Điền kinh Việt Nam: Chơi vơi giữa dòng

Đội tuyển điền kinh Việt Nam tiếp tục được xem như 'mỏ vàng' của thể thao Việt Nam và sẽ gánh trọng trách giành từ 15 - 17 Huy chương Vàng.

Tuyển thủ Nguyễn Thị Oanh ăn mừng thành tích 3 Huy chương Vàng tại SEA Games 31.

Tuyển thủ Nguyễn Thị Oanh ăn mừng thành tích 3 Huy chương Vàng tại SEA Games 31.

Điền kinh Việt Nam đang đứng trước nhiều thử thách, vừa phải duy trì sự thống trị ở sân chơi SEA Games vừa cần có chiến lược đầu tư bài bản, đủ sức vươn ra sân chơi châu lục và thế giới.

Biến động nhân sự

Chuẩn bị cho SEA Games 32 tại Campuchia vào tháng 5 tới, đội tuyển điền kinh Việt Nam đã triệu tập 79 vận động viên, đông nhất trong danh sách các đội dự tuyển của đoàn thể thao Việt Nam. Đáng chú ý, trong đợt tập trung đầu tiên của năm 2023, điền kinh Việt Nam thiếu 4 gương mặt đã giành tới 6 Huy chương Vàng ở kỳ đại hội trên sân nhà.

Những ngôi sao vắng mặt gồm: Nguyễn Văn Lai (Huy chương Vàng 5.000m và 10.000m SEA Games 31), Quách Thị Lan (Huy chương Vàng 400m rào nữ và 4x400m nữ), Khuất Phương Anh (Huy chương Vàng 800m nữ) và Lò Thị Hoàng (Huy chương Vàng ném lao nữ và đang nắm giữ kỷ lục SEA Games).

Ngoài ra, Trần Văn Đảng, vận động viên có cơ hội cạnh tranh huy chương cự ly 800m, 1.500m nam cũng vắng mặt.

Theo ban huấn luyện đội tuyển điền kinh Việt Nam, “lão tướng” Nguyễn Văn Lai nghỉ thi đấu 2 cự ly sở trường, song chân chạy sinh năm 1986 nhiều khả năng chuyển sang thi đấu marathon (42,195km).

Tuyển thủ Quân đội sẽ đăng ký nội dung marathon của giải vô địch quốc gia 2023 ở Lai Châu vào tháng 3 tới. Nếu thành tích được như kỳ vọng Nguyễn Văn Lai sẽ tham dự SEA Games 32. Lò Thị Hoàng chấn thương, trong khi Khuất Phương Anh vắng mặt vì lý do cá nhân.

Đặc biệt, vào tháng 1 vừa qua, 5 vận động viên điền kinh Việt Nam đã trải qua phiên điều trần do Hội đồng Thể thao Đông Nam Á chủ trì, bao gồm các thành viên của Thái Lan, Campuchia, Malaysia và Philippines. Danh tính những người này, theo nguyên tắc chưa chính thức được công bố.

Tuy nhiên, theo truyền thông Việt Nam, cả 5 người đều đạt thành tích tại SEA Games 31. Trong số này, 4 vận động viên nữ giành Huy chương Vàng nội dung cá nhân và tiếp sức, 1 vận động viên nam giành 1 Huy chương Bạc nội dung cá nhân, 1 Huy chương Bạc nội dung tiếp sức.

Theo tiến trình làm việc, Hội đồng Thể thao Đông Nam Á sẽ lắng nghe các vận động viên trình bày và đưa ra kết luận là họ cố tình hay vô tình sử dụng doping.

Từ kết luận của Hội đồng, liên đoàn các môn thể thao của quốc gia đó sẽ đưa ra án kỷ luật cụ thể, tùy vào mức độ vi phạm. Được biết, nhóm 5 vận động viên này sẽ bị hủy bỏ thành tích, tước huy chương tại SEA Games 31 và đối mặt với án cấm thi đấu.

Trước đó, Tiểu ban Y tế và Phòng chống doping của Ban tổ chức SEA Games 31 đã nhận được kết quả xét nghiệm doping của 5 vận động viên đội tuyển điền kinh Việt Nam. Cả hai lần xét nghiệm mẫu A và B đều cho chung một kết quả là cả 5 gương mặt này đều dương tính với chất cấm trong thể thao.

Lãnh đạo ngành Thể thao nêu quan điểm, đây thực sự là cú sốc. Thể thao Việt Nam không bao giờ có chủ trương dùng doping, luôn nói không với doping.

Nhưng đáng tiếc là các vận động viên đã tự bỏ tiền ra mua các sản phẩm về dùng với mục đích muốn hưng phấn hơn khi tập luyện chứ không phải để tăng thành tích. Điều đáng nói, thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam vẫn bị buông lỏng, Nhà nước chưa kiểm soát nổi.

Như vậy, so với SEA Games 31, đội tuyển điền kinh Việt Nam hiện nay với nhiều lý do vắng mặt nhiều gương mặt vàng. Tuy nhiên, điền kinh Việt Nam chào đón sự trở lại của “nữ hoàng tốc độ” Lê Tú Chinh sau gần 1 năm nghỉ thi đấu để chữa trị chấn thương và ngôi sao đường chạy trung bình, dài Nguyễn Trung Cường. Tú Chinh sẽ tranh tài ở các nội dung 100m nữ, 200m nữ, tiếp sức 4x100m nữ, Trung Cường thi đấu 3.000m nam vượt chướng ngại vật.

Bên cạnh đó, trong nỗ lực tìm kiếm phương án thay thế nhân sự, ban huấn luyện đội tuyển điền kinh Việt Nam chia sẻ, Bùi Thị Ngân (sinh năm 2001) và Nguyễn Thị Thu Hà (2002) có thể thay Khuất Phương Anh đảm nhiệm trọng trách tranh huy chương.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, hai tài năng trẻ này hội tụ đủ các yếu tố cần có như: Thể hình, tố chất, sự dẻo dai, sức mạnh, tốc độ đoạn cuối tốt hơn so với các đàn chị đã “thống trị” nội dung ở hai kỳ SEA Games liên tiếp vừa qua.

Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX diễn ra cuối năm 2022, Bùi Thị Ngân và Nguyễn Thị Thu Hà giành hai vị trí đứng đầu nội dung 800m nữ với thành tích lần lượt là 2 phút 08 giây 43 thuộc về Bùi Thị Ngân và 2 phút 09 giây 54 thuộc về Nguyễn Thị Thu Hà.

Thành tích này của bộ đôi này lần lượt vượt qua và tiệm cận thành tích của Khuất Phương Anh khi giành Huy chương Vàng SEA Games 31 (2 phút 08 giây 74). Trong khi đó, Nguyễn Thị Huyền vẫn là chân chạy tốt ở cự ly 400m rào nữ để sẵn sàng thay thế Quách Thị Lan.

SEA Games 2017, điền kinh Việt Nam đã xuất sắc giành 17 Huy chương Vàng, 11 Huy chương Bạc và 6 Huy chương Đồng để lần đầu tiên trong lịch sử vươn lên nhất toàn đoàn (vượt qua Thái Lan 9 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 11 Huy chương Đồng).

Hai năm sau tại Philippines, điền kinh Việt Nam giành 16 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc và 10 Huy chương Đồng, bảo vệ thành công vị trí số 1 Đông Nam Á, tạo khoảng cách khá lớn với đội đứng thứ 2 là Thái Lan (12 Huy chương Vàng, 11 Huy chương Bạc và 12 Huy chương Đồng).

Tại SEA Games 31, môn điền kinh thi đấu với 47 nội dung. Đội tuyển điền kinh Việt Nam tham dự đại hội với 65 vận động viên và là đội tuyển có số thành viên đông nhất của đoàn thể thao Việt Nam.

Kết thúc đại hội, điền kinh Việt Nam tiếp tục giữ được ngôi vị số 1 với thành tích 22 Huy chương Vàng, 15 Huy chương Bạc và 8 Huy chương Đồng. Đây là cột mốc đáng nhớ trong lịch sử môn điền kinh Việt Nam khi lần đầu tiên đạt 22 Huy chương Vàng tại một kỳ SEA Games.

Quách Thị Lan không được triệu tập vào đội tuyển điền kinh Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 32.

Nhiệm vụ kép

Trong kế hoạch chuẩn bị cho những mục tiêu chiến lược tại SEA Games 32, thể thao Việt Nam đã lên danh sách gồm 599 vận động viên và huấn luyện viên ở các môn trọng điểm, được hưởng chế độ dinh dưỡng 480.000 đồng/người/ngày kể từ ngày 15/2. Trong số này, toàn bộ các thành viên của đội tuyển điền kinh đều nằm trong danh sách đặc biệt trên.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn, dự kiến thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32 sẽ tranh tài 30/36 môn thi và 444/583 nội dung, đặt mục tiêu vào top 3.

Đội tuyển điền kinh Việt Nam tiếp tục được xem như “mỏ vàng” của thể thao Việt Nam và sẽ gánh trọng trách giành từ 15 - 17 Huy chương Vàng. Tuy con số này giảm gần 1/3 so với số Huy chương Vàng đoạt được ở SEA Games 31, song đây được coi là nhiệm vụ rất khó khăn cho điền kinh Việt Nam.

Áp lực Huy chương Vàng của điền kinh Việt Nam vẫn được đặt lên vai những gương mặt quen thuộc như Nguyễn Thị Huyền (400m, 400m rào, tiếp sức 4x400m), Nguyễn Thị Oanh (1.500m, 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật), Lê Tú Chinh và Nguyễn Trung Cường.

Các gương mặt mới, trẻ hiện chỉ dừng ở sự kỳ vọng. Sự ổn định về phong độ và bản lĩnh khi bước vào thi đấu của nhóm vận động viên mới vẫn còn là ẩn số.

Đặc biệt, trong những năm qua các nội dung sở trường như 400m, 800m hay 4x400m nam đều không mang về thành tích cao, cũng như trắng tay ở hai nội dung của cả nam và nữ được quan tâm nhiều nhất là 100m và 200m.

Tại giải vô địch điền kinh trong nhà châu Á 2023, diễn ra ở Kazakhstan đầu tháng 2 vừa qua, điền kinh Việt Nam xuất sắc giành 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc.

Nguyễn Thị Oanh ở đường chạy 1.500m đã giành chức vô địch trong sự ngỡ ngàng của tất cả các đối thủ. Thành tích của tuyển thủ Việt Nam đạt được là 4 phút 15 giây 55.

Trong khi Yume Goto (Nhật Bản) về nhì với thành tích 4 phút 19 giây 29, Akbayyan Nurnamet (Kazakhstan) về hạng ba với thành tích 4 phút 21 giây 31. Trước đó, điền kinh Việt Nam từng giành 2 Huy chương Vàng tại giải vô địch điền kinh trong nhà châu Á do công của các vận động viên Trương Thanh Hằng (800m), Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa).

Cũng ở giải vô địch điền kinh trong nhà châu Á 2023, Nguyễn Thị Huyền đã mang về tấm Huy chương Bạc trên đường chạy 400m nữ. Điều đó một lần nữa đặt ra bài toán, điền kinh Việt Nam cần làm gì để bứt lên vùng trũng Đông Nam Á?

Trong phát biểu liên quan đến vấn đề này, chuyên gia điền kinh Dương Đức Thủy cho biết, thông số thành tích của 22 Huy chương Vàng tại SEA Games 31 có rất ít nội dung có thể cạnh tranh huy chương châu Á, không có thông số nào đạt chuẩn dự giải vô địch thế giới, chuẩn Olympic Paris 2024.

Đơn cử như gương mặt vàng Nguyễn Thị Oanh, 3 Huy chương Vàng SEA Games 31 các nội dung 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật và 5.000m.

Trong đó, nữ vận động viên quê Bắc Giang phá kỷ lục SEA Games nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật với thành tích 9 phút 52 giây 44.

Thành tích này vẫn kém so với thành tích Huy chương Vàng ASIAD 2018 là 9 phút 36 giây 52, Huy chương Bạc là 9 phút 40 giây 03 và Huy chương Đồng của chính Oanh là 9 phút 43 giây 83. Trong khi đó, chuẩn Olympic Paris 2024 của nội dung này là 9 phút 23 giây.

Cũng theo ông Dương Đức Thủy, điền kinh Việt Nam cần phải sàng lọc được nội dung thế mạnh, có tiềm năng để đầu tư dài hạn, trọng điểm cho ASIAD, Olympic.

Quá trình đầu tư có thể kéo dài 10 năm, cần thực hiện quyết liệt, tránh tình trạng ngắn hạn, dàn trải như hiện nay. Cách làm thiếu sự đột phá của ngành thể thao khiến cho điền kinh Việt Nam có dấu hiệu “khủng hoảng” lực lượng kế cận. Nhiều gương mặt vàng đang bước sang bên kia sườn dốc sự nghiệp nhưng chưa có nhiều gương mặt triển vọng thay thế.

Bên cạnh chiến lược dài hơi, kinh phí đầu tư được coi là “vòng kim cô” cho sự phát triển của điền kinh Việt Nam. Gần 5 tỷ đồng cho một năm hoạt động chỉ đủ trang trải theo cách “tằn tiện” với môn thể thao nhóm 1 như điền kinh.

Chi phí cho tập huấn, thi đấu ở nước ngoài, trang thiết bị tập luyện và cả vấn đề trang bị kiến thức về y học thể thao, tận dụng thành tựu công nghệ vào huấn luyện cho huấn luyện viên, vận động viên điền kinh đòi hỏi những khoản kinh phí rất lớn.

Vậy nên, thật khó để đòi hỏi điền kinh Việt Nam vươn tầm ở thời điểm hiện tại. Hoàn thành trọng trách SEA Games 32, duy trì thành tích ở ASIAD và từng bước tiệm cận thành tích châu lục, cũng như thế giới là bước đi căn cơ, cần thiết.

Nhưng ngay cả lộ trình này cũng đòi hỏi sự thay đổi lớn về tư duy của những người có trách nhiệm, nếu không điền kinh Việt Nam chỉ quẩn quanh ở “ao làng” Đông Nam Á.

Thành Nam

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dien-kinh-viet-nam-choi-voi-giua-dong-post629339.html