Điểm tựa của bản làng

'Điểm tựa của bản làng' là chủ đề của lễ tôn vinh người có uy tín tiêu biểu khu vực biên giới, biển đảo lần thứ II, năm 2024 do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp tổ chức tại Hà Nội mới đây

Tỉnh Gia Lai có 6 đại biểu là già làng, người có uy tín tại 3 huyện biên giới được tôn vinh là "Điểm tựa của bản làng". Cụ thể, ở huyện biên giới Đức Cơ có ông Siu Deo (SN 1958, làng Mook Đen 2, xã Ia Dom), ông Rơ Mah En (SN 1961, làng Chan, xã Ia Pnôn); huyện Chư Prông có bà Siu Phyin (SN 1950, làng Goòng, xã Ia Púch), ông Rơ Lan Hlếk (SN 1962, làng Klăh, xã Ia Mơ); huyện Ia Grai có ông Ksor Bơng (SN 1952, làng Bi, xã Ia O) và ông Rơ Châm Chích (SN 1957, làng Beng, xã Ia Chía).

Đoàn đại biểu người có uy tín của tỉnh tham quan và chụp hình lưu niệm tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông. Ảnh: S.T

Đoàn đại biểu người có uy tín của tỉnh tham quan và chụp hình lưu niệm tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông. Ảnh: S.T

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu của tỉnh cùng đại biểu đến từ 42 tỉnh, thành phố có biên giới, hải đảo trên cả nước vinh dự được gặp lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông (K9)-nơi làm việc và gìn giữ thi hài của Bác trong những năm chiến tranh ác liệt; dự lễ tôn vinh và cùng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác tuyên truyền, vận động người dân ở khu dân cư.

Là nữ đại biểu duy nhất của tỉnh tham dự chương trình, già Siu Phyin (làng Goòng, xã Ia Púch, huyện Chư Prông) phấn khởi nói: Nghe các đại biểu giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm thực tế ở từng địa bàn dân cư, mình học hỏi được nhiều. Mình sẽ cố gắng hơn nữa trong công tác tuyên truyền, vận động, tiếp tục đưa chủ trương, đường lối của Đảng đến với Nhân dân và vận động Nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm vươn lên trong cuộc sống.

Được cộng đồng suy tôn trong vai trò già làng, từ năm 2015 đến nay, già Phyin luôn chủ động nắm bắt tình hình mọi mặt đời sống của nhân dân. Nhận thấy số hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, già Phyin thường xuyên vận động, hướng dẫn người dân cải tạo đất vườn tạp để phát triển kinh tế; chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Già Phyin luôn nhắc nhở người dân phải nêu cao tinh thần đoàn kết, cảnh giác trước âm mưu chống phá của các thế lực thù địch; chung sức cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới.

Nữ già làng Siu Phyin (ngồi giữa) trò chuyện cùng cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Chư Prông. Ảnh: P.D

Nữ già làng Siu Phyin (ngồi giữa) trò chuyện cùng cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Chư Prông. Ảnh: P.D

Là Trưởng ban Công tác mặt trận làng Bi (xã Ia O, huyện Ia Grai), ông Ksor Bơng luôn là “cầu nối” đoàn kết ở cơ sở. Bằng việc sâu sát cơ sở, ông đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân và kiến nghị đến các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Đặc biệt, với 23 hộ dân trong làng có nương rẫy gần khu vực đường biên, cột mốc, ông thường xuyên gặp gỡ, tuyên truyền giúp mỗi hộ hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo về chủ quyền biên giới. Đồng thời vận động các hộ dân không vi phạm quy chế biên giới và không bao che, tiếp tay cho các đối tượng mua bán hàng hóa trái phép qua biên giới...

Ông Bơng chia sẻ: “Vấn đề biên giới rất quan trọng và tinh thần đoàn kết biên giới càng quan trọng, vì vậy mình luôn nhắc bản thân không lười biếng cũng không được chủ quan. Phải luôn gắn bó với dân, sâu sát cùng nhân dân, lắng nghe nhân dân vì chỉ có như thế mới xây dựng, củng cố được tinh thần đoàn kết và xây dựng thế trận lòng dân trên khu vực biên giới”.

Hiểu rõ trách nhiệm của người có uy tín trong cộng đồng, già làng Siu Deo (làng Mook Đen 2, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) luôn dành nhiều thời gian cho công tác tuyên truyền, vận động bà con ra sức thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế để xóa đói giảm nghèo; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện tốt các hương ước ở khu dân cư, xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh.

Trở về từ thủ đô Hà Nội, già Siu Deo bày tỏ: Làng Mook Đen 2 được UBND huyện công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023. Tuy nhiên trong làng vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Thời gian tới, mình tiếp tục tuyên truyền, vận động dân làng chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ, giữ vệ sinh đường làng, ngõ xóm; vận động người dân tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Già Siu Deo trò chuyện cùng cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: P.D

Già Siu Deo trò chuyện cùng cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: P.D

Trao đổi với P.V, ông Siu Trung-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-trực tiếp đưa các đại biểu người có uy tín của tỉnh dự lễ tôn vinh-cho biết: Chương trình nhằm biểu dương kịp thời những đóng góp hết sức quan trọng của người có uy tín trong cộng đồng và những người có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Đồng thời cũng là diễn đàn để người có uy tín trên các lĩnh vực ở các tỉnh, thành phố biên giới, hải đảo giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, từ đó động viên người có uy tín tiếp tục có những cống hiến cho sự phát triển của cộng đồng. Qua 2 lần tổ chức, tỉnh Gia Lai đều có đại biểu tham dự.

“Các đại biểu đều là những tấm gương điển hình trong vận động nhân dân phát triển kinh tế, bảo vệ đường biên, cột mốc. Bằng uy tín của mình, họ đã có những đóng góp tích cực trong việc vun đắp, củng cố mối quan hệ đoàn kết trong cộng đồng. Nhờ sự góp sức của đội ngũ già làng, người có uy tín, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới ngày càng ổn định, giữ vững; người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống”- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khẳng định.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/diem-tua-cua-ban-lang-post282215.html