Điều Harry Kane không làm được trong trận thắng 6-2 trước Iran

Harry Kane đã phải từ bỏ mong muốn đeo tấm băng đội trưởng 'OneLove' trong trận đấu với Iran hôm 21/11 trước nguy cơ phải vào sân với một thẻ vàng.

 Đội trưởng đội tuyển Anh Harry Kane chào người hâm mộ sau chiến thắng 6-2 trước Iran hôm 21/11. Ảnh: Reuters.

Đội trưởng đội tuyển Anh Harry Kane chào người hâm mộ sau chiến thắng 6-2 trước Iran hôm 21/11. Ảnh: Reuters.

Trước loạt trận World Cup ngày 21/11 (giờ Qatar), ba ngôi sao bóng đá thế giới - Harry Kane của Anh, Virgil van Dijk của Hà Lan và Gareth Bale của xứ Wales - dự định ra sân với chiếc băng đội trưởng “OneLove”.

Chiếc băng này sử dụng 6 màu trong lá cờ cầu vồng đại diện cho cộng đồng LGBTQ và mang ý nghĩa “chống mọi hành vi phân biệt đối xử”, Liên đoàn Bóng đá Hà Lan (KNVB) giải thích, theo Reuters.

Dù vậy, khi bước ra sân vận động trong trận đấu với Iran, Harry Kane đã không đeo băng “OneLove”. Thay vào đó, anh đeo một loại băng khác cũng có thông điệp chống phân biệt đối xử, nhưng đã được FIFA chấp thuận, Express đưa tin.

Chỉ vài giờ trước đó, đội tuyển Anh cùng hàng loạt đội bóng châu Âu khác đã quyết định không đeo băng “OneLove” ra sân, sau khi FIFA đe dọa sẽ phạt cầu thủ đeo băng một thẻ vàng ngay khi trận đấu bắt đầu.

Dự định bất thành

Trước khi World Cup khởi tranh, đội trưởng của 7 đội tuyển bóng đá châu Âu - Anh, xứ Wales, Bỉ, Đan Mạch, Đức, Hà Lan và Thụy Sĩ - dự định đeo băng tay “OneLove” trong các trận đấu tại Qatar để truyền tải thông điệp.

Hôm 20/11, Harry Kane đã tự mình bày tỏ mong muốn được đeo tấm băng “OneLove” trong trận đấu với Iran.

“Với tư cách một đội bóng, một tập thể và một tổ chức, chúng tôi đã làm rõ mong muốn đeo tấm băng này”, Kane nói, theo Guardian. “Tôi biết FA (Liên đoàn Bóng đá Anh - PV) đang trao đổi với FIFA và chắc chắn quyết định sẽ được đưa ra trước giờ bóng lăn ngày mai”.

 Harry Kane (trái) phải từ bỏ ý định đeo tấm băng "OneLove" trong trận đấu với Iran. Ảnh: Reuters.

Harry Kane (trái) phải từ bỏ ý định đeo tấm băng "OneLove" trong trận đấu với Iran. Ảnh: Reuters.

Tuy vậy, trong một cuộc họp với các đội tuyển châu Âu hôm 20/11, FIFA đã đề cập tới khả năng phạt thẻ vàng với người đeo băng, theo AP. Với các đội tuyển bóng đá, cơ hội chiến thắng là điều không thể đánh đổi. Do đó, đây là cái giá quá đắt.

Giống như Kane, Van Dijk cũng khẳng định mong muốn đeo tấm băng “OneLove” trong trận đấu với Senegal. Dù vậy, anh tỏ ra thận trọng trước khả năng bị nhận thẻ vàng.

“Tôi sẽ đeo băng ‘OneLove’. Quan điểm của chúng tôi không thay đổi”, Van Dijk nói. “Nếu tôi sẽ bị thẻ vàng vì đeo nó, chúng tôi sẽ phải thảo luận. Tôi không muốn phải chơi với một thẻ vàng”.

“Với tư cách là các liên đoàn bóng đá quốc gia, chúng tôi không thể đặt cầu thủ của mình vào tình thế có thể bị phạt, bao gồm phạt thẻ”, bảy liên đoàn bóng đá châu Âu ra tuyên bố chung ngày 21/11, ngay trước khi trận đấu giữa Anh và Iran khởi tranh. “Do đó, chúng tôi đề nghị các đội trưởng không cố gắng đeo tấm băng này trong các trận đấu tại FIFA World Cup”.

“Ưu tiên số một của chúng tôi tại World Cup là giành chiến thắng trong các trận đấu”, KNVB khẳng định trong tuyên bố riêng. “Chúng tôi không muốn đội trưởng của mình bắt đầu trận đấu với một thẻ vàng”.

Nối dài tranh cãi

Chưa rõ liệu quyết định cứng rắn của FIFA có chịu ảnh hưởng của nước chủ nhà Qatar hay không. Cả chính phủ Qatar và cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức World Cup 2022 đều chưa phản hồi đề nghị bình luận của AP về vụ việc.

Theo quy định của FIFA, các vật dụng của cầu thủ không được có thông điệp về chính trị, tôn giáo hay mang tính cá nhân. Bên cạnh đó, trong những giải đấu chung kết, các cầu thủ “phải đeo băng thủ quân do FIFA cung cấp”.

 Giống như Kane, Virgil van Dijk ra sân với tấm băng "Không phân biệt đối xử". Ảnh: Reuters.

Giống như Kane, Virgil van Dijk ra sân với tấm băng "Không phân biệt đối xử". Ảnh: Reuters.

Tấm băng với dòng chữ “Không phân biệt đối xử” mà Harry Kane đeo hôm 21/11 vốn được FIFA dự định sử dụng từ vòng bán kết. Dù vậy, FIFA sau đó cho biết cả 32 đội tuyển tham dự World Cup đều có thể đeo tấm băng này.

Quyết định của FIFA đã vấp phải sự phản đối của một số liên đoàn thành viên và tổ chức bảo vệ quyền lợi của cộng đồng LGBTQ. Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Đan Mạch (DBU) Jakob Jensen tuyên bố tổ chức này “rất thất vọng” với FIFA.

“Họ đã biết về lập trường của chúng tôi trong thời gian dài”, ông Jensen nói. “Chúng tôi đại diện cho sự bao hàm, giống như FIFA nói rằng họ đại diện cho sự bao hàm. Tôi không thấy rằng thông điệp của chúng tôi mâu thuẫn với thông điệp mà FIFA muốn gửi gắm”.

Vụ việc này là tranh cãi mới nhất mà World Cup 2022 phải đối mặt. Trước đó, nước chủ nhà Qatar đã hứng chịu nhiều chỉ trích - đặc biệt từ các nước châu Âu - vì cách đối xử với lao động nhập cư, lực lượng trực tiếp xây dựng các đại công trình phục vụ World Cup.

Bên cạnh đó, chính sách của Qatar với phụ nữ và cộng đồng LGBTQ cũng là những vấn đề gây tranh cãi.

Dù vậy, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino hôm 19/11 cho rằng các nước châu Âu nên ngừng “rao giảng đạo đức” liên quan tới World Cup 2022.

“Xin đừng để bóng đá bị kéo vào mọi cuộc chiến về hệ tư tưởng và chính trị đang xảy ra ở thời điểm hiện tại", lá thư của ông Infantino và Tổng thư ký FIFA Fatma Samoura gửi tới các đội tuyển dự World Cup hồi đầu tháng 11 viết.

Zing từ Qatar: CĐV Iran tin đội bóng sẽ hủy diệt tuyển Anh Trước trận đấu giữa tuyển Anh và Iran ở World Cup 2022, nhiều cổ động viên của đại diện Tây Á tin tưởng vào chiến thắng cho đội nhà.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dieu-harry-kane-khong-lam-duoc-trong-tran-thang-6-2-truoc-iran-post1377563.html