Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 19/10: Loạt dự án ở TP HCM chờ thẩm định giá đất

Nghệ An thu hồi hơn 48.000 m2 đã cấp cho doanh nghiệp; Đồng Nai chuyển đổi hơn trăm ha đất lúa làm dự án hơn 72.000 tỷ đồng; FLC đề nghị Quảng Ngãi hoàn trả hơn 80,5 tỷ đồng cho 6 dự án bị thu hồi… là nhứng tin tức xây dựng, bất động sản đáng chú ý.

Loạt dự án bất động sản ở TP HCM chờ thẩm định giá đất

TP HCM dự kiến thu ngân sách khoảng 25.483 tỷ đồng từ 22 dự án bất động sản đang chờ thẩm định giá đất. Hiện tại, nhiều dự án lớn tại TP HCM bị “ách tắc” do chưa xác định được giá đất, gây khó khăn cho việc triển khai.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đã trình Sở Tài chính để thẩm định giá cho 22 dự án trong quý 4/2024. Trong đó, các dự án như khu phức hợp Thủ Thiêm Eco Smart (số tiền sử dụng đất 16.000 tỷ đồng) và khu đất 14,8 ha phường An Phú (3.500 tỷ đồng) được kỳ vọng đóng góp lớn vào ngân sách.

Tình trạng vướng mắc này không chỉ ảnh hưởng đến các chủ đầu tư mà còn làm giảm nguồn thu ngân sách của TP HCM, với chỉ 5.900 tỷ đồng thu ngân sách trong 9 tháng đầu năm 2024. Các khoản thuế từ giao dịch đất đai cũng giảm mạnh, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của thành phố.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM, có 148 dự án bất động sản gặp vướng mắc về pháp lý, chủ yếu trong công tác thẩm định giá đất. Điều này khiến nhiều dự án không thể triển khai hoặc cấp sổ hồng cho người mua nhà.

Thời gian qua, dù Chính phủ đã nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, nhưng tiến trình này vẫn diễn ra chậm. Trong 8 tháng đầu năm 2024, chỉ 9 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận, chủ yếu thuộc phân khúc cao cấp.

Nghệ An thu hồi hơn 48.000 m2 đã cấp cho doanh nghiệp

Ngày 16/10, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 384/QĐ-UBND về việc thu hồi đất tại xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai.

Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An thu hồi 48.278,5 m2 đất của Công ty TNHH Một thành viên xuất nhập khẩu Thủy sản Nghi Sơn (khu đất được UBND tỉnh giao cho Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An tại Quyết định số 398/QĐ-UBND ngày 16/7/2019 và Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho thuê tại Quyết định số 146/QĐ-KKT ngày 17/7/2020), thuộc thửa đất số 194 và 195, tờ bản đồ số 12 tại Khu công nghiệp Hoàng Mai II, xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai.

Công ty TNHH Một thành viên xuất nhập khẩu Thủy sản Nghi Sơn không còn nhu cầu sử dụng đất và có đơn tự nguyện trả lại số diện tích đất trên.

Hiện, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mã số CX 268359 và CX 268360 ngày 26/3/2021 cấp cho Công ty TNHH Một thành viên xuất nhập khẩu Thủy sản Nghi Sơn để quản lý theo quy định; bàn giao đất tại thực địa cho UBND xã Quỳnh Vinh để quản lý, đưa vào sử dụng theo quy hoạch được duyệt; Chỉnh lý hồ sơ địa chính theo quy định.

Giao UBND xã Quỳnh Vinh quản lý, bảo toàn toàn bộ diện tích đất thu hồi nêu trên. Đồng thời yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên xuất nhập khẩu Thủy sản Nghi Sơn chấp hành quyết định thu hồi đất; thực hiện bàn giao đất, giấy tờ về quyền sử dụng đất cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Đồng Nai chuyển đổi hơn trăm ha đất lúa làm dự án hơn 72.000 tỷ đồng

Tại kỳ họp thứ 20 của HĐND tỉnh Đồng Nai, các đại biểu đã thông qua nghị quyết chuyển đổi hơn 163 ha đất trồng lúa tại các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu và TP Biên Hòa để thực hiện 6 dự án, trong đó nổi bật nhất là Khu đô thị Hiệp Hòa.

Đồng Nai chuyển đổi hơn trăm ha đất lúa làm dự án hơn 72.000 tỷ đồng/Ảnh minh họa

Đồng Nai chuyển đổi hơn trăm ha đất lúa làm dự án hơn 72.000 tỷ đồng/Ảnh minh họa

Khu đô thị Hiệp Hòa, với diện tích hơn 290 ha, sẽ chuyển đổi hơn 141 ha đất lúa và có tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 72.290 tỷ đồng. Dự án tọa lạc tại vị trí chiến lược trên cù lao Phố giữa sông Đồng Nai, kết nối với trung tâm TP Biên Hòa qua các cây cầu. Chi phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư dự kiến khoảng 16.700 tỷ đồng.

Dự án sẽ cung cấp hai loại hình nhà ở: nhà ở liền kề, biệt thự và chung cư thương mại, với 20% tổng diện tích đất dành cho xây dựng nhà ở. Khu đô thị Hiệp Hòa dự kiến hoàn thành sau 12 năm, từ 2023 đến 2035, với quy mô dân số khoảng 31.600 người.

Trước đó, vào tháng 9/2024, UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận cho liên danh 5 nhà đầu tư thực hiện dự án, bao gồm các công ty lớn trong ngành bất động sản.

Đồng Nai hiện là một trong những địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất tại Việt Nam, với 39 khu công nghiệp đã được phê duyệt và tỷ lệ lấp đầy khoảng 86%. Tỉnh cũng là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế, với 2.092 dự án từ 44 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tập đoàn FLC đề nghị Quảng Ngãi hoàn trả hơn 80,5 tỷ đồng cho 6 dự án bị thu hồi

Công ty CP Tập đoàn FLC vừa gửi văn bản đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi, và Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất, đề nghị hoàn trả hơn 80,5 tỷ đồng cho 6 dự án đã bị thu hồi tại khu đô thị mới Vạn Tường, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.

Tập đoàn FLC đã triển khai các dự án này trên tổng diện tích 137 ha, bao gồm các khu đô thị và khu du lịch sinh thái. Mặc dù đã hoàn tất nhiều thủ tục pháp lý như khảo sát địa hình, quy hoạch chi tiết và thiết kế cơ sở, nhưng sau nhiều năm, cả 6 dự án vẫn trong tình trạng dở dang, gây lãng phí tài nguyên.

Theo FLC, tỉnh Quảng Ngãi đã kêu gọi chủ đầu tư tự nguyện trả lại dự án để thực hiện quy trình lựa chọn nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, sau hơn một năm kể từ khi tự nguyện chấm dứt hoạt động, Tập đoàn FLC và các đồng chủ đầu tư vẫn chưa nhận được thông tin hoặc phản hồi về việc hoàn trả chi phí đầu tư.

Theo Tập đoàn FLC, hơn 80,5 tỷ đồng là số tiền lớn và cần thiết đối với Tập đoàn FLC cùng các công ty trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, Tập đoàn FLC thay mặt các chủ đầu tư đề nghị tỉnh Quảng Ngãi sớm có giải pháp hoàn trả chi phí mà tập đoàn đã chi trả cho việc triển khai các dự án hoặc có phương án để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho chủ đầu tư dự án.

Tập đoàn FLC khẳng định, nếu tỉnh Quảng Ngãi không hoàn trả số tiền này thì chưa thể tổ chức lựa chọn nhà đầu tư mới để tiếp tục thực hiện, triển khai các dự án liên quan.

Bình Thuận còn hai dự án chưa thực hiện do vướng xác định giá đất

Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận, năm 2024, toàn tỉnh có 22 công trình và dự án cần xác định giá đất, với tổng diện tích khoảng 1.140 ha. Đến đầu tháng 10/2024, tỉnh đã hoàn tất hồ sơ cho 20/22 dự án, gửi đến hội đồng thẩm định và đang trong quá trình phê duyệt.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, hai dự án còn lại, gồm Khu đô thị mới Bờ Sông Dinh và khu đất cạnh Nhà khách tỉnh Ninh Thuận, vẫn chưa thực hiện hồ sơ xác định giá đất do dính pháp lý. Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Thuận cho biết, dự án Khu đô thị mới Bờ Sông Dinh sẽ thuê đơn vị tư vấn để xác định giá đất sau khi UBND tỉnh ban hành quyết định giao đất cho nhà đầu tư.

Đối với khu đất cạnh Nhà khách tỉnh Ninh Thuận, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đang xây dựng phương án đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất, nhằm tham mưu cho Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau đó, giá khởi điểm sẽ được xác định để tổ chức đấu giá theo quy định.

Tính đến đầu tháng 10/2024, tỉnh Ninh Thuận đã thu được gần 418 tỷ đồng từ việc xác định giá đất cho các công trình và dự án, đạt khoảng 66% kế hoạch năm. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục xem xét, ban hành quy định liên quan đến định giá đất và đôn đốc thu nộp theo quy định cho các dự án đã triển khai.

Huy Tùng (T/h)

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/diem-tin-xay-dung-bat-dong-san-ngay-1910-loat-du-an-o-tp-hcm-cho-tham-dinh-gia-dat-719314.html