Điều gì xảy ra với trái chủ của tập đoàn địa ốc nợ nần nhất thế giới
China Evergrande - tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc - vỡ nợ vào năm ngoái. Sau một năm, công ty sắp hoàn thành kế hoạch tái cấu trúc và có thể phải bán tài sản để trả nợ.
Theo Bloomberg, một trong những kế hoạch tái cơ cấu nợ lớn nhất từ trước tới nay tại Trung Quốc đang sắp được hoàn thành. China Evergrande - nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng thanh khoản ở nước này - bị tuyên bố vỡ nợ vào cuối năm ngoái.
Bắc Kinh đã vào cuộc để giải cứu ngành công nghiệp địa ốc đang bị nhấn chìm trong khủng hoảng. Nhưng các trái chủ của China Evergrande vẫn chưa hết băn khoăn về số tiền họ có thể nhận lại khi mọi thứ lắng xuống.
Trả nợ cho các trái chủ không phải ưu tiên hàng đầu của China Evergrande. Tập đoàn của tỷ phú Hứa Gia Ấn đang đứng trước áp lực hoàn thành những dự án dở dang và trả lương công nhân, tránh gây ra tình trạng bất ổn xã hội.
Khủng hoảng thanh khoản
Được thành lập vào năm 1996, China Evergrande sử dụng chiến lược vay nợ ồ ạt để mở rộng. Công ty của ông Hứa từng là tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh số bán nhà trên hợp đồng. Nhưng China Evergrande cũng là công ty địa ốc nợ nần nhất thế giới.
Công ty có tới hơn 1.300 dự án tại 280 thành phố trên khắp Trung Quốc. China Evergrande rơi vào khủng hoảng thanh khoản từ năm 2020, và đã lên kế hoạch giảm một nửa khoản nợ đến năm 2023.
Nhưng việc Bắc Kinh siết chặt quy định khiến thị trường địa ốc của Trung Quốc lao dốc nghiêm trọng. Các vấn đề về nguồn vốn làm cổ phiếu và trái phiếu của China Evergrande giảm mạnh. Đến tháng 12 năm ngoái, công ty chính thức vỡ nợ trái phiếu coupon bằng đồng USD.
Trái chủ nước ngoài cảm thấy họ không được ưu tiên trả nợ. Ưu tiên chính của chính quyền Bắc Kinh là duy trì sự ổn định xã hội. Do đó, tập đoàn địa ốc của tỷ phú Hứa Gia Ấn cần sớm trả nợ cho các khách hàng, nhân viên và nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Một nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã chỉ trích công ty thờ ơ với các cuộc đàm phán. Nhưng đến tháng 6 năm nay, một trái chủ đệ đơn kiện để giải thể công ty ở Hong Kong.
Tòa án đã yêu cầu công ty đưa ra các bằng chứng cụ thể về tiến độ trong những cuộc đàm phán. China Evergrande cũng cam kết về kế hoạch xử lý nợ vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 năm sau.
Kế hoạch tái cơ cấu
Sau nhiều tháng trì hoãn, đến đầu tháng 12, China Evergrande dường như sắp hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu nợ. Công ty đặt mục tiêu cuối tháng này sẽ đưa ra đề xuất đối với việc giải quyết khoản nợ bằng đồng USD.
Công ty tiết lộ có thể bán một số tài sản bên ngoài Trung Quốc để trả nợ cho trái chủ. Những tài sản này bao gồm cổ phần trong các doanh nghiệp dịch vụ quản lý tài sản và xe điện.
Một số trái chủ đã yêu cầu Chủ tịch Hứa bỏ ít nhất 2 tỷ USD tiền túi vào công ty. Đó là điều kiện để phía chủ nợ chấp nhận các đề xuất từ China Evergrande.
Tập đoàn địa ốc lớn thứ 2 Trung Quốc cho biết quá trình tái cấu trúc sẽ bao gồm trái phiếu nước ngoài, những khoản nợ của các công ty con, và thỏa thuận mua lại của nền tảng bán hàng trực tuyến FCB Group.
Các dự án nhà ở của China Evergrande đã được khởi động lại. Công ty cho biết vào tháng 9, họ đã nối lại hoạt động xây dựng ở 668 trên tổng số 706 dự án và tiếp tục với 38 dự án còn lại trong cuối tháng đó.
Khả năng Bắc Kinh vào cuộc để giải cứu China Evergrande được cho là khó xảy ra. Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Yi Gang cho biết công ty sẽ được xử lý "theo định hướng thị trường".
Một gói cứu trợ sẽ ngầm dung túng cho việc sử dụng đòn bẩy thái quá để mở rộng. Cách làm này từng khiến những đế chế địa ốc tiếng tăm một thời như Anbang Group Holdings và HNA Group gặp rắc rối.
Nhưng ở chiều ngược lại, sự sụp đổ của China Evergrande sẽ tác động tới toàn bộ ngành công nghiệp địa ốc và khách mua nhà. Giới chức Bắc Kinh đang yêu cầu công ty ưu tiên trả tiền cho người lao động và nhà cung cấp.