Điện ảnh Việt trên con đường biến tiềm năng thành hiện thực

Xác định điện ảnh là công cụ hữu hiệu trong quảng bá văn hóa, vùng đất, con người, từ đó thu hút du khách, thời gian gần đây, nhiều địa phương không chỉ thụ động chờ người làm phim tìm đến mà đã chủ động hơn, với nhiều hoạt động bài bản hơn trong việc thu hút các đoàn phim.

Chủ động hợp tác để phát huy lợi thế sẵn có

Ngay sau sự kiện xúc tiến du lịch điện ảnh Việt tại Hoa Kỳ vào tháng 9/2024 với sự tham gia của đông đảo các địa phương, doanh nghiệp du lịch, người làm phim, mới đây, hoạt động kết nối du lịch - điện ảnh được kỳ vọng tiếp tục có nhiều bền chặt, vững vàng, bài bản khi Hiệp hội Xúc tiến, phát triển điện ảnh Việt Nam (VFĐA) tiếp tục “bắt tay” cùng UBND tỉnh Ninh Bình.

Cảnh quan thiên nhiên là lợi thế để Ninh Bình thu hút các nhà làm phim, thu hút du khách.

Cảnh quan thiên nhiên là lợi thế để Ninh Bình thu hút các nhà làm phim, thu hút du khách.

Theo đó, hai bên sẽ hợp tác triển khai nhiều nội dung, trong đó có xây dựng và tổ chức thực thi Bộ chỉ số thu hút các đoàn làm phim (PAI), góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh tại Ninh Bình. Đây là bộ chỉ số do VFĐA nghiên cứu và xây dựng với 5 tiêu chí cơ bản, nhằm định hướng và tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn làm phim quốc tế đến Việt Nam. Sáng kiến này bước đầu nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nhiều địa phương với kỳ vọng sẽ góp phần đưa Việt Nam thành một điểm đến hấp dẫn cho các đoàn làm phim nước ngoài, tạo ra giá trị không chỉ cho ngành điện ảnh mà còn cho các ngành phụ trợ như du lịch, khách sạn và dịch vụ.

Riêng với Ninh Bình, cùng với việc triển khai bộ chỉ số trên, VFDA còn hợp tác nhiều hoạt động khác nhằm thu hút, tổ chức các sự kiện điện ảnh trong nước và quốc tế tạo không gian kết nối, chia sẻ, thông tin, thúc đẩy hợp tác giữa Ninh Bình với các hãng phim, các đạo diễn, các nhà biên kịch, diễn viên, các nhà đầu tư phát triển công nghiệp điện ảnh… Chương trình hợp tác này được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình mẫu để xây dựng thành công và phát triển điện ảnh địa phương nói chung.

Riêng tại Ninh Bình, chương trình hợp tác hướng tới mục tiêu đầy tham vọng của Ninh Bình là trở thành phim trường của những bộ phim “bom tấn” của nước ngoài và Việt Nam, qua đó quảng bá về văn hóa, du lịch, con người cố đô, từng bước xây dựng công nghiệp điện ảnh tại Ninh Bình gắn với phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, góp phần hiện thực hóa mục tiêu của tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035, với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Văn hóa, nghệ thuật truyền thống là yếu tố hấp dẫn đối với các nhà làm phim và du khách.

Văn hóa, nghệ thuật truyền thống là yếu tố hấp dẫn đối với các nhà làm phim và du khách.

Thực tế, thời gian qua, Ninh Bình là một trong những địa phương được nhiều nhà làm phim trong nước và quốc tế lựa chọn làm bối cảnh cho hàng loạt bộ phim như: “Người Mỹ trầm lặng”, “Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc”, “Thiên mệnh anh hùng”, “Kong: Skull Island” (Đảo đầu lâu), “Khát vọng Thăng Long”, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, “578 - Phát đạn của kẻ điên”, “Về nhà đi con”, “Trạng tí”, “Hương vị tình thân”, “Vui lên nào anh em ơi”… Sau thành công của nhiều bộ phim, tại Ninh Bình, nhiều công trình kiến trúc mới xây theo lối cổ phục vụ phát triển du lịch có điều kiện làm phim cổ trang: Phố cổ Hoa Lư (thành phố Ninh Bình), Khu kiến trúc nhà cổ Cố Viên Lầu (Ninh Hải, huyện Hoa Lư), Đàn Kính Thiên (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn) và một số địa điểm du lịch khác như: Đảo Khê Cốc, Thung Nham, Hang Múa…

Thực tế của Ninh Bình đã cho thấy khả năng phổ biến, sức kết nối mạnh mẽ của điện ảnh để thu hút du khách đến với địa phương để khám phá nhiều mặt về vùng đất này, không chỉ dừng ở tham quan các danh thắng.

Như chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình là “những bối cảnh đẹp, phản ánh giá trị di sản văn hóa, thắng cảnh, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật địa phương... cùng với câu chuyện cuốn hút của các tác phẩm có giá trị nghệ thuật, sáng tạo bằng ngôn ngữ điện ảnh đã tác động tới tâm trí và tình cảm người xem, thôi thúc họ tìm đến phim trường, vùng đất nơi bộ phim được quay để khám phá, trải nghiệm thực tế. Nhiều dự án phim lớn của Hollywood đã đem lại hiệu ứng tích cực, mạnh mẽ và rộng khắp trên phạm vi toàn cầu, mở ra xu hướng dịch chuyển của du khách đến với những địa điểm quay phim, tạo ra “cú huých” cho tăng trưởng du lịch và kinh tế địa phương”. Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên mà những truyền thuyết dân gian hào hùng và truyền cảm hứng của người dân nơi đây cũng rất hấp dẫn đối với người làm phim.

Cần tiếp tục đẩy mạnh kết hợp phát triển công nghiệp điện ảnh và du lịch

Trao đổi quanh vấn đề này, PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho rằng, điện ảnh là loại hình có ưu thế mạnh mẽ, kết hợp nghe nhìn và công nghệ, tác động trực diện đến nhiều giác quan, dễ tạo cảm xúc, thuận lợi để tiếp cận với công chúng và được công chúng hưởng ứng. Tính chất lan tỏa, độ phủ sóng rộng rãi của các bộ phim, hoặc các sự kiện điện ảnh uy tín là lợi thế để quảng bá và kích cầu du lịch.

Câu chuyện lấy điện ảnh để kích cầu du lịch là việc làm đã được thế giới áp dụng từ lâu nay và rất hiệu quả. Hơn nữa, điện ảnh cũng có thể truyền tải văn hóa, lịch sử, và phong tục tập quán của địa phương, giúp du khách hiểu rõ hơn về điểm đến và làm tăng thêm sức hấp dẫn của du lịch văn hóa. Đây cũng là vấn đề được Việt Nam quan tâm đặc biệt.

PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trong nhiều năm gần đây, Nhà nước đã khẳng định tầm quan trọng của sự kết hợp giữa ngành công nghiệp điện ảnh và ngành du lịch - còn được gọi là ngành công nghiệp không khói trong tiến trình xây dựng văn hóa, phát triển kinh tế của đất nước. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng xác định rõ định hướng phát triển công nghiệp điện ảnh là một nhiệm vụ chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa; xây dựng công nghiệp điện ảnh không chỉ dừng lại ở khía cạnh nghệ thuật mà còn là một lĩnh vực có đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc dân.

Ông Tạ Quang Đông cũng cho biết, phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam là chiến lược góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế. Đó cũng chính là quan điểm của Đảng và Nhà nước được thể hiện trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Đặc biệt, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cũng đặt ra mục tiêu chủ yếu đến năm 2030 là doanh thu của ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP, trong đó, ngành điện ảnh đạt khoảng 250 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 125 triệu USD); ngành du lịch văn hóa chiếm 15 - 20% trong tổng số doanh thu từ hoạt động du lịch.

Cùng với đó, các tổ chức, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động điện ảnh trên cả nước, các hội, hiệp hội nghề nghiệp đã chủ động, tích cực tham gia xây dựng, đóng vai trò tư vấn, góp ý xây dựng các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển của ngành điện ảnh. Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã chủ trì, tham mưu xây dựng nhiều chính sách để hỗ trợ xây dựng môi trường sinh thái cho phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp điện ảnh, đặc biệt là Luật Điện ảnh năm 2022 và hệ thống văn bản dưới Luật...

Phim “Ngày xưa có một chuyện tình” - Tác phẩm điện ảnh mới, được kỳ vọng sẽ góp phần tạo “cú huých” cho du lịch.

Phim “Ngày xưa có một chuyện tình” - Tác phẩm điện ảnh mới, được kỳ vọng sẽ góp phần tạo “cú huých” cho du lịch.

Trao đổi quanh câu chuyện kết hợp du lịch, điện ảnh, thúc đẩy công nghiệp điện ảnh phát triển để phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương, nhiều nhà nghiên cứu, người làm điện ảnh cũng chỉ ra rằng, trong những năm qua, điện ảnh không chỉ là một ngành nghệ thuật mà còn đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại của đất nước. Trong ngành công nghiệp sáng tạo, điện ảnh được xem là một phần quan trọng của công nghiệp văn hóa, có tiềm năng kinh tế lớn. Các hoạt động sản xuất phim ảnh tạo việc làm cho hàng ngàn người, từ biên kịch, đạo diễn, diễn viên, đến các kỹ thuật viên và hàng trăm nhân sự hậu trường. Việc phát hành, phổ biến phim cũng tạo ra nguồn thu lớn. Điện ảnh cũng có khả năng kích thích các ngành nghề liên quan như du lịch, quảng cáo, và truyền thông.

Thực tế ở nước ta trong những năm vừa qua đã chứng minh, các bộ phim được quay tại các địa danh nổi tiếng đã thúc đẩy du lịch mạnh mẽ, bắt đầu từ Phú Yên, Quảng Ninh, rồi Đà Nẵng, Bình Định, Ninh Bình… Trong xu thế phát triển kinh tế sáng tạo, công nghiệp điện ảnh được coi là một ngành kinh tế mũi nhọn với tiềm năng mang lại lợi nhuận cao, tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy các ngành nghề liên quan như du lịch, truyền thông, quảng cáo. Để phát triển ngành công nghiệp này, chúng ta cần tiếp tục xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích sự sáng tạo của các nghệ sĩ, đồng thời đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực chất lượng cao…

Minh Hà

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/dien-anh-viet-tren-con-duong-bien-tiem-nang-thanh-hien-thuc-i748510/