'Điểm tựa' sức khỏe của đồng bào vùng biên Dân Hóa
Dân Hóa là xã vùng biên của huyện Minh Hóa (Quảng Bình), đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây còn nghèo. Vì vậy, việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu của bà con còn nhiều hạn chế. Trước thực tế đó, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Bình đã triển khai xây dựng trạm xá quân dân y kết hợp do Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo phụ trách, đặt tại bản Bãi Dinh. Từ ngày có trạm xá, đồng bào được quan tâm chăm sóc sức khỏe chu đáo, nhận thức về mọi mặt cũng từng bước nâng cao.
Trong cái nắng nóng, gió Lào khắc nghiệt nơi biên giới những ngày cuối tháng 7, chúng tôi có mặt tại Trạm xá quân dân y kết hợp Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo. Ngay từ sáng sớm, đã có một số người dân đến khám sức khỏe. Cán bộ quân y tại trạm xá kiểm tra lại cơ số thuốc, chuẩn bị y cụ và khám, tư vấn sức khỏe cho bà con rất nhiệt tình. “Bệnh đau dạ dày cần điều trị lâu dài, ông phải chịu khó uống thuốc theo đơn, hết thuốc thì đến trạm xá để khám lại. Mỗi khi đau ốm phải tìm đến bác sĩ chứ không được mời thầy cúng như trước nhé!”, lời dặn của Thiếu tá QNCN Phan Anh Tuấn, cán bộ quân y phụ trách trạm xá được ông Đinh Xuân Hữu lắng nghe chăm chú. Ở tuổi xế chiều, ông Hữu ở bản Bãi Dinh mắc nhiều bệnh và được các thầy thuốc trạm xá quân dân y kết hợp thường xuyên thăm khám. Ông Hữu chia sẻ: “Ngày trước, tôi và bà con dân bản không hiểu biết nên mỗi lần đau ốm là tìm đến thầy cúng để đuổi con ma. Từ khi có trạm xá quân dân y kết hợp, người dân ai ốm đau cũng đều tìm đến nhờ thầy thuốc biên phòng thăm khám và cấp thuốc...”.
Theo Thiếu tá QNCN Phan Anh Tuấn, trạm xá quân dân y kết hợp có nhiệm vụ phối hợp với y tế địa phương chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Trước đây, bà con đau ốm thường tìm đến những phương thức chữa trị phản khoa học, không những không chữa được bệnh mà còn khiến sức khỏe của người bệnh xấu đi. Từ khi có trạm xá, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, hầu hết người dân mỗi khi có bệnh là tới đây thăm khám. Thiếu tá QNCN Phan Anh Tuấn còn nhớ trong trận bão lớn xảy ra tháng 9-2021, nửa đêm, chị Hồ Thị Bông ở bản K-Ai, xã Dân Hóa bị đau bụng dữ dội. Mưa lớn khiến việc đi lại rất khó khăn do bản bị chia cắt bởi con suối chảy xiết. Nhận được điện thoại từ gia đình bệnh nhân, Thiếu tá QNCN Phan Anh Tuấn không sợ hiểm nguy, tìm đủ mọi cách để vượt suối tiếp cận người bệnh. Qua khám lâm sàng, chị Bông được chẩn đoán bị viêm ruột thừa, có nguy cơ vỡ, phải chuyển bệnh viện tuyến trên để phẫu thuật gấp. Thiếu tá QNCN Phan Anh Tuấn nhanh chóng báo cáo chỉ huy đơn vị, huy động lực lượng vào bản kịp thời đưa chị Bông đến bệnh viện. Chị Hồ Thị Bông chia sẻ: “Tôi không bao giờ quên hình ảnh các chú BĐBP đội mưa, dùng phao đưa tôi vượt suối để đi cấp cứu. Nếu không có BĐBP thì không biết chuyện gì đã xảy ra với tôi”.
Trung tá Nguyễn Xuân Thành, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo cho biết: “Trung bình mỗi tháng, trạm xá quân dân y kết hợp khám, cấp thuốc miễn phí cho khoảng 150 người dân trong vùng. Ngoài ra, quân y đơn vị còn đến tận nhà kịp thời cứu chữa cho bà con khi cần. Những ngày cuối tuần, cán bộ quân y tranh thủ thời gian xuống địa bàn để tuyên truyền, vận động người dân ăn uống, sinh hoạt hợp vệ sinh, phòng tránh bệnh dịch. Nhờ hoạt động tích cực, hiệu quả, trạm xá quân dân y kết hợp trở thành điểm tựa, góp phần chăm sóc sức khỏe cho bà con nhân dân nơi đây. Từ đó, nghĩa tình quân dân càng thêm thắm thiết”. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đinh Văn Chinh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa cho biết: “Trước đây, khi ốm đau bà con lo lắng lắm, nhất là trong điều kiện mưa bão, giao thông cách trở. Việc trạm xá quân dân y kết hợp được xây dựng, đi vào hoạt động không những góp phần quan trọng nâng cao sức khỏe cho bà con mà nhờ được tuyên truyền, vận động, nhiều tập tục mê tín dị đoan, hủ tục cũng từng bước được xóa bỏ”.
Trạm xá quân dân y kết hợp Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo chỉ là một trong nhiều trạm xá quân dân y kết hợp đã và đang phát huy hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới tỉnh Quảng Bình. Thông qua hoạt động khám, chữa bệnh, lực lượng quân y còn lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến bà con. Nhờ đó, tình hình an ninh-trật tự trên địa bàn được củng cố, giữ vững, người dân tập trung làm ăn, không nghe theo lời kẻ xấu vi phạm pháp luật...
Bài và ảnh: HUYỀN TRANG
Cựu chiến binh gương mẫu
Hơn 20 năm qua, cựu chiến binh (CCB) Thạch Danh ở ấp Sóc Tro Trên, xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú (Trà Vinh) luôn được người dân trong vùng quý mến, bởi ông là người có uy tín trong cộng đồng, luôn gương mẫu, tích cực trong các phong trào, hoạt động của địa phương.
Ông Thạch Danh sinh ra và lớn lên trong một gia đình Khmer nghèo. Năm 1973, ông tham gia lực lượng du kích xã cho đến ngày giải phóng miền Nam. Sau khi đất nước thống nhất, ông về quê lập gia đình, vừa làm ruộng vừa tham gia chi hội CCB ấp. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng CCB Thạch Danh luôn tích cực tham gia các hoạt động của chi hội CCB và các phong trào ở địa phương. Một trong những việc làm nổi bật của CCB Thạch Danh là vận động người thân cho hộ nghèo mượn đất sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững. Như năm 2016, Chi hội CCB ấp Sóc Tro Trên có 15 hội viên, trong đó CCB Kim Kiểng là hộ nghèo, không có đất sản xuất. Cảm thông trước hoàn cảnh khó khăn của CCB Kim Kiểng, ông Thạch Danh đã vận động con gái và cháu cho ông Kiểng mượn 6 công đất (6.000m2) để trồng lúa và hoa màu. CCB Kim Kiểng cho biết: “Khi được mượn đất, tôi mừng lắm. Tôi cải tạo đất đầu tư trồng 1 vụ lúa, 2 vụ màu. Nhờ có đất sản xuất và chăm chỉ làm ăn, gia đình tôi đã tích lũy mua được 2 con bò giống, đến năm 2019 thì thoát nghèo”. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Thạch Châu An, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban nhân dân ấp Sóc Tro Trên cho biết: “Ấp Sóc Tro Trên có 98% người Khmer. Những năm gần đây, ông Thạch Danh với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ môi trường của Chi hội CCB ấp luôn gương mẫu đi đầu và vận động hội viên, nhân dân bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, xây dựng các tuyến đường hoa sáng-xanh-sạch-đẹp rất ý nghĩa. Ngoài ra, CCB Thạch Danh còn là người có uy tín tiêu biểu của xã nhiều năm liền, là cá nhân điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới, chăm lo người nghèo, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”.
Bài và ảnh: HỮU LỢI
Sớm tôn tạo Di tích lịch sử đồn Cao Đông Triều
Di tích lịch sử đồn Cao Đông Triều nằm trên địa bàn phường Đông Triều và xã Hồng Phong (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Do đây là điểm cao có giá trị quan trọng về mặt quân sự nên sau khi xâm lược Việt Nam, năm 1896, thực dân Pháp đã tổ chức xây dựng một trại lính ở đây để phục vụ cuộc chiến tranh xâm lược và khai thác tài nguyên, khoáng sản trong khu vực. Ngày 8-6-1945, nghĩa quân Việt Minh đã chiếm đồn, mở đầu cuộc khởi nghĩa thắng lợi tại Đông Triều, giành chính quyền về tay nhân dân, thành lập Chiến khu Đông Triều. Sự ra đời của Chiến khu đã giải phóng một vùng rộng lớn ở vùng duyên hải Đông Bắc, góp phần cùng cả nước tiến hành khởi nghĩa thành công, lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày 24-5-2017, di tích đồn Cao Đông Triều được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Trải qua thời gian dài, hiện nay, các công trình thuộc khu di tích đồn Cao Đông Triều, như: Nhà ở của quan Ba, nhà ở binh lính và nhà biệt giam tra tấn tù cộng sản, trận địa pháo, hệ thống lô cốt, hầm ngầm... đã hư hỏng, xuống cấp, chỉ còn lại một phần. Mặc dù vậy, đây vẫn là những chứng tích quan trọng đánh dấu một thời kỳ lịch sử và trở thành địa điểm để các nhà trường tổ chức sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh. Mong rằng, các cơ quan, ngành chức năng địa phương sớm có biện pháp trùng tu, tôn tạo các hạng mục phục vụ du khách tham quan và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ..
Bài và ảnh: CAO THANH ĐÔNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.