Diễn biến chi tiết mưa lũ miền Trung những ngày tới

Từ 15/10-20/10/2023, khu vực Trung Bộ chịu ảnh hưởng của tổ hợp các hình thái thời tiết xấu gây mưa lớn, nguy cơ rất cao lũ quét, sạt lở đất, ngập úng ở đô thị.

90 trạm quan trắc đo được lượng mưa trên 500mm

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 10/10 đến nay đã có 90 trạm quan trắc ở khu vực miền Trung đã đo được lượng mưa lớn trên 500mm, trong đó 1 số trạm ở các tỉnh Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng tổng lượng mưa từ ngày 10/10 cao như: Trạm Phú Ốc, Sân bay Đà Nẵng hơn 1000 mm.

Về dự báo đợt mưa tới đây hình thế mưa lớn như không khí lạnh và đới gió đông tiếp tục hoạt động, bên cạnh đó là vùng áp thấp có khả năng mạnh lên nên diễn biến rất phức tạp. Dự báo giai đoạn từ 15/10-20/10/2023, khu vực Trung Bộ chịu ảnh hưởng của tổ hợp các hình thái thời tiết xấu gây mưa lớn gồm: dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Trung Trung Bộ nối với vùng áp thấp trên khu vực Giữa của Biển Đông, vùng xoáy thấp này có khả năng di chuyển về phía Tây (hướng về phía khu vực Trung Bộ); các đợt không khí lạnh thường xuyên được tăng cường, bổ sung, đới gió Đông hoạt động mạnh trên độ cao từ 1500-5000m.

Miền Trung tiếp tục mưa lũ phức tạp, nguy cơ rất cao ngập úng, lũ quét, sạt lở đất.

Miền Trung tiếp tục mưa lũ phức tạp, nguy cơ rất cao ngập úng, lũ quét, sạt lở đất.

Từ chiều ngày 14/10 đến ngày 16/10, ở khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam 300-500mm, có nơi trên 800mm, ở khu vực từ Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi trên 400mm; ở khu vực Hà Tĩnh có mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm.

Từ đêm 16-17/10 mưa có xu hướng mở rộng lên phía Bắc, vùng mưa có xu hướng mở rộng sang khu vực vùng núi phía Tây của miền Trung; khu vực từ Nam Nghệ An đến Bình Định có mưa lớn 100-300mm, có nơi trên 500mm. Sau ngày 17/10 mưa lớn ở miền Trung còn kéo dài vùng mưa tiếp tục mở rộng lên phía Bắc và diễn biến phức tạp.

Từ nay đến ngày 17/10, trên các sông ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 3-9m, hạ lưu từ 2-4m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ ở thượng lưu sông La (Hà Tĩnh), các sông ở Quảng Bình, Quảng Ngãi lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; các sông ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam lên mức BĐ2-BĐ3, các sông nhỏ lên trên BĐ3.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, đặc biệt nguy cơ rất cao từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam. Cần có các giải pháp đảm bảo an toàn đối với các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp 2. Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.

Phòng tránh rủi ro về người và tài sản

Theo cơ quan khí tượng, mưa lớn đang tập trung nhiều ở khu vực ven biển, còn tiếp tục duy trì có thể là nguyên nhân gây ngọt hóa bờ biển, ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy hải sản trên vùng ven biển đặc biệt khu vực Thừa Thiên Huế.

Các tàu thuyền và lồng bè nuôi trồng thủy sản ven biển miền Trung cần lưu ý nguy cơ mưa dông mạnh và gió giật trong những ngày tới do ảnh hưởng của vùng thấp đang hoạt động trên khu vực Giửa Biển Đông, có xu thể di chuyển vào khu vực ven biển Trung và Nam Trung Bộ trong 24 đến 48 giờ tới.

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, quan sát ảnh vệ tinh hiện tại cho thấy mây phát triển theo từng cụm lớn với đường kính khoảng 300km, các cụm mây cao, dày và đậm đặc di chuyển theo hướng Tây. Do có tác động của vùng áp thấp xoáy ngược chiều kim đồng hồ nên khi vào gần bờ khối mây có xu hướng đi chếch Tây Nam với tốc độ chậm. Vì vậy, lượng mưa sẽ dồn ở các khu vực Nam Đông, Phú Lộc, Hương Thủy, Lăng Cô của Thừa Thiên Huế; hầu hết địa bàn thành phố Đà Nẵng và các huyện thị ven biển của Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Lượng mưa lớn nhất sẽ ở khu vực vườn Quốc gia Bạch Mã, Nam Đông, Phú Lộc, Lăng Cô, quận Liên Chiểu, quận Ngũ Hành Sơn, quận Sơn Trà, quận Hải Châu của Đà Nẵng. Lượng mưa có thể đạt 300-400mm/ ngày. Có nơi như khu vực giáp ranh Đà Nẵng và Huế có thể đạt hơn 400mm/ ngày.

Do nhiều nơi của thành phố Đà Nẵng đã ngập từ 60-100cm và hơn 100cm nên lượng mưa lớn này sẽ khiến tình trạng ngập lụt trầm trọng hơn. Bà con ở nhà thấp trũng tuyệt đối tuân theo lệnh sơ tán của chính quyền, hoặc tổ chức sơ tán sang nhà cao tầng gần nhất.

Mưa đã liên tục ngày thứ 4 rồi thì nguy cơ sạt lở và lũ quét rất cao. Bà con sống ở ven đồi, ven suối hãy cẩn trọng. Ở các khu nhà nằm sát các chân đồi mà thấy nước rỉ ra từ các vỉa đất đá là lúc các quả đồi đã ngậm no nước, chỉ cần thêm một trận mưa lớn có thể làm cả một vạt đồi sụt xuống. Hạn chế di chuyển lên các vùng miền núi nếu không có việc cần thiết. Nơi nào phát hiện có nước chảy từ taluy dương tràn ra đường thì nơi đó có nguy cơ sạt lở

Các nơi có taluy dương và taluy âm dốc từ 45 độ trở lên là nơi có nguy cơ sạt lở vì đất đá nơi đó gánh thêm trọng lượng của hàng trăm tấn nước thấm trong đất đá. Người dân nếu thấy dấu hiệu nêu trên phải chủ động báo cho chính quyền và di dời đến nơi an toàn.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dien-bien-chi-tiet-mua-lu-mien-trung-nhung-ngay-toi-169231015073345367.htm