Điện Biên có 64 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học

Đến năm học 2015 - 2016, cấp tiểu học tỉnh Điện Biên đã có 64/175 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học, chiếm 36,6%, với 1396 lớp, 26.671 học sinh, trong đó có 11.361 học sinh nội trú.

Học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Pa Thơm huyện Điện Biên

Học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Pa Thơm huyện Điện Biên

Năm học 2012-2013 cấp tiểu học tỉnh Điện Biên mới có 26 trường, 524 lớp, 8747 học sinh. Như vậy, sau 3 năm, tỉnh này đã có thêm 38 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học. Đây là một con số thực sự ấn tượng.

Thầy Đào Thái Lai - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Điện Biên) - cho biết: Rất vinh dự cho tỉnh Điện Biên, lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục Việt Nam, ngày 17/7/2009, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị về trường phổ thông dân tộc bán trú dân nuôi tại thành phố Điện Biên Phủ.

Phó Thủ tướng đánh giá cao về mô hình bán trú dân nuôi nói chung, và tỉnh Điện Biên nói riêng, đồng thời chỉ đạo bắt đầu từ năm học 2009-2010, phải tập trung thực hiện ngay phương châm “ba đủ” (đủ ăn, đủ quần áo, đủ sách vở) cho học sinh miền núi khi đến trường.

Từ mô hình sự tự nguyện của người dân và học sinh, sự trăn trở của đội ngũ quản lí và giáo viên về chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, qua nhiều năm củng cố và từng bước hoàn thiện, đến nay trường phổ thông dân tộc bán trú đã trở thành một loại hình trường chuyên biệt tại địa bàn miền núi tỉnh Điện Biên để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản nâng cao chất lượng toàn diện giáo dục hiện nay.

Đây là một cơ hội đến trường và bước ngoặt đáp ứng việc nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc ít người thuộc vùng khó khăn.

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai mô hình này ở tiểu học cũng bộc lộ những bất cập như, nơi ở của học sinh còn chật chội, thiếu thốn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt; việc định mức giáo viên chưa phù hợp với tính chất chuyên biệt của loại hình trường phổ thông dân tộc bán trú;

Công tác bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho giáo viên còn hạn chế. Ðặc biệt, yếu tố phối, kết hợp giữa nhà trường và gia đình có vai trò quan trọng là những khó khăn cần được khắc phục để nâng cao chất lượng, làm thay đổi căn bản diện mạo giáo dục vùng dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/dien-bien-co-64-truong-pho-thong-dan-toc-ban-tru-tieu-hoc-1651681-v.html