận dụng cơ hội này nếu đáp ứng được yêu cầu. Cùng với đó, tình hình dịch bệnh khiến sản xuất gỗ tại những thị trường lớn như Trung Quốc, châu Âu, Ý… bị gián đoạn, Việt Nam có cơ hội lấp vào chỗ trống của các thị trường khác.
"Những tháng cuối năm là mùa tiêu thụ đồ gỗ lớn nhất. Nếu các khu vực sản xuất đồ gỗ lớn như Bình Dương, Long An… không bị dịch bệnh dẫn đến ngưng trệ sản xuất thì tăng trưởng xuất khẩu của ngành vẫn sẽ đạt 6%-7% trong năm nay" - ông Phương nhận định.
Ở ngành thủy sản, ghi nhận triển vọng xuất khẩu tôm từ các DN trong những tháng gần đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ năm 2020 sẽ tăng khoảng 20% so với năm 2019 nhờ lợi thế về thuế chống bán phá giá thấp (0%). Trong khi đó, sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8, có nhiều dấu hiệu tích cực tại châu Âu khi số lượng đơn hàng tại thị trường này từ đầu tháng 8 đến nay đã tăng khoảng 10% so với tháng 7, tập trung nhiều vào tôm và mực.
Còn nhiều triển vọng
Bộ Công Thương đánh giá hoạt động xuất khẩu 5 tháng cuối năm 2020 vẫn còn nhiều khó khăn nhưng EVFTA sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa và DN Việt nếu dịch bệnh được kiểm soát tại châu Âu. Đến nay, châu Âu là thị trường quan trọng với 508 triệu dân, GDP khoảng 18.000 tỉ USD và nhiều hàng rào thuế quan dần được xóa bỏ, nhất là với những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông - thủy sản, đồ gỗ...
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/diem-sang-xuat-sieu-20200816213813602.htm