Diễn biến thực tế sau 2 tuần FED giảm lãi suất và các ẩn số phía trước

Trải qua gần 2 tuần kể từ thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chính thức giảm lãi suất, thị trường chung đã dần đi vào quỹ đạo, nhưng cũng còn có các yếu tố cho thấy bức tranh tiền tệ cả trong và ngoài nước vẫn ẩn khuất nhiều kịch tính.

Việc FED giảm lãi suất tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ. Ảnh tư liệu.

Việc FED giảm lãi suất tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ. Ảnh tư liệu.

USD duy trì mức giá thấp

Tại thời điểm sáng ngày 1/10 theo giờ Việt Nam, chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng USD ghi nhận mức 100,7 điểm. Theo đó, đồng USD đã rơi vào trạng thái chững lại và đi ngang kể từ sau khi FED chính thức công bố cắt giảm 50 điểm cơ bản lãi suất cách đây 2 tuần. Cụ thể, chỉ số DXY ghi nhận hôm 19/9 vẫn dao động quanh mốc khoảng dưới 101 điểm.

Trước đó, chỉ số DXY đã có một chu kỳ giảm mạnh từ mốc trên 106 điểm vào giữa năm 2024 xuống mốc quanh 101 điểm vào giữa tháng 9 và lý do đồng tiền này giảm giá chính vì các dự báo của giới tài chính về hành động FED giảm lãi suất trong tháng 9. Ông Lynette Zang - Nhà sáng lập và Tổng Giám đốc điều hành của Zang Enterprises trong nội dung trả lời trang tin tức tài chính Kitco News cho biết, nền kinh tế Mỹ có thể sẽ chứng kiến nhiều hoạt động vay mượn hơn, còn Chính phủ thực hiện chu kỳ nới lỏng tiền tệ đang là yếu tố làm cho đồng USD mất dần giá trị.

Trong khi đó với thị trường trong nước, tỷ giá bán ra tại Vietcombank sáng ngày 1/10 ghi nhận ở mức 24.730 đồng/USD, cũng vẫn duy trì ở mặt bằng khá ổn định trong giai đoạn từ giữa tháng 9 đến nay. Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường thuộc Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect cho biết, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng giá trị nhập khẩu của nước ta. Theo đó, việc FED giảm lãi suất tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ, chuyển hướng ưu tiên sang hỗ trợ thanh khoản hệ thống và duy trì môi trường lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. “Ngân hàng Nhà nước cũng có thể thực hiện hiệu quả việc bơm tiền qua thị trường mở và mua vào dự trữ ngoại hối để tăng cung tiền đồng nhằm cải thiện tăng trưởng cung tiền, vốn rất chậm kể từ đầu năm nay” - ông Hinh nhận định.

Ẩn số vẫn còn phía trước

Mặc dù chỉ số đồng USD đã duy trì mặt bằng thấp kể từ khi FED chính thức hạ lãi suất đã nằm trong dự báo của nhiều chuyên gia cả trong và ngoài nước, nhưng diễn biến đồng tiền này sẽ giảm tiếp hoặc phục hồi hay không sẽ còn là ẩn số.

Về khả năng giảm thêm của đồng USD, thực tế cho thấy việc chỉ số DXY đã giảm giá khá mạnh khoảng 5% chỉ trong 3 tháng từ tháng (6 đến tháng 9/2024) ngay cả khi FED chưa chính thức thực hiện động giảm lãi suất cho thấy thị trường đã phán ứng sớm trước hành động của FED. Nói cách khác, tác động giảm lãi suất đã được thể hiện trước vào giá hiện tại của đồng USD trong suốt giai đoạn hơn 3 tháng qua.

Ngoài ra, chu kỳ giảm lãi suất cũng không chỉ diễn ra tại Mỹ mà cũng còn đang diễn ra tại nhiều nền kinh tế trên thế giới và các yếu tố này cũng có thể làm cho các đồng tiền của họ cũng yếu đi chứ không riêng đồng USD. Trong đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản xuống còn 3,5% vào giữa tháng 9 vừa qua. Tại châu Á, Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) cũng đã quyết định hạ lãi suất 25 điểm cơ bản ngay trước thời điểm FED công bố giảm lãi suất tháng 9.

Trong khi đó, diễn biến của nền kinh tế Mỹ nói chung và của đồng USD nói riêng cũng còn phụ thuộc cả vào các yếu tố chính trị, trong đó có cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra tháng 11 tới. Ông Tống Quốc Đạt - Trưởng phòng Phân tích thị trường cấp cao Exness Investment Bank cho biết, nếu ông Donald Trump trúng cử tổng thống thì các chính sách sẽ có xu hướng tăng các rào cản thuế quan. “Ông Trump cũng không muốn duy trì các chính sách mở về nhập cư và điều này sẽ ảnh hưởng thị trường lao động, các chi phí lao động sẽ tăng cao đối với nền kinh tế Mỹ” - ông Đạt dự báo.

Ngoài ra, các luận điểm tranh cử đang được ông Donald Trump bày tỏ cho biết, nếu trở thành Tổng thống ông sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để giữ USD là đồng tiền dự trữ của thế giới. Cụ thể, ông Trump cho biết đồng USD đã “bị bao vây nghiêm trọng” trong 8 năm qua và tuyên bố sẽ đấu tranh để giành lại vị thế của đồng tiền này.

Đối với Việt Nam, đồng USD nếu tăng giá trở lại trên thị trường quốc tế thì áp lực với tỷ giá có thể sẽ quay trở lại. Chẳng hạn như nhìn lại khi chỉ số đồng DXY ở mức trên 106 điểm tại những thời điểm tháng 4 và tháng 6, cũng là giai đoạn tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD cũng chịu áp lực rất cẳng thẳng. Tỷ giá bán ra tại Vietcombank có lúc đó ghi nhận mức bán ra trên 25.500 đồng/USD và Ngân hàng Nhà nước khi đó cũng phải thực hiện nhiều biện pháp can thiệp như tăng cường bán tín phiếu trên thị trường mở, bán ngoại tệ để can thiệp tỷ giá…

2 yếu tố trái chiều có thể tác động tỷ giá cuối năm

Ngoài các động thái thị trường quốc tế, 2 yếu tố “thông lệ” có tính chất mùa vụ có thể có tác động trái chiều nhau đối với tỷ giá trong nước. Một phía là nhu cầu nhập khẩu có thể tăng mạnh để chuẩn bị chu kỳ kinh doanh cận Tết, trong khi đó, kiều hối luôn là yếu tố giúp giải tỏa áp lực cho tỷ giá trong các dịp giáp Tết.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dien-bien-thuc-te-sau-2-tuan-fed-giam-lai-suat-va-cac-an-so-phia-truoc-160750-160750.html