Diễn đàn góp ý xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo: Chứng chỉ hay giấy phép hành nghề cho nhà giáo là cần thiết
Nhà giáo hiện nay đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước và họ đang là một lực lượng lớn hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Cho đến nay, Luật Nhà giáo vẫn chưa được ban hành dù đã được Đảng, Nhà nước cũng như toàn dân quan tâm bởi giáo dục - đào tạo luôn được coi là quốc sách hàng đầu.
LTS: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 95-NQ/CP ngày 7-7-2023, Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến của xã hội để xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo. Đánh giá sự cần thiết của dự luật này, nhiều nhà giáo, nhà quản lý, chuyên gia và người dân đã có những ý kiến đóng góp gửi đến Báo SGGP. Trên cơ sở đó, Báo SGGP chọn lọc và giới thiệu những ý kiến tâm huyết xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo.
Các quy định pháp luật hiện hành về nhà giáo còn thiếu đồng bộ, thiếu toàn diện; một số quy định quan trọng chưa được thể hiện ở tầm luật... Do đó, với thực trạng đội ngũ nhà giáo và việc quản lý đội ngũ 1,6 triệu nhà giáo đang đòi hỏi đổi mới quản lý trên cơ sở một khung pháp lý thống nhất. Việc ban hành một luật riêng về nhà giáo là phù hợp với xu hướng phát triển chung và kế thừa được kinh nghiệm quốc tế về quản lý nhà giáo.
Nhà giáo (từ giáo viên phổ thông cho đến giảng viên đại học) hiện nay đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước và họ đang là một lực lượng lớn hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Cho đến nay, Luật Nhà giáo vẫn chưa được ban hành dù đã được Đảng, Nhà nước cũng như toàn dân quan tâm bởi giáo dục - đào tạo luôn được coi là quốc sách hàng đầu.
Tuy nhiên, các chính sách, pháp luật về nhà giáo hiện hành vẫn chưa hoàn toàn phù hợp với tính chất nghề nghiệp của nhà giáo. Mặc dù đã có Luật Giáo dục (2019), Luật Giáo dục Đại học (2012 và sửa đổi 2018), Luật Giáo dục Nghề nghiệp (2014) cùng nhiều văn bản dưới luật khác liên quan nhà giáo, nhưng nhìn chung hệ thống quy phạm pháp luật vẫn chưa hoàn toàn phù hợp với tính chất nghề nghiệp của nhà giáo.
Nhiều quy định về nhà giáo chủ yếu ở các văn bản dưới luật. Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều cố gắng nhưng cho đến nay, một văn bản về Luật Nhà giáo vẫn chưa được đưa ra lấy ý kiến của đông đảo đội ngũ nhà giáo nói riêng và xã hội nói chung trước khi trình Quốc hội thông qua. Sau 2 hội thảo tham vấn ý kiến để xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo ở Ninh Bình và TPHCM, nội dung “một chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo” đã xuất hiện và dư luận có 2 luồng ý kiến trái chiều. Là một người có thời gian làm việc khá lâu năm trong ngành giáo dục, cũng đã được biết về việc cấp chứng chỉ hành nghề ở một số quốc gia, tôi nghĩ rằng việc cấp chứng chỉ hay giấy phép hành nghề là cần thiết trong dự thảo Luật Nhà giáo sắp tới. Vấn đề cần phải nói rõ rằng, nghề dạy học được cả xã hội trọng vọng và tất nhiên, xã hội cũng đòi hỏi cao nhà giáo khi họ thực hiện nghề nghiệp của mình. Luật Nhà giáo sắp tới cần phải thể hiện rõ điều này.
Giống như nhiều nghề nghiệp khác, việc cấp giấy phép hành nghề đối với nghề dạy học cũng không nên là một ngoại lệ, nhất là khi chúng ta mong muốn tỷ lệ giáo dục ngoài công lập sẽ tiếp tục được nâng lên trong một vài năm tới. Văn bản Luật Nhà giáo sẽ quy định cụ thể những gì cần phải có về năng lực dạy học nói riêng và năng lực giáo dục nói chung của nhà giáo. Không thể có sự khác biệt về nhà giáo giữa khu vực công lập và khu vực tư thục. Các quy định về năng lực chuyên môn, về đạo đức nghề dạy học cần phải đặt vấn đề cao hơn các ngành nghề khác nếu chúng ta muốn con cái được hưởng một nền giáo dục tốt hơn. Bởi lẽ sản phẩm của giáo dục chính là con người. Việc cấp chứng chỉ hành nghề chỉ là việc cụ thể hơn những gì sẽ được đưa vào Luật Nhà giáo. Nó không phải là rào cản đối với những người muốn cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người, mà làm cho những người hành nghề dạy học thực hiện tốt hơn chức năng nhà giáo của mình, nhất là chịu sự “kiểm soát” của học sinh, phụ huynh, nhà quản lý và toàn xã hội.
Những người được cấp chứng chỉ/chứng nhận hành nghề phải là những nhà giáo dục thực sự. Tất nhiên, khi có quy định về loại giấy tờ này, cần phải công nhận một thực tế hiện tại của những thầy cô đang tham gia công tác giáo dục ở mọi cơ sở giáo dục không phải học thêm bất cứ một chứng chỉ nghề nghiệp nào. Chứng chỉ nghề nghiệp nhà giáo phải tạo điều kiện cho các nhà giáo thực hiện tốt hơn chức năng nghề nghiệp của mình, để họ thấy được nhiều hơn trách nhiệm mà họ đang thực hiện.
Nhà giáo cũng như nhiều nghề nghiệp khác đều phải được giám sát, nhưng sự giám sát nghề nghiệp của họ khắt khe hơn và vì thế họ cũng cần được xã hội trọng vọng hơn, cần phải được bảo vệ hơn các ngành nghề khác. Giấy phép/chứng nhận hành nghề cho phép họ thực hiện các chức năng được quy định trong nghề nghiệp, được thay đổi nơi làm việc nếu có điều kiện, được luật pháp bảo vệ khi hành nghề. Giấy phép/chứng nhận hành nghề dạy học không phải là rào cản với những người có đủ năng lực thực hiện chức năng nhà giáo trong hoạt động giáo dục, và vì thế việc cấp giấy phép cần phải được quy định cụ thể trong Luật Nhà giáo.
Các cơ quan, cơ sở giáo dục có thể coi nó như một trong những quy định trong tuyển dụng cả trong khu vực công lẫn khu vực tư. Ở một vài nước, giấy phép hành nghề do hiệp hội nghề nghiệp cấp. Theo luật pháp hiện hành của nước ta thì giấy phép này phải do cơ quan quản lý nhà nước cấp cho những người đủ điều kiện, căn cứ vào Luật Nhà giáo và những văn bản quy định tại thời điểm cấp phép. Khi không đảm bảo yêu cầu nghề nghiệp, việc thu hồi giấy phép hành nghề cũng là điều cần thiết để đảm bảo quyền lợi nhà giáo và của người học theo luật định.
- TS VŨ MINH ĐỨC, Cục trưởng Cục Nhà giáo và quản lý cán bộ (Bộ GD-ĐT):
Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà giáo
Việc xây dựng Luật Nhà giáo rất cần thiết, xuất phát từ vai trò quyết định của đội ngũ với giáo dục. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo trong việc xây dựng bộ luật này. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đội ngũ nhà giáo phát triển, chứ không phải thêm điều kiện ràng buộc với đội ngũ nhà giáo. Bộ GD-ĐT đề xuất 5 chính sách đã được Chính phủ thống nhất thông qua, gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.
Đồng thời, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ GD-ĐT nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về lĩnh vực nhà giáo; tổng kết, rà soát kỹ lưỡng pháp luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Trong quá trình soạn thảo luật, cần khắc phục các bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay để thiết kế các chính sách theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương; có tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp với vai trò, vị trí việc làm của nhà giáo, có chính sách ưu đãi, khen thưởng, tôn vinh phù hợp; nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế, tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, truyền thông chính sách để tăng tính thuyết phục khi thông qua chính sách, bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện khi luật được ban hành.
- GS-TS NGUYỄN VĂN MINH, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội:
Cần làm rõ nhiều nội dung
Ban soạn thảo cho rằng hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo là nghề đặc biệt, có sản phẩm là con người. Vậy nên làm rõ nghề đặc biệt là như thế nào để khi thực hiện cùng thống nhất, nếu không sẽ vướng mỗi nơi hiểu một kiểu. Giấy chứng nhận nghề nghiệp của nhà giáo sẽ do ai cấp, cơ quan nào cấp cũng phải quy định và thống nhất cho rõ ràng. Với người nước ngoài khi đến tham gia giảng dạy tại Việt Nam, bắt buộc chúng ta phải có những quy chuẩn rõ ràng chứ không thể dễ dãi.
- TS BÙI THỊ HỒNG HẠNH, Trưởng Ban Đối ngoại (Đại học Quốc gia TPHCM):
Định nghĩa cụ thể “nhà giáo nước ngoài vào Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật”
Thực tế cho thấy, khung pháp lý về giáo dục của Việt Nam chưa có quy định chi tiết, đặc thù cho đối tượng nhà giáo nước ngoài, mà nhà giáo nước ngoài hiện nay chủ yếu đang được điều chỉnh bởi pháp luật về lao động. Pháp luật về lao động xem nhà giáo nước ngoài như người lao động bình thường. Trong khi đó, tầm quan trọng, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền lợi của nhà giáo rất đặc thù, do vậy việc áp dụng pháp luật về lao động để quy định về tuyển dụng, sử dụng, quyền, nghĩa vụ của nhà giáo nước ngoài là hoàn toàn không phù hợp. Việc thiếu khung pháp lý chi tiết để điều chỉnh nhà giáo nước ngoài là khoảng trống của pháp luật về giáo dục hiện nay. Do đó, ban soạn thảo cần làm rõ cũng như quy định rõ về nội dung này trong dự thảo Luật Nhà giáo.