Diễn đàn đối thoại tăng cường quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng
Ngày 1/11, tại thành phố Nam Định, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) phối hợp với Sở TN và MT tỉnh Nam Định tổ chức Diễn đàn đối thoại tăng cường quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQTG) châu thổ sông Hồng. Tham dự diễn đàn có đại diện các sở, ngành: TN và MT, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 3 tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình; UBND các huyện Thái Thụy, Tiền Hải (tỉnh Thái Bình), Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định), Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình); Ban Quản lý Vườn Quốc gia Xuân Thủy; Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Bình.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã được cung cấp thông tin về tình hình quản lý Khu DTSQTG châu thổ sông Hồng và dự thảo báo cáo đánh giá định kỳ 10 năm Khu DTSQTG châu thổ Sông Hồng; phổ biến các quy định về quản lý Khu DTSQTG; hướng dẫn xây dựng Quy chế, kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường khu DTSQTG; hướng dẫn xây dựng báo cáo đánh giá định kỳ 10 năm Khu DTSQTG; hướng dẫn xác định phân vùng Khu DTSQTG áp dụng cho Khu DTSQTG châu thổ Sông Hồng.
Các thành viên Ban quản lý Khu DTSQTG châu thổ sông Hồng thuộc các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình tập trung thảo luận về công tác quản lý Khu DTSQTG; thảo luận các giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý Khu DTSQTG châu thổ Sông Hồng; thảo thuận, góp ý về dự thảo Báo cáo đánh giá định kỳ 10 năm Khu DTSQTG châu thổ Sông Hồng và hướng dẫn xác định phân vùng áp dụng cho Khu DTSQTG châu thổ Sông Hồng.
Đồng chí Đỗ Quang Trung, Phó Giám đốc Sở TN và MT tỉnh Nam Định cho biết: Từ khi thành lập năm 2013 đến nay, với sự nỗ lực của Ban Quản lý Khu DTSQTG châu thổ sông Hồng, sự hỗ trợ của MAB Việt Nam (Ủy ban Quốc gia con người và sinh quyền, UNESCO Việt Nam, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ TN và MT, Ban Quản lý Khu DTSQTG đã nỗ lực nhằm đảm bảo các tiêu chí và chức năng của một Khu DTSQTG; gắn kết hài hòa giữa bảo tồn tài nguyên thiên nhiên văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí Phó Giám đốc Sở TN và MT cũng bày mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ MAB Việt Nam và UNESCO Việt Nam để hoàn thiện quản lý và báo cáo định kỳ với UNESCO, nhằm duy trì và phát huy giá trị của Khu DTSQTG.
Khu DTSQTG châu thổ sông Hồng có diện tích 105.557ha, là Khu DTSQTG thứ 3 của Việt Nam do UNESCO công nhận ngày 22/12/2004 cho các vùng đất phía Nam vùng duyên hải Bắc Bộ, nằm ở cửa sông Đáy, sông Hồng và sông Thái Bình. Đây là khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển thuộc 3 tỉnh châu thổ sông Hồng là Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình; bao gồm khu vực bãi ngang, rừng ngập mặn Kim Sơn, Nghĩa Hưng, Thái Thụy, Vườn Quốc gia Xuân Thủy, cồn Nổi, cồn Vành, cồn Thủ, Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải và các vùng phụ cận. Khu này bao gồm nhiều hệ sinh thái đặc sắc như rừng ngập mặn, bãi cát ngập triều và bãi bùn, là nơi cư trú của hơn 220 loài chim, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Những khu rừng ngập mặn tại đây không chỉ là “bức tường xanh” bảo vệ cộng đồng trước tác động của thiên tai mà còn là khu Ramsar đầu tiên của Đông Nam Á.
Diễn đàn đối thoại tăng cường quản lý Khu DTSQTG châu thổ sông Hồng đã tạo cơ hội cho các cơ quan quản lý và cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hiểu biết và cam kết bảo tồn đa Khu DTSQTG châu thổ sông Hồng mà còn đặt nền móng cho các hợp tác, sáng kiến mới về bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với phát triển bền vững trong tương lai./.